| Hotline: 0983.970.780

Bất cập cơ sở giết mổ tại Đắk Lắk: Đầu tư tiền tỷ rồi hoạt động cầm chừng

Thứ Tư 27/09/2023 , 06:35 (GMT+7)

Tại Đắk Lắk, đa phần đơn vị, cá nhân đầu tư cơ sở giết mổ với chi phí nhiều tỷ đồng nhưng đều hoạt động cầm chừng.

Cơ sở giết mổ của ông Phạm Quốc Thương, chủ hộ kinh doanh Bùi Thị Nhung (xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đầu tư hơn 3 tỷ đồng nhưng mỗi đêm chỉ giết mổ khoảng 30 con lợn. Ảnh: Minh Quý.

Cơ sở giết mổ của ông Phạm Quốc Thương, chủ hộ kinh doanh Bùi Thị Nhung (xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đầu tư hơn 3 tỷ đồng nhưng mỗi đêm chỉ giết mổ khoảng 30 con lợn. Ảnh: Minh Quý.

Công suất lèo tèo, thu không đủ bù chi

Ông Phạm Quốc Thương, chủ hộ kinh doanh Bùi Thị Nhung (xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết, gia đình làm nghề giết mổ từ năm 1998 đến nay. Trước đây, cơ sở giết mổ của ông Thương hoạt động tại phường Tân Hòa nhưng không còn phù hợp quy hoạch cũng như đáp ứng các tiêu chí nên phải ngưng hoạt động.

Cuối năm 2020, ông Thương bỏ ra hơn 3 tỷ đồng để xây dựng cơ sở giết mổ lợn và gà tại xã Ea Tul. Công suất hoạt động của cơ sở trên giấy phép là hơn 100 con lợn và 1.000 con gà một ngày. Tuy nhiên, cơ sở chỉ được phép hoạt động đến 2027.

Mặc dù đầu tư tiền tỷ, nhưng hiện nay mỗi đêm cơ sở chỉ giết mổ khoảng 30 con lợn, còn gà chỉ có khoảng 10 con, có đêm không có hàng. Cơ sở chỉ có mỗi Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk đăng ký giết mổ còn các hộ dân xung quanh tự mổ tại nhà.

“Xung quanh cơ sở có nhiều trường hợp mua heo về tự mổ nhưng chính quyền địa phương chưa xử lý triệt để dẫn đến các điểm nhỏ lẻ vẫn hoạt động. Cơ sở đầu tư hệ thống xử lý nước thải qua 5 bể lọc, còn rác ký kết với công ty môi trường để thu gom hàng ngày. Mặc dù đầu tư lớn nhưng mỗi con heo giết mổ tại cơ sở được thu 30.000 - 40.000 đồng. Với số lượng ít như thế này cơ sở không đủ bù vào các chi phí”, ông Thương lo lắng.  

Tương tự, bà Trần Thị Dương, chủ lò giết mổ gia súc tập trung Ea Phê, huyện Krông Pắc cho biết, được sự vận động của chính quyền địa phương nên gia đình xây dựng cơ sở giết mổ theo hướng hiện đại nhằm đáp ứng tiêu chí nông thôn mới. Trước đây, gia đình bà Dương cũng làm giết mổ hàng chục năm, nhưng cơ sở không còn đảm bảo theo yêu cầu nên gia đình mới đầu tư mới.

Đầu tư từ năm 2018, gia đình bà Dương mua đất xây dựng cơ sở vật chất và đưa máy móc về giết mổ với chi phí hơn 3 tỷ đồng. Bình quân hiện mỗi ngày cơ sở giết mổ khoảng 60 con lợn. Trong khi công suất của cơ sở là phải trên 200 con lợn.

“Theo giấy phép mới, cơ sở đủ tiêu chuẩn cung cấp thịt cho toàn thể chợ tại xã và huyện Krông Pắc. Cơ sở giết mổ mới được đầu tư lớn nhưng số lượng đến lò mổ ít mà chúng tôi vẫn phải duy trì. Việc này để cho các hộ giết mổ ở những khu vực xung quanh thấy được việc giết mổ tập trung mang lại hiệu quả trong việc an toàn thực phẩm. Đặc biệt, khi đến cơ sở tất cả các tiêu chí về môi trường, quy định của cơ quan chức năng được đảm bảo. Khi đó, lượng thịt tại cơ sở cung cấp được đảm bảo an toàn”, bà Dương nói.

Một số cơ sở giết mổ tại Đắk Lắk được đầu tư tiền tỷ nhưng hoạt động cầm chừng. Ảnh: Quang Yên.

Một số cơ sở giết mổ tại Đắk Lắk được đầu tư tiền tỷ nhưng hoạt động cầm chừng. Ảnh: Quang Yên.

Chủ cơ sở cho biết thêm lò mổ của gia đình được đầu tư bài bản, đánh giá loại A. “Xung quanh có nhiều cơ sở khi xếp loại C theo quy định là không được phép hoạt động. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình cũng tự giết mổ, bán thịt tại nhà. Hiện nay cơ quan chức năng vẫn chưa quản lý được vấn đề này.

