| Hotline: 0983.970.780

Bát nháo nuôi yến lậu

Thứ Ba 26/06/2012 , 16:59 (GMT+7)

Dù không được cấp phép nhưng giữa trung tâm TP HCM, rất nhiều nhà nuôi yến tự phát mọc ra đe dọa đến môi trường sống và sức khỏe người dân.

* VĂN PHÒNG SUỐI TIÊN CŨNG LÀM TRÁI LUẬT

Dưới kinh doanh yến sào, phía trên nuôi chim yến không phép ngay giữa khu dân cư

Dù không được cấp phép nhưng giữa trung tâm TP HCM, rất nhiều nhà nuôi yến tự phát mọc ra đe dọa đến môi trường sống và sức khỏe người dân. Cơ quan chức năng cảnh báo nếu dịch cúm gia cầm phát sinh sẽ tạo nguy cơ lớn cho nhiều khu khu dân cư đông đúc đang bị chim yến “làm tổ” ngay trên đầu…

VĂN PHÒNG… DỤ YẾN

Tòa nhà văn phòng của Khu du lịch nổi tiếng Suối Tiên to lớn và bề thế nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Duy Dương (phường 3, quận 10) khoảng nửa năm nay phát ra nhiều tiếng kêu lạ, văng vẳng như chim hót khiến dân tình xung quanh thắc mắc. Nhiều người nhìn lên phía trên tầng thượng tòa nhà này thì bất ngờ thấy mọc lên một chiếc chòi dựng bằng bê tông cốt thép, có vài cửa sổ nhỏ, trong đó phát ra tiếng kêu khá to của chiếc máy dụ chim yến về làm tổ.

Người dân ở đây cho biết, tiếng kêu dụ yến được mở gần như suốt ngày đêm khiến nhiều người lớn tuổi bị ảnh hưởng, rất khó ngủ. Thực tế này được PV kiểm chứng, ngay khi đi qua tòa nhà lập tức bị tiếng “chim máy” liên tục dội vào tai. Người đàn ông hành nghề xe ôm (biển số 54U3-2967) đối diện tòa nhà này cho biết: “Ban ngày còn đỡ, chứ cứ đến tối đường phố vắng vẻ, yên ắng thì tiếng kêu rất to. Ban đầu chim yến bay về đây khá nhiều, nhưng giờ không hiểu sao ít hơn rồi”, ông này nói.

Tương tự, ngay tại tầng thượng tòa nhà cao 4 tầng của cơ sở kinh doanh yến sào Ngọc Yến trên đường Bình Quới (quận Bình Thạnh) cũng bay rợp chim yến. Đây là khu vực rất đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến nghỉ dưỡng, vì thế cơ sở kinh doanh yến sào này đã tận dụng ngôi nhà to lớn của mình kiêm chức năng “tổ yến” để gia tăng thu nhập và làm mô hình mẫu cho khách hàng nào muốn mua thiết bị và kỹ thuật nuôi yến của họ.

Còn tại một tư dinh rộng lớn ngay mặt tiền (khu đất vàng) đường Võ Văn Tần (quận 3), bất cứ ai đi qua đây cũng dễ dàng nhìn thấy hàng đàn chim yến bay lượn kín trên nóc dinh thự này. Từ ngoài đường nhìn vào sẽ thấy ngay trên sân thượng dựng chiếc chòi lớn bằng tôn màu xanh lá, xung quanh có vài cửa sổ nhỏ liên tục có chim bay ra vào.

Lúc PV đến đây, do ảnh hưởng của tiếng xe cộ qua lại nên âm thanh “chim máy” dụ yến nghe không rõ. Tuy nhiên, người dân cho biết phải đến tối âm thanh khó chịu này mới phát huy tác dụng, chim yến cũng bay về nhiều hơn khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng bởi tiếng kêu và… phân chim “vô tư” từ trên trời rơi xuống!

Tình trạng nuôi yến chui giữa các khu dân cư đông đúc cũng diễn ra tại nhiều quận, huyện trung tâm như tại đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2. Nơi đây quy tụ hàng trăm biệt thự hạng sang chạy men theo sông Sài Gòn có giá cả triệu USD/căn cũng được nhiều hộ tận dụng tầng thượng mua máy phát về dụ yến. Khu vực Phú Mỹ Hưng quận 7, nhiều tuyến đường thuộc quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Chánh, quận 8… cũng đua nhau tham gia phong trào nuôi yến!

