| Hotline: 0983.970.780

Bắt đầu từ khâu thụ tinh nhân tạo

Thứ Tư 17/07/2013 , 09:42 (GMT+7)

Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi Bộ NN-PTNT đang triển khai, giống được coi là khâu then chốt mở đầu cho cả quá trình chuyển đổi.

Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi Bộ NN-PTNT đang triển khai, giống được coi là khâu then chốt mở đầu cho cả quá trình chuyển đổi. Trong đó, việc ứng dụng thụ tinh nhân tạo (TTNT) là tiền đề để nâng cao chất lượng bộ giống của quốc gia.

TỶ LỆ TTNT THẤP

Hầu hết các nước có nền chăn nuôi phát triển trên thế giới hiện nay đều áp dụng phương pháp TTNT đối với gia súc là lợn, bò, trâu… Nhiều quốc gia đã tiến thêm một bước khi TTNT cho cả gia cầm là gà, vịt, ngan…

TTNT có ưu điểm là tăng nhanh về tiến độ di truyền, cải tiến giống góp phần nâng cao năng suất, chất lượng thịt, sữa; khắc phục sự chênh lệch tầm vóc, khối lượng; tránh được những bệnh lây lan truyền nhiễm trực tiếp qua đường phối giống tự nhiên.

TTNT còn giúp công tác quản lý Nhà nước về con giống thống nhất được trên phạm vi toàn quốc, khỏa lấp những hạn chế về không gian, thời gian do tinh đông lạnh có thể bảo quản trong thời gian dài.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), TTNT cho bò ở nước ta bắt đầu từ năm 1960 bằng tinh lỏng với kỹ thuật dùng mỏ vịt của Trung Quốc, năm 1972 bằng tinh viên và đến năm 1997 đã có dây chuyền SX tinh cọng rạ hiện đại Minitub (Đức) trang bị cho Trạm Nghiên cứu và SX tinh bò đông lạnh Moncada với công suất trên 1 triệu liều/năm.

Hiện nay, TTNT bò bằng tinh đông lạnh dạng cọng rạ là một biện pháp kỹ thuật quan trọng đẩy nhanh tiến bộ di truyền đối với phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa nước ta. Tuy nhiên, các dự án cải tiến nâng cao chất lượng giống bò VN đã kết thúc, dự án giai đoạn mới chưa được phê duyệt nên công tác cải tạo đàn bò bằng TTNT trên cả nước bị ảnh hưởng, giảm sút nhiều.


Thụ tinh nhân tạo là khâu quan trọng trong tiến trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi

Chính vì vậy, tỷ lệ TTNT tiến bộ chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu của SX. Với con lợn, TTNT được áp dụng bắt đầu từ những năm 80, song mức độ áp dụng vẫn chưa cao, chỉ chiếm 35% đàn nái do thiếu chính sách, cơ chế hỗ trợ.

Tại hội nghị công tác TTNT cho gia súc diễn ra vào sáng qua (16/7), Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương chia sẻ, chưa bao giờ ngành chăn nuôi khó khăn như hiện nay khi giá thành cao, năng suất chăn nuôi của ta chỉ thuộc mức trung bình mà giá bán dưới giá thành kéo dài gần 1 năm trời.

Theo ông Dương, giống, TĂCN và tổ chức SX là ba khâu quan trọng nhất để tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, chúng ta không thể làm cùng một lúc quá nhiều việc lớn nên ở thời điểm hiện tại, bắt đầu từ khâu giống là hợp lý.

"Theo số liệu thống kê lợn nái của ta sinh sản chỉ từ 11 - 12 con/nái/năm trong khi ở các nước phát triển là 24 - 26 con/nái/năm. Lợn của họ nuôi 3 tháng đạt 100 kg, của ta nuôi 3 tháng chỉ có 70 kg. Qua đó, cho thấy khâu giống của chúng ta đang rất yếu và thiếu. Muốn có được bộ giống tốt, điều ngành chăn nuôi cần làm ngay bây giờ phải làm sao đưa TTNT trong chăn nuôi chiếm tỷ lệ cao.

Ngay như với con bò, tỷ lệ TTNT bình quân cả nước mới đạt 21% như hiện nay là quá thấp. Trong đề án phát triển hệ thống TTNT cho gia súc giai đoạn 2013 - 2020, chúng tôi đặt mục tiêu tỷ lệ TTNT với bò thịt là 60%, bò sữa trên 80%. Riêng với lợn, nâng tỷ lệ TTNT lên 45% vào năm 2015 và 60% vào năm 2020”, ông Dương trăn trở.

CẦN CÓ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TTNT

Theo ý kiến của nhiều đại biểu tham dự hội nghị, thực tế cho thấy địa phương nào có chính sách hỗ trợ tốt, lãnh đạo quan tâm, công tác TTNT phát triển, mang lại hiệu quả cao, ví dụ như Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương tỷ lệ TTNT đạt gần 100%…

Ông Trần Ngọc Miên, Chủ tịch HĐQT Cty CP Giống chăn nuôi tỉnh Thái Bình cho biết, Thái Bình đã phổ cập việc TTNT trên đàn lợn từ nhiều năm nay, giờ người dân chỉ cần mua tinh đông lạnh về họ có thể tự làm, mặc dù tỉnh chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ TTNT.

