| Hotline: 0983.970.780

Bến Tre: Lão nông dùng hồ bơi trữ nước ngọt chống mặn

Thứ Tư 30/12/2020 , 16:37 (GMT+7)

Đó là một trong các giải pháp trữ nước ngọt hiệu quả mà ông Nguyễn Công Thành ở tỉnh Bến Tre thực hiện để ứng phó với đợt hạn mặn.

Ông Nguyễn Công Thành (còn gọi là Tư Thành, ở xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) làm nghề sản xuất cây giống nổi tiếng ở địa phương đã mấy chục năm nay. Hiện khu vườn 2ha của ông có rất nhiều giống cây ăn trái đặc sản, giống nào cũng quý như sầu riêng Musangking, sầu riêng gai đen, bòn bon Thái, vú sữa MiCa, ổi Ruby.

Để ứng phó với đợt xâm nhập mặn sắp đến, ông Nguyễn Công Thành đã chi 200 triệu đồng nâng cấp hồ bơi thành bể chứa nước ngọt. Ảnh: Minh Đảm.

Để ứng phó với đợt xâm nhập mặn sắp đến, ông Nguyễn Công Thành đã chi 200 triệu đồng nâng cấp hồ bơi thành bể chứa nước ngọt. Ảnh: Minh Đảm.

Đợt hạn mặn hồi đầu năm, nhiều nhà vườn bị ảnh hưởng rất nặng nề. Trong nghề làm cây giống như ông Tư Thành, nhiều nhà hết nước ngọt tưới, bỏ tiền hàng trăm triệu ra mua nước mà cây con cũng chết ráo, duy chỉ vườn của lão nông này không có thiệt hại.

Ông Tư Thành chia sẻ: Đầu tiên là tôi theo dõi tin tức thường xuyên, không để bị bất ngờ. Như hồi đầu năm, nhờ biết nước mặn sẽ xâm nhập sâu nên tôi đã chuẩn bị ứng phó ngay từ đầu. Nhà có cái hồ bơi, do chưa kịp xây cao nên tôi tranh thủ bơm vô dự trữ nước ngọt được trên 300 khối. Còn các mương vườn thì thuê người vét bùn, tô gốc, dữ trữ nước đầy mương.

Trong khi nước mặn tấn công, nước ngoài sông nhiễm mặn hết rồi thì mình xài nước tiết kiệm. Đối với cây lớn trong vườn thì tôi chuyển sang vòi tưới tiết kiệm thay cho vòi phun. Bên cạnh đó, mình giữ cỏ để giữ ẩm cho đất. Cũng không xử lý ra hoa lúc này nữa. Đối với cây con thì mình ưu tiên nước tưới hơn, hết nước dự trữ thì lấy ghe chở về.

Năm nay, theo dự báo của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT thì khả năng hạn mặn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nhân dân vùng ĐBSCL. Cao điểm nhất có thể tương đương mùa khô 2019-2020.

Cách đây hơn một tháng, lão nông Tư Thành đã cho vét các mương vườn trữ nước. Đặc biệt, năm nay lão nông này còn chi thêm 200 triệu đồng để nâng cấp hồ bơi chứa được 600 khối nước. Theo ông Tư Thành chia sẻ, hồ bơi này trước ông xây dựng để làm du lịch sinh thái với chi phí hơn 300 triệu đồng.

Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay ông chỉ dùng nó trữ nước ngọt chống mặn. Nhờ có cái hồ nước này mà vườn cây giống của ông đứng vững trong đợt hạn mặn vừa qua. Năm nay, ông tiếp tục thực hiện các giải pháp chống hạn, mặn như năm trước. Phía cái hồ bơi, ông Tư quyết định nâng cấp lên để được nhiều nước ngọt nhất có thể.

Ông Nguyễn Công Thành kiểm tra trái vú sữa Mica. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Công Thành kiểm tra trái vú sữa Mica. Ảnh: Minh Đảm.

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT, mùa khô năm 2020-2021, phạm vi xâm nhập của ranh mặn 4g/lít cao nhất ở các cửa sông Cửu Long từ 58-70 km (tùy cửa sông), sâu hơn trung bình nhiều năm từ 10-20 km, thấp hơn năm 2015-2016 từ 2-5km, thấp hơn năm 2019-2020 từ 7-15km.

Hiện nay, chính quyền địa phương ở ĐBSCL đã và đang triển khai nhiều giải pháp để chống hạn, mặn cho nhân dân. Riêng người dân các nơi vùng bị ảnh hưởng đã có ý thức chống mặn rất cao. Nhiều nơi bà con đang nạo vét mương máng, lót bạt trữ nước. Các hộ dân đã trữ nước ngọt trong túi phòng khi nước sinh hoạt bị nhiễm mặn.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.