UBND tỉnh Bến Tre vừa tổ chức hội nghị bàn "Giải pháp phát triển vùng nuôi tôm tập trung ứng dụng công nghệ cao quy mô 300 ha huyện Bình Đại", nhằm tạo đột phá trong phát triển nuôi tôm nước lợ.
Theo ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, Tỉnh uỷ Bến Tre xác định thuỷ sản là một trong hai ngành kinh tế mũi nhọn, lấy đối tượng xuất khẩu làm chủ lực phát triển.
Hiện nay, tập trung trên 5 đối tượng nuôi chủ yếu gồm tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá tra, nghêu và tôm càng xanh. Trong đó, tôm nước lợ chiếm 53% tổng giá trị, 76% cơ cấu diện tích nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh với khoảng 36.300 ha.
Đáng chú ý, đến cuối năm 2022, tỉnh Bến Tre đã có trên 2.500 ha tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao tập trung ở huyện Bình Đại, Thạnh Phú và Ba Tri. Sản lượng tôm nuôi theo hình thức này sản lượng trên 42.000 tấn, chiếm 50% tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ.
Theo Nghị quyết 09 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao đạt 4.000 ha vào cuối nhiệm kỳ. Thời gian qua, cùng với sự quan tâm sâu sát của UBND tỉnh, sự phối hợp của các ngành các cấp, doanh nghiệp và bà con ngư dân đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động này phát triển.
Tại huyện Bình Đại, diện tích nuôi tôm công nghệ cao đã đạt trên 1.400 ha, tỷ lệ diện tích nuôi đạt hiệu quả trên 85%. Mục tiêu đến năm 2025, địa phương này sẽ có 2.000 ha tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao, năm 2030 là 3.000 ha. Tuy nhiên, theo UBND huyện Bình Đại mô hình nuôi tôm công nghệ cao vẫn còn một số khó khăn nhất định như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chất lượng con giống không đảm bảo, kết cấu hạ tầng nhiều nơi chưa đáp ứng. Do đó, mô hình nuôi tôm công nghệ cao phát triển còn chậm chưa tương xứng với tiềm năng của huyện. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ và thiếu tính liên kết.
Để giải quyết vấn đề trên, huyện Bình Đại đã đưa ra giải pháp xây dựng vùng nuôi tập trung với diện tích trên 300 ha tại ấp Phước Thạnh và Tân Long của xã Thạnh Phước. Tại vùng dự án đang có 190 hộ dân nuôi tôm theo các mô hình quảng canh, bán thâm canh, thâm canh và công nghệ cao.
Về mô hình sản xuất tập trung 300 ha theo công nghệ cao, đã có nhiều doanh nghiệp đề xuất các phương án liên kết với nông dân.
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú đề xuất giải pháp: Minh Phú sẽ thành lập Công ty cổ phần hạ tầng hoặc HTX nuôi tôm công nghệ cao Bình Đại Bến Tre. Trong đó, người dân có thể góp vốn bằng giá trị đất của mình hoặc cho Công ty thuê đất trên 20 năm.
Bí thư Huyện uỷ Bình Đại Nguyễn Văn Dũng cho biết: Nghe được phương án này, các hộ dân trong vùng dự án rất muốn nhanh chóng triển khai cùng thực hiện. Vấn đề cụ thể là huyện mời người dân để doanh nghiệp và hộ nuôi thống nhất cách thức thực hiện.
Theo ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre, hình thức nuôi ứng dụng công nghệ cao mà các doanh nghiệp và người nuôi đã triển khai trong những năm qua là có hiệu quả, phù hợp với điều kiện của tỉnh Bến Tre.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng phát triển mô hình này theo kế hoạch đề ra sắp tới cũng còn nhiều khó khăn. Cụ thể, quy hoạch vùng để phát triển ổn định bền vững, vốn đầu tư nguồn điện 3 pha phục vụ nuôi thủy sản, khả năng tiếp nhận quy trình kỹ thuật của bà con, quản lý môi trường, dịch bệnh, các mối liên kết trong chuỗi sản xuất.
Vì vậy để phát triển nuôi thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, ổn định và bền vững, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đề nghị UBND tỉnh Bến Tre tập trung chỉ đạo, các sở, ngành, địa phương tùy theo chức năng của mình mà hỗ trợ cho kinh tế thủy sản phát triển. Đồng thời, các ngân hàng cần quan tâm thẩm định đầu tư hợp lý cho các dự án khả thi triển khai nuôi tôm theo quy trình nuôi ứng dụng công nghệ cao để đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất.
“Các mô hình liên kết như Minh Phú đề xuất tôi thấy rất phong phú, phù hợp. Đề nghị nhất định phải có sự tham gia mạnh mẽ của cấp uỷ, chính quyền”, ông Lê Đức Thọ nhấn mạnh.