| Hotline: 0983.970.780

Bất cập cơ sở giết mổ tại Đắk Lắk: Vừa thiếu lại vừa yếu

Thứ Ba 26/09/2023 , 06:30 (GMT+7)

Đắk Lắk có lượng tiêu thụ gia súc, gia cầm lớn nhưng địa phương chưa có nhà máy giết mổ tập trung, các điểm đang hoạt động thì xuống cấp và nhiều bất cập.

Các cơ sở giết mổ tại Đắk Lắk chủ yếu được đầu tư hàng chục năm trước hiện đã xuống cấp, nằm lọt thỏm trong khu dân cư. Ảnh: Minh Quý.

Các cơ sở giết mổ tại Đắk Lắk chủ yếu được đầu tư hàng chục năm trước hiện đã xuống cấp, nằm lọt thỏm trong khu dân cư. Ảnh: Minh Quý.

Cơ sở cũ kỹ, xuống cấp

Các cơ sở giết mổ động vật tập trung tại Đắk Lắk hầu hết được xây dựng từ những năm 2000, đến nay hầu hết nằm xen kẽ trong khu dân cư, gần chợ. Do đã hoạt động lâu năm nên phần lớn đã xuống cấp, gây ô nhiễm môi trường.

Tại một số huyện chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung, việc giết mổ chủ yếu diễn ra tại các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ khiến việc kiểm soát giết mổ chưa thực sự bảo đảm an toàn thực phẩm.

Hoạt động giết mổ còn diễn ra tự phát, các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ nhiều trong khi chính quyền địa phương không quan tâm, quản lý mà chủ yếu giao cho lực lượng thú y cơ sở đảm nhiệm thực hiện kiểm soát giết mổ nên khó khăn trong kiểm soát.

Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Lắk có 26 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 226 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ kiểm soát giết mổ được tại 23 cơ sở giết mổ đông vật tập trung (3 cơ sở đang bị tạm dừng hoạt động do chưa đủ điều kiện) và 120 điểm giết mổ nhỏ lẻ.

Cán bộ thú y đóng dấu kiểm dịch cho lợn tại cơ sở giết mổ đạt yêu cầu. Ảnh: Minh Quý.

Cán bộ thú y đóng dấu kiểm dịch cho lợn tại cơ sở giết mổ đạt yêu cầu. Ảnh: Minh Quý.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk đã kiểm soát giết mổ được trên 8.200 con trâu bò, trên 117.800 con lợn, 49.760 con gia cầm, 58 con dê. Để quản lý công tác giết mổ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk ủy quyền cho các trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc ký hợp đồng với nhân viên thú y cấp xã để thực hiện việc kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ, điểm giết mổ.

Tại tỉnh Đắk Lắk có nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ, hình thức giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung là “tập trung các hộ giết mổ”, theo Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT việc tồn tại của các cơ sở này là được phép, tuy nhiên lại là khó khăn trong việc tập trung, định hướng các điểm giết mổ này về cơ sở giết mổ tập trung.

Thành phố Buôn Ma Thuột là địa phương có nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhất tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, các cơ sở giết mổ hiện nay được đầu tư lâu, đã xuống cấp.

Tiêu biểu như cơ sở giết mổ động vật tập trung của Công ty TNHH sản xuất và chế biến thực phẩm ĐAKFARM tại đường Y Moan, phường Tân Lợi. Cơ sở được đầu tư từ năm 1999, thời điểm xây dựng cơ sở đủ điều kiện hoạt động, nằm xa khu dân cư. Tuy nhiên, trãi qua hàng chục năm hiện xung quanh đã hình thành khu dân cư. Đặc biệt cơ sở vật chất của cơ sở đã xuống cấp nhưng không thể sửa chữa cũng như di dời đến khu vực khác do vướng cơ chế.

Hiện Trạm Chăn nuôi và Thú y Buôn Ma Thuột mới quản lý được gần 300 con lợn, còn số lợn giết mổ hàng đêm chưa được kiểm soát mà đưa ra các chợ tiêu thụ trên 200 con. Ảnh: Quang Yên.

Hiện Trạm Chăn nuôi và Thú y Buôn Ma Thuột mới quản lý được gần 300 con lợn, còn số lợn giết mổ hàng đêm chưa được kiểm soát mà đưa ra các chợ tiêu thụ trên 200 con. Ảnh: Quang Yên.

Chưa quản lý hết số lợn giết mổ hàng ngày

Ông Hoàng Anh Dũng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y Buôn Ma Thuột cho biết, hiện thành phố có 7 cơ sở giết mổ được đầu tư từ hàng chục năm trước đã xuống cấp. Nay trạm chỉ có chức năng kiểm tra công tác kiểm dịch trong lò mổ, còn kiểm tra ngoài chợ phụ thuộc vào chính quyền địa phương.

