| Hotline: 0983.970.780

Cảnh báo ô nhiễm, tảo độc gây chết tôm hùm ở vịnh Xuân Đài

Thứ Tư 03/04/2019 , 14:09 (GMT+7)

Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung (thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III) vừa có cảnh báo về tình trạng ô nhiễm hữu cơ, tảo phát triển gây chết tôm tại vùng nuôi tôm hùm vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu, Phú Yên).

Nuôi tôm quá tải là một trong những nguyên nhân khiến ô nhiễm hữu cơ tại vịnh Xuân Đài ngày càng nghiêm trọng

Trước đó, từ ngày 26-27/3/2019, tại vùng nuôi tôm hùm lồng tập trung ở vịnh Xuân Đài, đã có hiện tượng nước biển chuyển sang màu đỏ bất thường, xuất hiện nhiều nhất là tại vùng nuôi tôm hùm lồng ở Phước Lý (phường Xuân Yên) và các vùng như Phú Mỹ, Trung Trinh (thuộc xã Xuân Phương, TX Sông Cầu).

Các vùng nuôi đã có hiện tượng tôm hùm nuôi bị chết, người nuôi tôm phải nâng lồng nuôi lên mặt nước. Trung tâm đã về các vùng nuôi tôm hùm lồng xảy ra hiện tượng tôm bị chết, tiến hành thu thập 6 mẫu nước và 3 mẫu trầm tích tại các vùng gồm Phú Mỹ, Phước Lý và Mỹ Thành và 5 mẫu tôm hùm bị bệnh.

Kết quả quan trắc và phân tích cho thấy, một số chỉ tiêu về môi trường nước vượt ngưỡng cho phép, cụ thể: Hàm lượng oxy hòa tan trong nước (DO) tại vùng nuôi Phước Lý là 3,2 – 3,42 mg/l; tại Phú Mỹ là 4,46-4,62 mg/l, thấp hơn so với QCVN 10-MT: 2015/BTNMT đối với vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh (DO từ 5 mg/l trở lên).

Hàm lượng NH3 vượt từ 1,5 – 2,8 lần ngưỡng giới hạn cho phép tại 2 vùng nuôi Phú Mỹ và Phước Lý. Mật độ khuẩn Vibrio tại các điểm quan trắc đều vượt ngưỡng cho phép (dao động từ 1,1x103 – 2,5x103 cfu/ml), làm tăng nguy cơ tôm hùm nuôi bị nhiễm vi khuẩn. Đồng thời, phát hiện các loài tảo với mật độ cao, cụ thể: Tảo Prorocentrrum sp dao động từ 2.800 – 42.800 tb/l; tảo Peridinium sp dao động từ 25.000 – 46.000 tb/l; tảo Noctiluca sp có mật độ từ 78.000 – 132.000 tb/l tại các vị trí thu mẫu.

Mật độ nuôi hải sản lồng bè dày đặc, tích trữ chất thải từ thức ăn lâu năm khiến ô nhiễm hữu cơ ngày càng nghiêm trọng

Về môi trường trầm tích: Trầm tích tại các vùng thu mẫu có biểu hiện chuyển màu đen, có mùi hôi (mùi trứng thối). Độ pH trầm tích dao động từ 6,1-6,3, trong đó thấp nhất tại Phước Lý (pH=6,1), kế đến là Phú Mỹ (pH=6,2) và Mỹ Thành (pH=6,3). Trầm tích tại Phú Mỹ và Phước Lý chứa hàm lượng chất hữu cơ cao, từ 5,18-5,23% (tại Mỹ Thành thấp hơn, chất hữu cơ 3,82%).

Tương tự chất hữu cơ, hàm lượng sulfua trong trầm tích tại Phước Lý và Phú Mỹ ở mức cao, từ 11,58-12,43 mg/kg. Mật độ vi khuẩn Vibrio trong trầm tích tại các điểm đều cao hơn so với môi trường nước, dao động từ 2,2x103 – 4,5x103 cfu/g.

So với thời điểm quan trắc định kỳ vào cuối tháng 2/2019, trầm tích tại các điểm có xu hướng giảm pH, tăng hàm lượng sulfua và chất hữu cơ. Trầm tích chứa trên 3% chất hữu cơ sẽ làm giảm sự phong phú cũng như sinh khối của sinh vật đáy, gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường.

Đối với 5 mẫu tôm bị bệnh, kết quả xét nghiệm cho thấy có 1 mẫu nhiễm V. alginolyticus.

Ông Trần Đình Luân (ngoài cùng bên phải), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, trong một lần kiểm tra dịch bệnh hải sản nuôi tại vịnh Xuân Đài

Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung cảnh báo và khuyến cáo: các vùng nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài đang có biểu hiện ô nhiễm chất hữu cơ, tảo phát triển. Ngoài ra, trầm tích đang trong giai đoạn phân giải mạnh, khí độc tăng (H2S; NH3).

Hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp, chưa đảm bảo cho tôm hùm nuôi nên người nuôi cần nâng cao lồng nuôi, lặn kiểm tra tôm thường xuyên.

Bên cạnh đó, trời nắng nóng sẽ làm tăng nhiệt độ tầng nước mặt nên cần hạn chế ánh sáng chiếu trực tiếp xuống đáy lồng bè nuôi bằng các vật liệu chống nắng (tàu dừa, bạt nhựa, lưới lan). Cần thu hoạch tôm khi đã đến kích cỡ thương phẩm. Giảm 50% lượng thức ăn trong ngày vào thời điểm nắng nóng, oi bức, có mưa dông. Đưa các lồng nuôi đã xuất bán lên khỏi mặt nước nhằm tăng lưu thông nước, ngừng thả giống mới trong giai đoạn này.

 

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.