| Hotline: 0983.970.780

Bất công nơi vạn người làm thuê và 7 người giữ 21.000ha đất rừng

Thứ Sáu 08/09/2017 , 09:05 (GMT+7)

Cũng giống như các công ty lâm nghiệp, rất nhiều Ban quản lý rừng phòng hộ các địa phương đang quản lý diện tích đất rừng khổng lồ. Thực trạng mà một lãnh đạo ở Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ đã dùng từ “bất công với dân”.

Có thứ vòng kim cô tên rừng phòng hộ

Chiều muộn ở xứ Mường Yên Lãng thuộc miền rừng huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ), Đinh Văn Bồng - anh cán bộ phụ trách lâm nghiệp xã nói với tôi: Anh thấy có nơi nào như nơi này không, đất rừng bạt ngàn thế này, đẹp thế này mà người dân các thôn bản, từ già đến trẻ mỗi ngày đi hàng mấy chục cây số lên tận TP Hòa Bình làm thuê, nếu không thì cũng làm thuê ngay trên đất của mình.

14-36-36_ptho1
Rừng phòng hộ sản xuất ở xã Yên Lãng

Những cánh rừng trồng Yên Lãng đẹp thật. Đồi bát úp gối lớp nhau từ khu vực Suối Vàng nối ra tận cánh đồng trồng lúa được phủ bởi màu xanh của keo đã sắp đến chu kỳ khai thác. Đường sá chạy tận chân đồi nên dù là xã vùng xa nhưng một chu kỳ khai thác có thể thu 80 - 100 triệu đồng/ha.

Chỉ có điều đất rừng ấy không phải của dân Yên Lãng mà là của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Bứa. Dân trồng đấy, dân chăm sóc đấy nhưng dân không có quyền quyết định bất cứ điều gì cả.

Toàn xã Yên Lãng có 1.297ha đất tự nhiên, hơn một nửa trong số đó là đất rừng (754ha), thực trạng thiếu đất sản xuất ở miền rừng này đã ở mức báo động. 876 hộ, 3.968 nhân khẩu nhưng chỉ có 180ha đất lúa. Lẽ dĩ nhiên, người miền rừng phải sống dựa vào rừng rồi, nhưng những cán bộ xã này nói như than: Nếu dân Yên Lãng chỉ biết dựa vào rừng thì chỉ có nước đói mốc mồm.

Trong số 754ha đất rừng ở Yên Lãng có 128,4ha rừng phòng hộ thuộc quản lý của BQL rừng phòng hộ Sông Bứa. Thực tế ở đây đã chứng minh rằng, tại sao đây vẫn là xã đặc biệt khó khăn (chính sách 135), tại sao người dân đầu tắt mặt tối vẫn bị đói nghèo đeo bám.

Cán bộ lâm nghiệp Đinh Văn Bồng kể, xưa cả cánh rừng Suối Vàng đều là đồi núi trọc. Từ năm 1996 Nhà nước đã giao cho dân canh tác. Dần dà người dân địa phương phát canh trồng rừng. Đời sống cũng ổn. Nói không ngoa, rừng Suối Vàng là công sức, mồ hôi và máu của người dân Yên Lãng. Đến khoảng năm 2012 thấy người ta về đo vẽ rồi làm thủ tục với địa phương, đưa rừng của dân biến thành rừng phòng hộ và giao cho BQL rừng phòng hộ Sông Bứa quản lý. Nông dân dỗng dưng mất đất, nếu muốn tiếp tục trồng rừng phải hợp đồng liên kết với BQL, thực chất là làm thuê.

“Trồng rừng phòng hộ người dân mất quyền tự chủ. Tất nhiên nhà nước có hỗ trợ đầu tư, nhưng đến chu kỳ khai thác người dân không có quyền quyết định mà phải chờ BQL về kiểm tra tiêu chuẩn. Bất cập hơn nữa là dân cũng không được phép khai thác hết mà chỉ tối đa 30% diện tích”, Đinh Văn Bồng tâm tư.