“Một đêm trạm chỉ kiểm soát được việc giết mổ gần 300 con lợn. Còn số lợn giết mổ hàng đêm chưa được kiểm soát mà đưa ra các chợ tiêu thụ trên 200 con. Hiện nguồn heo không được kiểm tra khi giết mổ tại nhà mang ra các chợ bán là tương đối lớn. Việc kiểm tra này phụ thuộc vào chính quyền địa phương, trước mắt là UBND các xã phường. Trước đây, UBND TP thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra nhưng chỉ được vài bữa mọi chuyện đâu vào đấy”, ông Dũng nói.

Vị Trạm trưởng cho biết thêm, giết mổ tại nhà sẽ ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, đối với các hộ giết mổ tại nhà không thể khẳng định được là mua lợn đảm bảo. Do đó, việc giết mổ tự phát sẽ làm lây lan, gây mất an toàn dịch bệnh.

Năm 2013, TP Buôn Ma Thuột có quy hoạch khu vực giết mổ tại thôn 8, xã Cư Êbur. Tuy nhiên, hiện nay theo QCVN 01-150:2017/BNNPTNT không còn phù hợp. Trước đây, khu vực giết mổ và chăn nuôi tập trung ,nhưng theo quy định mới chăn nuôi và giết mổ phải riêng biệt, các điểm giết mổ cách khu chăn nuôi 1km, cách chợ, trường học, khu dân cư là 500m.

“Nếu thành phố quy hoạch được khu vực giết mổ tập trung thay vì 7 điểm như hiện nay, việc quản lý sẽ dễ hơn. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khống chế được nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hiện, cán bộ kiểm soát giết mổ đang còn thiếu. Trạm có 4 viên chức, chủ yếu nhân viên thú y hợp đồng. Việc trả chế độ cho các trường hợp hợp đồng rất thấp. Việc chi trả tiền công phụ thuộc vào nguồn thu tại các cơ sở giết mổ. Động viên anh em làm chứ ngày nào cũng làm đêm nhưng mỗi tháng nhận được chưa đến 3 triệu đồng nên rất khó khăn”, ông Dũng chia sẻ.

Đối với công tác kiểm soát giết mổ toàn tỉnh Đắk Lắk, địa phương này chỉ kiểm soát được 23 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 120 điểm giết mổ nhỏ lẻ. Công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm chưa được chính quyền địa phương các cấp quan tâm đúng mức... Việc giết mổ gia súc, gia cầm còn diễn ra tự phát, nhỏ lẻ tại hộ gia đình trong các khu dân cư ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, không đảm bảo quy trình theo quy định, hoạt động không có giấy phép.

Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 76 Luật Thú y, UBND huyện có trách nhiệm “Quản lý hoạt động của cơ sở giết mổ động vật tập trung, hoạt động sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và vệ sinh thú y trên địa bàn”.

Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y Buôn Ma Thuột kiểm tra giết mổ lợn tại cơ sở trên địa bàn. Ảnh: Minh Quý.

Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y Buôn Ma Thuột kiểm tra giết mổ lợn tại cơ sở trên địa bàn. Ảnh: Minh Quý.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk cho biết, việc quy hoạch, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm và hoạt động sơ chế, kinh doanh sản phẩm động vật hiện còn nhiều bất cập, thiếu sự đồng bộ của các ban ngành như việc di dời các cơ sở giết mổ nằm trong khu dân cư, quy hoạch vị trí đất đáp ứng các điều kiện để xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung hiện đại, quy mô lớn chưa được chú trọng.

Theo ông Côn, việc giết mổ gia súc, gia cầm còn diễn ra tự phát, nhỏ lẻ tại hộ gia đình trong các khu dân cư ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, không đảm bảo quy trình kiểm soát giết mổ theo quy định, hoạt động không có giấy phép. Chính quyền địa phương chưa thật sự quyết liệt trong việc xử lý vi phạm của hoạt động giết mổ nhỏ lẻ.

“Việc giám sát hoạt động giết mổ các cơ sở, điểm giết mổ chỉ có lực lượng thú y thực hiện mà chưa có sự phối hợp của chính quyền địa phương. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến sự quản lý hoạt động giết mổ dẫn đến tình trạng động vật đưa vào giết mổ không khoẻ mạnh hoặc bị bệnh làm cho sản phẩm động vật sau giết mổ kém chất lượng, không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y của cơ quan thú y vẫn lưu thông trên thị trường, nguy cơ làm lây lan dịch bệnh cao, làm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người tiêu dùng”, ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Quảng Trị sẽ hoàn thành gieo cấy vụ đông xuân trước 20/1

Ông Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị ngành nông nghiệp và các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân hoàn thành gieo cấy trước 20/1.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.