| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa: Bò dự án gây họa cho trâu bò nhà

Thứ Sáu 17/07/2020 , 13:46 (GMT+7)

Bò dự án được cấp chỉ sau 1 ngày đã xuất hiện bệnh lở mồm long móng. Sau đó, dịch bệnh lan ra đàn trâu bò địa phương.

Bò dự án gây họa

Theo phản ánh của người dân xã Trí Nang, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa), ngày 13/6/2020, xã có 27 hộ dân được nhận 27 con bò thuộc dự án giảm nghèo bền vững (30a và 135). Vì giá trị bò lớn hơn giá trị tiền dự án cấp nên các hộ dân phải đối ứng thêm. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 1 ngày sau, bò dự án đã phát bệnh và lây lan sang đàn trâu bò địa phương.

Con bò của ông Vi Văn Nương được cấp lại lần 2 nhưng vẫn bị LMLM. Ảnh: Võ Dũng.

Con bò của ông Vi Văn Nương được cấp lại lần 2 nhưng vẫn bị LMLM. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Vi Văn Nương, thôn Hắc cho biết, sau khi nhận bò về đúng 1 ngày thì thấy bò kén ăn, lở loét miệng, móng chân bị long. Vài ngày sau thì con trâu của người em trai là Vi Văn Nam do nuôi nhốt gần cũng xuất hiện triệu chứng tương tự. Đến ngày 18/6, đơn vị cung ứng đem con bò khác lên đổi nhưng cũng được ít ngày lại tiếp tục bị LMLM. Hiện gia đình ông Nương và bên cung ứng đang chữa trị.

“Mấy hôm nay, tôi và bên cung ứng đang phối hợp để chữa trị cho bò nhưng tình hình có vẻ nặng hơn. Móng chân bị lóc, lở loét, dòi bọ bám đầy khiến con bò không chịu ăn uống gì. Họ bảo đã tiêm phòng đầy đủ mà sao vẫn bị bệnh nhỉ?” – ông Nương phân vân.

Chân và mồm bị lở loét. Ảnh: Võ Dũng.

Chân và mồm bị lở loét. Ảnh: Võ Dũng.

Theo ông Hà Văn Tuấn, trưởng thôn Hắc, thôn có 2 hộ nuôi bò, 9 hộ nuôi trâu. Đợt cấp bò dự án lần này có 5 hộ được nhận 5 con bò thì có 2 con bị LMLM. Đến nay, bò dự án đã lây sang đàn trâu của 7 hộ dân thôn Hắc với tổng số trên 30 con mắc bệnh.

“Tôi khẳng định là bò dự án bị LMLM và lây sang đàn trâu bò của thôn. Trước đến nay ở thôn Hắc chưa hề có bệnh này trên đàn trâu bò” – ông Tuấn khẳng định.

Ông Hà Văn Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã Trí Nang cũng cho rằng, qua thông tin ông nắm được và khảo sát thì đúng là trâu bò dự án bị LMLM còn việc trâu bò dự án hay trâu bò địa phương bị bệnh trước thì ông không dám chắc.

Trưởng thôn Hắc khẳng định, bò dự án đã lây bệnh cho trâu bò nhà. Ảnh: Võ Dũng.

Trưởng thôn Hắc khẳng định, bò dự án đã lây bệnh cho trâu bò nhà. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, ông Hà Văn Tằm, Chủ tịch UBND xã Trí Nang lại cho rằng, chỉ trâu bò của người dân nuôi lâu nay mới bị LMLM chứ trâu bò dự án không hề hấn gì.

Không chỉ thôn Hắc mà hiện nay, bệnh LMLM đã lây lan ra thôn Giàng Vìn, bản En của xã Trí Nang.

“Qua kiểm tra thì có 25 con trâu bò bị LMLM tại 3 thôn, bản. Trong số này có 5 con bò dự án. Chúng tôi đã cấp cho Trí Nang 40 chai hóa chất tiêu độc khử trùng và đang triển khai công tác phòng chống dịch. Huyện cũng đã liên hệ để mua vắc xin và ngày mai sẽ tiêm phòng bao vây dập dịch” – bà Vi Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Lang Chánh cho hay.