Có lẽ chính vì những bất cập như thế nên từ năm 2012 đến nay, cả Yên Lãng chỉ có 11 hộ chấp nhận tham gia hợp đồng trồng rừng phòng hộ với BQL Sông Bứa. 7 hộ ở thôn Đành (10,6ha), 4 hộ ở thôn Né (7,3ha). Những con số quá ít so với diện tích 128,4ha đất rừng của BQL rừng phòng hộ đang sở hữu trên địa bàn xã.

Anh Bồng dẫn tôi vào thôn Né, thôn Đành. Chiều gần muộn mà vắng hoe hoắt. Đa phần nông dân những thôn này đã đi lên tận TP Hòa Bình làm thuê. “Kia là hộ Đinh Mạnh Tiến, hợp đồng trồng rừng phòng hộ 3,7ha, nhiều nhất xã. Kia nữa là hộ Đinh Tiến Sĩ, Đinh Xuân Song, Đinh Văn Toàn… Tất cả họ đều đi làm thuê hết rồi. Anh bảo, trồng rừng phòng hộ ngặt nghèo như thế thì lấy đâu ra tiền để tái đầu tư. Chu kỳ trồng rừng phòng hộ dài hơn, tiêu chí khắt khe hơn, trói người dân không có cách gì bung ra được. Dân chán lắm”, anh cán bộ lâm nghiệp xã tiếp tục phân trần.

Chủ tịch UBND xã Yên Lãng, ông Đinh Văn Tình xác nhận: trong số 128,4ha rừng phòng hộ chúng tôi đã khảo sát chỉ có tầm 30 - 40ha là có vai trò phòng hộ thôi. Còn lại đều là đất rừng sản xuất hết. Xã cũng nhiều lần đề xuất xin rút 85ha trong diện tích này ra cho bà con sản xuất bởi nhu cầu đất đai của địa phương đã bức xúc lắm rồi nhưng chưa được chấp thuận”.

Ông Tình còn phân tích thêm, diện tích đất ấy chúng tôi tính, nếu giao cho dân trồng không thua gì phòng hộ, thậm chí còn tốt hơn vì dân được chủ động. Chứ cứ thế này thì bất cập quá. Thử hỏi có nơi nào diện tích rừng phòng hộ lại nằm ngay mép ruộng, nằm bên dưới diện tích rừng sản xuất hay không?

Thực ra, kể từ khi cái vòng kim cô rừng phòng hộ bắt đầu chụp xuống dân trồng rừng Yên Lãng thì lãnh đạo xã này đã thấy bất cập. Trong nhiều năm liền họ liên tục đề xuất Nhà nước xem xét lại ranh giới cũng như vai trò phòng hộ có cần thiết hay không. Thậm chí trong các văn bản gửi lên cấp trên, cán bộ xã chỉ rõ những bất cập của phần lớn diện tích đang được gọi là rừng phòng hộ.

Đấy là chưa tính nguồn vốn ngân hàng cho người trồng rừng vay với lãi suất ưu đãi 0,01% trong vòng 10 năm, thậm chí 5 năm đầu họ không tính lãi, nhưng mà cả xã không được nhiều hộ đủ tiêu chí vay. Ngân hàng yêu cầu các đối tượng phải có diện tích từ 1ha trở lên, nhưng trong xã số hộ đáp ứng đủ tiêu chí này không được bao nhiêu cả.

Thống kê mới đây, Yên Lãng còn tới 36,9% hộ nghèo, một trong những nguyên nhân chính là do thiếu đất sản xuất. Và khắp miền rừng huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê… người dân tham gia trồng rừng phòng hộ vẫn đang phải đội lên đầu chiếc vòng kim cô “rừng phòng hộ” ngày một siết chặt.
 