TIỀM ẨN NHIỀU DỊCH BỆNH

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Trọng Liêm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP HCM khẳng định, chính thức về mặt pháp lý thì thành phố mới chỉ cấp phép cho 10 căn thí điểm nuôi yến tại ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ. Vì thế, tất cả các điểm nuôi yến trên thành phố hiện nay đều là trái phép. Họ lách luật bằng cách xin cất nhà ở, nhưng sau đó không hoàn công và cứ thế để nuôi chim yến. Còn trong nội ô thì nhiều người tận dụng nhà cũ, tầng thượng thành nơi nuôi chim yến tự phát. Tuy nhiên, do quy chế quản lý vẫn chưa có nên không xử lý dứt điểm được tình trạng này.

PV hỏi về chuyện văn phòng Suối Tiên kiêm nuôi chim yến, ông Liêm khẳng định: “Không ai cấp phép cho văn phòng Suối Tiên nuôi chim yến cả. Họ tự thiết kế nhà nuôi, tự mua máy phát âm thanh về để dụ yến thôi!”. Nhiều nơi trong nội thành người dân bức xúc về âm thanh dụ yến phát ra tối ngày gây nhức đầu, phân chim rơi vãi gây ô nhiễm, đã làm đơn phản ánh đến cơ quan chức năng.

Ngay cả Chi cục Phát triển nông thôn cũng nhận được vài lá đơn phản ánh của người dân về vấn đề này. Một số nơi chính quyền đã dùng máy để đo độ ồn, nhưng do chưa có quy chế chung về xử lý nên mới dừng ở mức khuyến cáo người nuôi chú ý đảm bảo về môi trường. Điều quan ngại nhất là chim yến có thể mang virus H5N1 hay không? Theo ông Liêm: “Hiện các nhà khoa học và cơ quan thú y thường xuyên lấy huyết thanh của chim yến về kiểm nghiệm, nhưng chưa xác định trường hợp dương tính với cúm gia cầm.

Tại nhiều cuộc hội thảo, các nhà khoa học đều khẳng định do Maliaxia, Thái Lan rất hay có động đất, sóng thần nên rất nhiều đàn chim yến di trú qua VN và đường đi của của chúng cũng được các nhà khoa học đo vẽ cụ thể.

Đây cũng là yếu tố khiến nhiều người dân, dù sống ngay giữa khu dân cư đông đúc và không được cấp phép nhưng vẫn lén lút cải tạo nhà và mua máy dụ yến về với hy vọng “trúng quả”, gây tình trạng ô nhiễm môi trường và nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng virus còn tiềm ẩn và chưa ai dám khẳng định chim yến hoàn toàn miễn dịch với H5N1. Vì thế, nguy cơ luôn tiềm ẩn và lãnh đạo thành phố luôn cân nhắc việc phát triển chim yến phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, tránh trường hợp dịch bệnh bùng phát sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt sắp tới khi có quy hoạch tổng thể rồi, chắc chắn phải có hẳn một quy chế về phòng chống dịch bệnh nuôi chim yến”.

Theo tìm hiểu của NNVN, ông Lê Minh Trí, Phó chủ tịch UBND TP HCM đã từng báo cáo lãnh đạo Bộ NN-PTNT xin ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên, do đây là lĩnh vực mới mẻ, chưa đào sâu nghiên cứu nên Bộ chưa có câu trả lời chính thức. Vì thế, các sở ngành TPHCM sau khi họp bàn cơ bản đã thống nhất: nguyên tắc ưu tiên số một là nuôi chim yến phải xa rời khu dân cư để tránh nguy cơ nhiễm các loại dịch bệnh truyền nhiễm từ gia cầm.

Thứ hai, môi trường nuôi chim yến phải thân thiện, phù hợp với phát triển tự nhiên (sinh thái tốt, không ảnh hưởng bởi khói bụi, tiếng ồn của khu công nghiệp, khu dân cư…). Ngành nông nghiệp cũng đã báo cáo lãnh đạo thành phố xem xét chọn 3 quận, huyện có thể phát triển nuôi chim yến, gồm dọc tuyến sông Sài Gòn thuộc địa bàn huyện Củ Chi, Cù lao Long Phước của quận 9 và địa bàn huyện Cần Giờ.

Một chuyên gia phụ trách lĩnh vực nuôi yến tại TP HCM cho biết: “Hiệu quả kinh tế của nghề nuôi chim yến nếu thuận lợi sẽ “không chê vào đâu được”. Trung bình một nhà nuôi yến đầu tư khoảng 3 tỷ, sau đó nếu làm tốt sẽ thu 70 - 80 kg tổ yến/nhà, giá bán trung bình khoảng 30 triệu đồng/kg, tức thu về trên 2 tỷ đồng/năm.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Trường Sơn Bio tái tạo nông nghiệp sạch vì sức khỏe cộng đồng

ĐBSCL Mục tiêu của TSBIO giúp tái sinh nền đất, cải tạo môi trường nông nghiệp, sản sinh ra các sản phâm nông nghiệp hữu cơ, không còn tồn dư của các loại thuốc BVTV.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất