| Hotline: 0983.970.780

Ứng phó cháy rừng [Bài 3] Bình Định không lơ là

Thứ Tư 29/03/2023 , 07:02 (GMT+7)

Mùa khô đã cận kề, Bình Định khẩn trương chỉ đạo các địa phương hoàn thiện kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2023 theo phương châm “4 tại chỗ”…

Chuẩn bị kỹ càng

Bình Định hiện có hơn 416.123 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng tự nhiên là hơn 214.584 ha, rừng trồng là hơn 128.510 ha.

Mùa khô ở Bình Định rất khắc nghiệt, thường xảy ra nắng nóng kéo dài, do đó, để bảo toàn diện tích rừng trên địa bàn, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương kiện toàn và tăng cường hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; Ban Chỉ huy Bảo vệ rừng (BVR) và PCCCR của các chủ rừng.

Theo đó, Ban Chỉ huy BVR và PCCCR xây dựng quy chế làm việc cụ thể, phân công, phân nhiệm rõ ràng cho từng thành viên; kiện toàn các tổ, đội phòng chống thiên tai nếu có thay đổi về nhân sự; giao ban định kỳ và thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện công tác PCCCR.

Các chủ rừng phải thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra an toàn về PCCCR ở tổ, đội, đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định PCCCR theo thẩm quyền. Mua sắm bổ sung, sửa chữa, bảo dưỡng các trang thiết bị chữa cháy rừng đảm bảo hoạt động hiệu quả khi tham gia chữa cháy.

Empty

Mùa khô ở Bình Định rất khắc nghiệt, nếu việc đốt thực bì sau khai thác rừng trồng không cẩn thận dễ dẫn đến cháy rừng. Ảnh: Đình Thung.

Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Định, ngay từ đầu năm, đơn vị này đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện chủ động phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng, hoàn thiện kế hoạch PCCCR năm 2023, tham mưu chính quyền địa phương kiện toàn ban chỉ huy PCCCR.

Đặc biệt, là tập trung xây dựng kế hoạch phù hợp với thực tế các khu vực; xây dựng bản đồ các điểm có nguy cơ cháy rừng cao và khoanh vùng để tập trung tối đa lực lượng ứng trực vào mùa nắng nóng cao điểm.

Theo ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định, phương án PCCCR ở các địa phương phải được gửi đến cơ quan kiểm lâm, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cấp huyện tham gia ý kiến.

Các đơn vị chủ rừng phải thực hiện kiểm tra, rà soát, bổ sung phương án PCCCR giai đoạn năm 2019-2023 và triển khai thực hiện hiệu quả.

Hạt kiểm lâm tham mưu cho UBND cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn cho UBND cấp xã rà soát, bổ sung và triển khai thực hiện phương án PCCCR giai đoạn năm 2019-2023, rà soát, bổ sung, điều chỉnh bản đồ PCCCR trên địa bàn quản lý.

Empty

Ngành chức năng Bình Định chữa cháy rừng. Ảnh: Đình Thung.

Cũng theo ông Sáu, kiểm lâm địa bàn có trách nhiệm hướng dẫn chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư lập và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả phương án PCCCR hàng năm.

Chủ rừng chịu trách nhiệm tổ chức thực tập phương án PCCCR theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy. Cơ quan kiểm lâm, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện phương án PCCCR.

Căn cứ vào phương án PCCCR của các chủ rừng và UBND cấp xã trên địa bàn đã lập, hạt kiểm lâm xây dựng kế hoạch BVR-PCCCR năm 2023 trình UBND cấp huyện phê duyệt để triển khai thực hiện đồng thời xây dựng bản đồ PCCCR trên địa bàn huyện.

“Nhằm hạn chế mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra, chúng tôi áp dụng phương án BVR và chủ động PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”, gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Khác hơn so với mọi năm, năm nay Chi cục Kiểm lâm Bình Định tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ kiểm lâm thuần thục các ứng dụng trong thu thập thông tin, khai thác dữ liệu cảnh báo cháy; cảnh báo sớm để phát hiện đám cháy và áp dụng phương án ứng phó phù hợp. Chi cục Kiểm lâm Bình Định cũng phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, tuyên truyền lồng ghép nhiều hình thức cho các chủ rừng, đặc biệt là chủ rừng là các hộ dân để nâng cao nhận thức và tự giác bảo vệ rừng”, ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho biết.

Công tác PCCCR chuyển biến tích cực

Theo ông Phạm Lộc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phù Cát, ngay từ đầu năm, đơn vị này đã xây dựng kế hoạch BVR và PCCCR, tham mưu UBND huyện Phù Cát ban hành quy định kiện toàn ban chỉ huy PCCCR các cấp.

Hạt Kiểm lâm Phù Cát cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương trong huyện tổ chức tuyên truyền, ký cam kết với 634 hộ dân, đặc biệt các hộ dân khu vực gần rừng về công tác BVR và PCCCR. Thực hiện 15 đợt tuần tra, truy quét các diện tích rừng do Hạt quản lý, chú trọng vào khu vực rừng giáp ranh liên huyện.

Điều đáng mừng là ở Bình Định hiện nay, công tác PCCCR đã có những chuyển biến tích cực từ các chủ rừng.

Dựa trên kế hoạch PCCCR của ngành kiểm lâm, chính quyền địa phương các cấp đã nhập cuộc nhiệt tình, công tác tuyên truyền về công tác PCCCR được tăng cường, ý thức BVR và PCCCR của người dân ngày càng được nâng cao.

Hầu hết chủ rừng ngày càng ý thức hơn trong việc chủ động trang bị dụng cụ, thiết bị PCCCR, tham gia các lớp tập huấn.

Empty

Ngành kiểm lâm Bình Định kiểm tra rừng. Ảnh: Đình Thung.

Tại huyện trung du Hoài Ân, năm 2023, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện này đã khoanh vùng các khu vực thường xảy ra phá rừng, cháy rừng ở các xã Bok Tới, Đăk Mang, Ân Nghĩa, Ân Tường Tây, Ân Sơn và các xã Ân Tường Đông, Ân Mỹ, Ân Tín. Theo đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân phối hợp, kiện toàn 47 tổ BVR và PCCCR với 743 thành viên tham gia.

Ở huyện trung du Tây Sơn, công tác PCCCR cũng được quan tâm đặc biệt. Để chủ động huy động lực lượng, phương tiện và tổ chức ứng phó hiệu quả công tác BVR và PCCCR đối với diện tích 20.504 ha rừng được giao quản lý trên địa bàn 6 xã: Vĩnh An, Bình Tân, Tây Phú, Tây Giang, Tây Xuân và Bình Nghi.

Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Sơn đã xác định các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, khoanh vùng và tổ chức lực lượng theo dõi sát các khu vực này. Hằng năm, đơn vị này còn tăng cường mua sắm, bổ sung các thiết bị, vật dụng phục vụ công tác bảo vệ rừng.

Theo ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định, trong công tác PCCCR, quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin là rất quan trọng.

Các cơ quan, đơn vị liên quan khi nhận được tin báo về cháy rừng xảy ra trên địa bàn được phân công quản lý phải nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tổ chức chữa cháy, đồng thời báo cho các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm khác biết để sẵn sàng chi viện lực lượng chữa cháy.

Trường hợp cháy rừng xảy ra ngoài địa bàn được phân công quản lý, sau khi nhận được tin báo cháy, phải bằng mọi cách nhanh chóng báo cho các cơ quan, đơn vị quản lý địa bàn nơi xảy ra cháy biết để xử lý đồng thời tham gia chữa cháy rừng.

Empty

Hằng năm, ngành chức năng Bình Định tăng cường mua sắm, bổ sung các thiết bị, vật dụng phục vụ công tác PCCCR. Ảnh: Đình Thung.

Sở NN-PTNT Bình Định được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ cập kiến thức về PCCCR cho nhân dân ở các vùng rừng, ven rừng. Thông tin cấp dự báo cháy rừng, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, hướng dẫn người dân cách xử lý thực bì đảm bảo an toàn trong mùa nắng nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt là tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc đốt thực bì sau khai thác rừng trồng; kiểm tra an toàn về PCCCR định kỳ đối với các khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu nguy hiểm cháy rừng hoặc vi phạm quy định an toàn PCCCR.

“Năm 2023, ngành kiểm lâm Bình Định phấn đấu nâng tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh đạt 57,3%. Nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR các cấp; nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR. Đặc biệt là trong năm nay ngành kiểm lâm Bình Định sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế năm trong 2022 để quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn”, ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.