| Hotline: 0983.970.780

Bất cập các dự án thủy lợi hàng trăm tỷ thiếu kênh tưới

Thứ Năm 18/08/2022 , 07:27 (GMT+7)

Dù đã xây dựng xong nhưng các công trình thuỷ lợi ở Gia Lai được đầu tư hàng trăm tỷ đồng gần như nằm bất động do chưa có hệ thống kênh dẫn nước.

H1

Thủy lợi Ia Rtô xây dựng xong nhưng vẫn chưa thể phục vụ nước tưới cho hàng trăm ha cây trồng của người dân. Ảnh Tuấn Anh.

Xây dựng xong nhưng chưa thể phục vụ nước tưới

Do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế nên nhiều công trình thủy lợi được xây dựng trong thời gian gần đây tại Gia Lai đều chịu cảnh nước đầy hồ nhưng không thể tưới. Nguyên nhân do các công trình này sau khi hoàn thành đập đầu mối, chủ đầu tư mới tính đến phương án xây dựng kênh dẫn tưới. Thậm chí có công trình thuỷ lợi xây dựng xong chẳng biết tưới đi đâu vì chưa có quy hoạch vùng tưới.

Ghi nhận tại dự án hồ chứa nước Ia Rtô (xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa), công trình đã xây dựng xong phần thân đập và hệ thống kênh chính, trong khi kênh mương nội đồng dẫn nước trực tiếp đến đồng ruộng thì lại chưa có. Chính điều này đã khiến dự án Ia Rtô chưa thể phát huy hiệu quả, gây lãng phí lớn.

Trước đó, Báo Nông Nghiệp Việt Nam đã nhiều lần đưa tin về những sai phạm về dự án hồ chứa nước Ia Rtô. Hiện dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư được xây dựng từ nguồn ngân sách Trung ương với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành trong năm 2020 và phục vụ cấp nước tưới cho 600 ha cây trồng và cấp nước sinh hoạt cho khoảng 40.000 người dân trên địa bàn thị xã Ayun Pa.

Tuy nhiên, với rất nhiều bất cập trong việc triển khai dự án đã làm chậm tiến độ thi công vượt lũ và công trình không thể hoàn thành như quyết định được phê duyệt. Theo tìm hiểu được biết, hiện dự án đã xây dựng xong nhưng vẫn nằm bất động,  ruộng đồng của hàng trăm hộ dân nơi đây vẫn chưa được hưởng nguồn nước từ thủy lợi này.

H2

Do chưa có kênh dẫn, hệ thống kênh chính Ia Rtô cũng chưa hoạt động. Ảnh Tuấn Anh.

Sản xuất ngay dưới chân đập thủy lợi Ia Rtô nhưng kể từ khi dự án hoàn thành, mảnh đất hơn 1 ha trồng khoai mì của gia đình anh Tiêng (xã Ia Rtô) vẫn chưa được hưởng lợi, chỉ trông chờ vào nguồn nước mưa.

“Không có nước từ hồ thủy lợi, gia đình phải trông chờ vào nước mưa để trồng khoai mì, bắp. Nếu có nguồn nước từ hồ thủy lợi thì gia đình sẽ trồng thêm lúa. Còn hiện tại vẫn rất khó khăn nguồn nước tưới nên gia đình chỉ biết canh tác với cây khoai mì”, anh Tiêng chia sẻ.

Tương tự, dự án thuỷ lợi Plei Keo có tổng vốn đầu tư xây dựng 119 tỷ đồng với công suất tưới 500 ha đất nông nghiệp, trong đó đa phần lúa nước. Tuy nhiên, đến nay công trình này vẫn chưa thể phát tối đa hiệu quả, mới chỉ phục vụ nước tưới cho khoảng hơn 100 ha diện tích lúa của người dân.

Gia đình ông Pre (làng A Chong, xã Ayun, huyện Chư Sê) canh tác 2 sào lúa, nhưng nguồn nước tưới từ dự án thủy lợi lúc có, lúc không nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất cây trồng.

“Tháng 3 vừa qua, vì không có nguồn nước tưới nên 2 sao lúa của gia đình chết gần hết. Sau đó, gia đình phải trồng lại đợt lúa mới với hy vọng có nguồn nước tưới để có thu hoạch”, ông Pre nói và cho biết, chính vì nguồn nước hạn chế nên người dân trong vùng chủ yếu sản xuất 1 vụ/năm, thay vì 2 vụ.

H3

Tại dự án thủy lợi Plei Keo, do chưa có kênh dẫn, nhiều ngườ dân góp tiền mua ống nước để tưới cho ruộng lúa. Ảnh Tuấn Anh.