Khi bỏ tiền đầu tư lò giết mổ đủ tiêu chuẩn và đóng góp một tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, gia đình mong muốn được chính quyền địa phương hỗ trợ. Đặc biệt, hiện nay giá thành thu mới 30.000 đồng/con quá thấp so với các cơ sở đầu tư hàng chục năm trước.

Hiện, giá ở các cơ sở khác từ 40.000 - 45.000 đồng/con. Với mức thu này quá thấp, không đủ chi phí thuê nhân công, điện nước cũng như khấu hao tài sản. Do đó, cơ sở cũng đề xuất cơ quan chức năng cho đơn vị nâng giá thành lên bằng với những cơ sở khác”, bà Dương đề xuất.

Cơ sở giết mổ của Công ty TNHH sản xuất và chế biến thực phẩm ĐAKFARM đầu tư từ năm 1999 hiện đã xuống cấp, muốn di dời nhưng không được. Ảnh: Minh Quý.

Cơ sở giết mổ của Công ty TNHH sản xuất và chế biến thực phẩm ĐAKFARM đầu tư từ năm 1999 hiện đã xuống cấp, muốn di dời nhưng không được. Ảnh: Minh Quý.

Muốn di dời để đầu tư hiện đại nhưng thiếu quỹ đất

Ngoài các cơ sở đầu tư nhưng hoạt động cầm chừng, nhiều doanh nghiệp có điểm giết mổ nằm trong khu dân cư muốn di dời đi nơi khác nhưng không được. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến thực phẩm ĐAKFARM cho biết, doanh nghiệp đã 2 lần gửi đơn lên cơ quan chức năng xin thuê đất để di dời, xây dựng cơ sở giết mổ tập trung hiện đại nhưng không được.

Theo ông Tuấn, năm 1999 gia đình được cơ quan chức năng vận động, hướng dẫn xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột. Việc cơ sở được chính quyền cho phép hoạt động đến nay đã góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi.

Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, cơ sở giết mổ gia súc tập trung của công ty nằm trong khu dân cư nên thuộc diện phải di dời. Ngoài ra, cơ sở được đầu tư, hoạt động hàng chục năm đến nay đã xuống cấp, không còn đảm bảo.

“Do nằm trong khu dân cư không đảm bảo nên nhiều thời điểm công ty muốn nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo. Tuy nhiên, do không biết khi nào thành phố yêu cầu di dời nên không dám sửa chữa mà vẫn hoạt động cầm chừng”, ông Tuấn nói.

Do đó, để đáp ứng nhu cầu giết mổ động vật tập trung của đơn vị, doanh nghiệp đã đề nghị UBND TP Buôn Ma Thuột cho thuê 10.000m2 đất đã được quy hoạch xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung. Khi được bố trí đất, công ty sẽ xây dựng cơ sở giết mổ với công nghệ tiên tiến, hiện đại với công suất dự kiến 500 - 700 con lợn/ngày và 2.000 - 3.000 con gia cầm/ngày.

Khi cơ sở đi vào hoạt động sẽ đảm bảo cung cấp sản phẩm thịt động vật sạch, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm phục vụ người tiêu dùng của thành phố và tỉnh.

Cơ sở của Công ty ĐAKFARM xuống cấp nhưng doanh nghiệp không dám nâng cấp, sửa chữa. Ảnh: Minh Quý.

Cơ sở của Công ty ĐAKFARM xuống cấp nhưng doanh nghiệp không dám nâng cấp, sửa chữa. Ảnh: Minh Quý.

“Đơn vị đã 2 lần đến những nơi được thành phố quy hoạch khu vực chăn nuôi, giết mổ tập trung. Tuy nhiên, do thay đổi chính sách nên đến nay chăn nuôi và giết mổ phải nằm tách biệt mà thành phố chưa có quy hoạch cụ thể khu vực nào được đầu tư giết mổ. Do đó, doanh nghiệp rất mong chính quyền địa phương sớm quy hoạch khu vực giết mổ cũng như có chính sách hỗ trợ”, ông Tuấn thông tin.

Theo ông Hoàng Anh Dũng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y Buôn Ma Thuột, trước năm 1999 tại TP Buôn Ma Thuột có hơn 100 điểm giết mổ. Sau đó, cơ quan chức năng vận động, gom theo từng giai đoạn đến nay còn 7 điểm giết mổ tập trung. Hiện nay, trạm mới có chức năng quản lý, kiểm dịch tại các cơ sở giết mổ. Còn đối với các chợ thì không được phép.

Công tác quản lý giết mổ khó khăn nhất là thiếu quỹ đất để xây dựng cơ sở giết mổ tập trung. Trạm đã tuyên truyền vận động được một trường hợp xây dựng cơ giết mổ hiện đại, đồng thời phối hợp cùng doanh nghiệp đi tìm đất tại những vùng quy hoạch nhưng vẫn không đáp ứng được QCVN 01-150:2017/BNNPTNT.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.