Hồ sơ tiêm phòng có vấn đề

Mặc dù bò dự án mắc bệnh từ ngày 13/6 nhưng đến ngày 8/7 Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Lang Chánh mới nhận được thông tin bằng điện thoại của UBND xã Trí Nang. Hiện nay, UBND huyện Lang Chánh đang cử đoàn công tác vào xã Trí Nang để triển khai công tác phòng chống dịch.

Đến sáng 9/7, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa mới nhận được thông tin việc trâu bò ở xã Trí Nang bị LMLM.

Đợt cấp bò dự án lần này, UBND xã Trí Nang được giao làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn 359 triệu đồng. Trong đó, 27 hộ nhận bò phải đối ứng tổng số tiền 113,7 triệu đồng. Đơn vị cung ứng bò dự án cho xã Trí Nang là HTX DV Chăn nuôi xã Quý Lộc, huyện Yên Định (Thanh Hóa).

Bò được tiêm phòng (theo giấy chứng nhận này), chỉ sau 3 ngày đã được cấp cho người dân. Ảnh: Võ Dũng.

Bò được tiêm phòng (theo giấy chứng nhận này), chỉ sau 3 ngày đã được cấp cho người dân. Ảnh: Võ Dũng.

Theo hồ sơ UBND xã Trí Nang cung cấp, hợp đồng cung ứng bò giống giữa HTX DV Chăn nuôi xã Quý Lộc và UBND xã Trí Nang hiện đã được nghiệm thu thanh lý.

Toàn bộ số bò này được thu mua tại xã Quý Lộc và được tiêm phòng THT, LMLM vào ngày 10/6/2020, do Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Định tiêm. Hồ sơ không thể hiện số bò này được gắn thẻ tai tiêm phòng. Và, chỉ 3 ngày sau, tức ngày 13/6/2020, đàn bò này được cấp cho các hộ dân xã Trí Nang.

Ngoài Giấy chứng nhận tiêm phòng gia súc do Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Định cấp, hồ sơ còn kèm theo Giấy xác nhận về nguồn gốc, lý lịch con giống của chủ hộ bán bò giống, có xác nhận của UBND xã Quý Lộc.

Một cán bộ lâu năm trong ngành thú y cho hay, dù đã bỏ quy định kiểm dịch nội tỉnh nhưng về nguyên tắc, trâu bò cấp cho dự phải tiêm đủ 3 liều vắc xin. Trong đó có 2 liều vắc xin LMLM và 1 liều vắc xin THT. Sau khi tiêm phòng và đủ thời gian nuôi cách ly, tân đáo (thường sau 28 ngày), số trâu bò trên phải được lấy mẫu để kiểm tra, khi nào đạt tỷ lệ bảo hộ kháng thể theo quy định, do cơ quan thú y cấp mới được phép lưu hành.

Người dân xã Trí Nang lo lắng vì bò dự án đã lây bệnh sang hàng chục trâu bò địa phương. Ảnh: Võ Dũng.

Người dân xã Trí Nang lo lắng vì bò dự án đã lây bệnh sang hàng chục trâu bò địa phương. Ảnh: Võ Dũng.

Vị cán bộ này cũng cho hay, có trường hợp sau khi đã tiêm phòng và nuôi cách ly, tân đáo vẫn bị mắc bệnh nhưng tỷ lệ rất thấp.

Còn theo hồ sơ tiêm phòng do Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Lang Chánh cung cấp thì có tới trên 96% số trâu bò tại xã Trí Nang được tiêm phòng vắc xin LMLM và THT.

Vậy nguyên nhân vì sao, số trâu bò dự án, trâu bò địa phương, dù đã được tiêm phòng các loại vắc xin trên vẫn bị bệnh LMLM?

Xem thêm
Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.