7 người giữ hơn 21.000ha đất rừng

Nằm ngay trên trục đường lớn của thị trấn Thanh Sơn, trụ sở của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Bứa khá khang trang, thậm chí còn có thể gọi là hoành tráng. Theo quyết định của UBND tỉnh Phú Thọ, đơn vị này được giao quản lý 21.617ha rừng trải dài khắp 31 xã thuộc hai huyện Tân Sơn và Thanh Sơn. Và thật khó tin, nhân sự của cả ban chỉ vỏn vẹn có 7 biên chế mà thôi.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Sông Bứa tính sơ sơ thì mỗi cán bộ lãnh đạo của đơn vị mình đang phụ trách xấp xỉ 3.000ha rừng, lại nằm rải rác ở quá nhiều xã, có những nơi cách xa trung tâm hơn 60km… Nhưng đó chưa phải là những vấn đề bất cập nhất.

14-36-36_ptho2
Đất rừng sản xuất tốt đa phần rơi vào tay các doanh nghiệp

Tiền thân của BQL Sông Bứa là Ban dự án 661 hay còn gọi là dự án trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ. Kể từ khi thành lập vào năm 2012, số diện tích BQL Sông Bứa đã được phân định rạch ròi gồm 15.000ha rừng tự nhiên và 6.000ha rừng trồng. Chính ông Tuấn thừa nhận, với số diện tích rừng trồng, cách khả thi nhất là thực hiện các hợp đồng liên kết với người dân bởi chỉ với chừng ấy con người, trồng được một ha đã khó chứ nói gì đến hàng nghìn ha.

Cũng may, chính thực trạng thiếu đất sản xuất trầm trọng nên người dân các địa phương ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chấp nhận tham gia liên kết, bất chấp những quy định hết sức ngặt nghèo.

“Người dân có thể tham gia trồng rừng phòng hộ bằng hai hình thức. Có sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc không. Hình thức thứ nhất người dân được hỗ trợ 30 triệu/ha trong vòng 4 năm nhưng đến chu kỳ khai thác chỉ được thu 20% diện tích. Hình thức thứ hai, không hỗ trợ gì, được thu 30% diện tích. Chúng tôi cũng biết nhu cầu đất sản xuất của người dân là thiếu. Ngoài ra, mỗi năm tham gia trồng rừng phòng hộ còn phải đóng cho UBND xã 80kg lúa gọi là nghĩa vụ. Nhưng đã là quy định thì biết làm sao được”, ông Tuấn phân trần.

Nói cách khác, với chính sách như hiện nay, nếu có đất sản xuất không đời nào nông dân đi trồng rừng phòng hộ cả. Nhưng dân không có đất, trong khi đất rừng của BQL lại quá nhiều nên dù bất cập đến mấy cũng phải làm.

Cả tỉnh Phú Thọ có 2 BQL rừng phòng hộ cùng được thành lập trong một ngày. Tại BQL rừng phòng hộ Ngòi Giành ở huyện Yên Lập, cũng chỉ vỏn vẹn 7 con người, quản lý xấp xỉ 10.000ha đất rừng tại các xã của 2 huyện Yên Lập và Cẩm Khê, ông Lê Quang Vĩnh, Giám đốc BQL Ngòi Giành thừa nhận: Có khoảng 1.000ha ở huyện Yên Lập, 500ha ở huyện Cẩm Khê có thể chuyển mục đích sang rừng sản xuất, giao cho người dân canh tác.

Một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ trả lời NNVN: Phải chuyển đổi ngay cho dân làm chứ để thế thì lãng phí quá.

Một khảo sát mới đây, BQL rừng phòng hộ Sông Bứa đã thống kê, trong số 6.000ha rừng trồng phòng hộ, có ít nhất tầm 2.000ha có thể giao trả cho các địa phương để giao cho người dân sản xuất. Đó đều là những diện tích rừng phòng hộ được xác định không có chức năng phòng hộ gì cả, tuy nhiên, ròng rã suốt nhiều năm trời đất vẫn không đến được với người dân.

 

Xem thêm
Thị trường Trung Quốc - 'Át chủ bài' xuất khẩu trái cây

Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng và ước tính, năm 2024 sẽ đạt gần 5 tỷ USD.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Bổ nhiệm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc

BẮC GIANG Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Công ty CP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc thay ông Nguyễn Đức Ninh nghỉ hưu theo chế độ.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...