Theo ông Miên, để tạo đà cho việc TTNT phát triển, Nhà nước cần có những cơ chế chính sách hỗ trợ; đặc biệt là hỗ trợ cho người sử dụng tinh nhân tạo, tức là người có con nái. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ con giống cho các cơ sở SX tinh, song phải có sự chọn lựa và có quy chuẩn rõ ràng.

Cũng đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Kim Giao, trợ lý Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề xuất có khả năng thành lập thêm một đơn vị SX và cung ứng tinh bò đông lạnh khác tại khu vực miền Nam ngoài Trung tâm Gia súc lớn TƯ (Viện Chăn nuôi) nhằm tăng tính cạnh tranh, tránh việc độc quyền sau này.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Thông, Giám đốc Trung tâm Gia súc lớn TƯ cho rằng, hiện khả năng của trung tâm mỗi năm có thể SX được 1 triệu liều tinh bò đông lạnh, trong khi đó, nhu cầu sử dụng tinh bò đông lạnh hằng năm của nước ta mới chỉ dừng lại ở 500.000 liều.

Vì vậy, ông Thông cho rằng, việc thành lập thêm trung tâm SX tinh bò đông lạnh khác là rất lãng phí. Về mối hoài nghi Trung tâm độc quyền, ông Thông cho biết đơn vị của mình là trung tâm nghiên cứu khoa học, không phải DN nên không có chuyện độc quyền bởi Bộ quản lý về giá ổn định trong 3 năm.

Điều khiến ông Thông băn khoăn nhất là trong khi các nước kiểm tra chất lượng bò đực bằng giải mã gen thì VN mới chỉ áp dụng biện pháp kiểm tra qua đời sau, rất mất thời gian và tốn kém, có kết quả phải mất 6 - 7 năm thì bò đực đã già mất rồi.

Tại hội nghị lần này, có nhiều ý kiến xoay quanh việc nên chọn đơn vị nào làm cầu nối giúp đỡ người dân trong việc TTNT cho gia súc. Một số ý kiến cho rằng cán bộ thú y cơ sở là phù hợp nhất bởi họ có chuyên môn, có tay nghề.

Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng cán bộ khuyến nông phù hợp hơn bởi họ thường xuyên sâu sát với người dân, có hệ thống kiện toàn từ TƯ đến địa phương trong khi cán bộ thú y chỉ xuất hiện khi có dịch bệnh xảy ra.

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, dẫn tinh viên dù là thú y hay khuyến nông đều phải được đào tạo. Đối với con giống và tinh phải công bố tiêu chuẩn và có quy chuẩn để kiểm tra xử lý. Nên khuyến khích việc xã hội hóa để các cơ sở DN tham gia vào quá trình TTNT, tăng cường nhập khẩu tinh chất lượng cao làm phong phú, nâng cao chất lượng giống vật nuôi.

Cần đặc biệt chú ý và hỗ trợ chăn nuôi lớn tập trung song song với chăn nuôi nông hộ vì hiện nay tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ của nước ta vẫn rất cao, chiếm trên 60%. Cục Chăn nuôi cần tập hợp các mô hình mới đã thành công ở nhiều địa phương để nghiên cứu ứng dụng.

+ Ông Trần Văn Khẩn, PGĐ Sở NN-PTNT Cao Bằng: “Cao Bằng chúng tôi TTNT cho bò bắt đầu từ năm 2003 nhưng đến tận năm 2007 mới được 500 - 600 con. Mặc dù tỉnh hỗ trợ 100% tinh bò, dán địa chỉ, số điện thoại dẫn tinh viên đến tận hộ có bò cái nhưng vẫn không ăn thua do tập quán chăn thả trâu, bò ở khu vực miền núi.

Mặt khác, bò đực cóc quá nhiều, bình quân 1 xã có 2 dẫn tinh viên "đấu" với 100 ông bò đực cóc kết quả là thua. Chúng tôi có chính sách hỗ trợ gần 200.000 đồng nếu hộ nào mang bò đực cóc đi thiến, song người dân không mặn mà vì thương lái ép giá cả 1 triệu đ/con khi mua bò thiến.

Tôi đề nghị, Pháp lệnh về giống phải có điều khoản quy định bò đực chất lượng kém phải bị thiến để tránh việc phối giống lung tung”.

+ Ông Tăng Xuân Lưu, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu bò & đồng cỏ Ba Vì (Viện Chăn nuôi): “Người VN chúng ta có thói quen ăn thịt bê con khi chúng đạt 6 - 12 tháng tuổi nên chúng ta không được sao nhãng việc giữ các giống bò cái gốc để làm nền.

Hiện nay, chúng tôi có công nghệ đeo gông bộ phận sinh dục của bò đực để chúng không thể sinh sản được nhưng vẫn giữ nguyên mà không phải cắt, nên tỉnh Cao Bằng có thể áp dụng với bò đực cóc để không bị thương lái ép giá khi mua”.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.