Dự án thủy lợi Plei Keo là công trình cũng để lại rất nhiều tai tiếng trong thời gian vừa qua khi xây dựng xong nhưng chưa nghiệm thu đã hư hỏng nặng. Hiện dự án đã đưa vào sử dụng nhưng chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Một vùng đồng ruộng mênh mông ngay chân đèo Ayun vẫn khô hạn. Vì không có nước, người dân nơi đây gần như bỏ đất trống để tìm công việc khác.

Tiếp tục đầu tư gần 500 tỷ đồng cho thủy lợi

Tại huyện xã Chư Don, Chư Pưh, hồ chứa nước Plei Thơ Ga được đầu tư xây dựng gần 230 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành công trình này sẽ cấp nước cho 620 ha lúa nước và 1.000 ha cây công nghiệp. Cùng với đó, công trình này cung cấp nước sinh hoạt cho 19.000 người dân trên địa bàn. Thiết kế là vậy, nhưng trên thực tế, công trình này mới chỉ cung cấp nước tưới cho gần 200 ha cây trồng. Theo nhiều người dân nơi đây, dù đã thi công xong hệ thống kênh mương, đường ống ngầm, nhưng chưa có các tuyến kênh cấp 1,2 nên vẫn chưa có nước để phục vụ tưới tiêu.

Ông Nguyễn Minh Hà, Chủ tịch UBND xã Chư Don (huyện Chư Pưh) cho biết, mới đây, xã cũng có đề xuất xem xét đầu tư, nâng cấp các hệ thống kênh mương cũ của hồ chứa nước Plei Thơ Ga. Đồng thời, xây dựng thêm các tuyến kênh để chia sẻ nước, dẫn tới các chân ruộng cho người dân. Được biết, UBND huyện Chư Pưh hiện đang xem xét đưa vào lộ trình đầu tư trong giai đoạn năm 2021-2025 để góp phần đạt chuẩn nông thôn mới.

z3648831456322_5751999eb6b771a6f578b5608e82605f

Hồ chứa nước Plei Thơ Ga cũng chỉ phục vụ nước tưới cho khoảng 200 ha cây trồng, trong khi công suất thiết kế hơn 600 ha. Ảnh Tuấn Anh.

Lý giải về sự bất cập này, đại diện Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai cho biết, các dự án thủy lợi phụ thuộc vào nguồn vốn của Trung ương nên khi xin kinh phí đều tập trung để xây dựng phần đập và hệ thống kênh chính. Sau đó, hàng năm dựa vào nguồn vốn của tỉnh để tiếp tục phát triển thêm hệ thống kênh nhánh.

Để tháo gỡ, mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai đã đưa ra Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước và hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sẽ hoàn thiện 4 hệ thống kênh của hồ thủy Ia Rtô, Tầu Dầu 2, Plei Keo và Plei Thơ Ga và xây dựng hồ Cà Tung (huyện Đăk Pơ), hồ  Đông Xuân (huyện Chư Pưh) với tổng kinh phí gần 500 tỷ đồng.

Cụ thể, hồ chứa nước Tầu Dầu được đầu tư xây dựng 33 tuyến kênh và công trình trên tuyến với tổng chiều dài khoảng 19km. Hồ chứa nước Ia Rtô, sẽ triển khai xây dựng 11 tuyến kênh và công trình trên tuyến với tổng chiều dài khoảng 17km.

Hồ chứa nước Plei Thơ Ga, đối với kênh N2, sẽ kiên cố đoạn kênh hiện trạng là kênh đất dài khoảng  khoảng 772m bằng bê tông cốt thép đá. Còn kênh chính kiên cố các đoạn kênh đất và mở rộng mặt cắt các đoạn kênh bê tông hiện trạng để đảm bảo dẫn nước tưới cho 420 ha. Trong khi đó, hồ chứa nước Plei Keo sẽ đầu tư tuyến kênh cấp 1 với tổng chiều dài khoảng 6.300m và kênh nội đồng dài 5.200m.

Ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, đối với công trình thủy lợi đã hoàn thành phần thân đập,  tôi sẽ tiếp tục bố trí nguồn vốn để xây dựng các tuyến kênh mương để đảm bảo cho công trình phát huy tác dụng. Về lâu dài, Về lâu dài, trong quá trình lập dự án chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư cũng như là đơn vị sử dụng cùng nhau phối hợp tính toán được công suất tưới của hệ thống đập. Từ đó, xây dựng số km kênh mương để đưa vào tổng mức đầu tư công trình cho đồng bộ.

Trước mắt, Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai yêu cầu Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng các hồ chứa nước và hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan.

Đồng thời, yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tổ chức triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư.

Xem thêm
Việt Nam - Indonesia hợp tác thúc đẩy an ninh lương thực

Chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.