Xây dựng 5 vùng nuôi tập trung
Thời gian qua, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) tập trung thực hiện kế hoạch phát triển 1.500 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, quyết tâm cùng các huyện ven biển trong tỉnh thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2025 phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết số 04 ngày 29/1/2021 của Tỉnh ủy Bến Tre về phát triển tỉnh Bến Tre về hướng đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, huyện Thạnh Phú đang kêu gọi nông dân chuyển đổi từ nuôi, khai thác, chế biến thủy sản từ phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững.
Hiện toàn huyện có diện tích nuôi thủy sản ổn định 18.400 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm theo hướng ứng dụng 2, 3 giai đoạn, mô hình nuôi công nghệ cao khoảng 800 ha, tập trung ở các xã: Thạnh Hải, Thạnh Phong, Giao Thạnh, An Điền, An Nhơn, An Quy, An Thuận, An Thạnh, Mỹ An; năng suất thu hoạch trung bình khoảng 70 tấn/ha diện tích mặt nước nuôi.
Theo kế hoạch phát triển 1.500 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, huyện sẽ tập trung phát triển nuôi tôm biển, với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, đảm bảo thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và kinh tế của huyện tại 5 vùng nuôi tập trung thuộc 9 xã thuộc tiểu vùng 2 và tiểu vùng 3. Đây là những vùng có khả năng đầu tư phát triển nên huyện đã xây dựng lộ trình với mục tiêu, phương án triển khai cụ thể cho từng giai đoạn.
Cụ thể giai đoạn 1 từ năm 2021 đến 2023, huyện triển khai các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao thuận lợi về hạ tầng có sẵn với diện tích 940 ha; giai đoạn 2 từ năm 2023 đến năm 2025, giữ vững diện tích nuôi 940 ha các vùng trên, đồng thời phát triển thêm ít nhất 560 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Trong giai đoạn 2 này, huyện sẽ tập trung đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi các vùng 1, 2, 3 và triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng mới phục vụ cho vùng 4, 5.
Đột phá hạ tầng phục vụ nuôi tôm
Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Thạnh Phú, ông Lê Văn Tiến cho biết, hiện trạng về hạ tầng của 5 vùng quy hoạch nuôi tôm tập trung trên địa bàn huyện có các tuyến giao thông, thủy lợi cơ bản đáp ứng. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các vùng nuôi cần nâng cấp 13 tuyến điện trung thế 3 pha, 14 tuyến giao thông, đào mới và nạo vét 22 tuyến kênh thủy lợi đảm bảo phục vụ cho sản xuất. Tổng kinh phí dự kiến đầu tư hơn 2.850 tỷ bằng nhiều nguồn vốn. Trước mắt, giai đoạn 2022 - 2023, tập trung các tuyến vùng nuôi tập trung tiềm năng tại các xã như Giao Thạnh, Thạnh Phong, Thạnh Hải, An Điền. Các xã còn lại sẽ đầu tư cho giai đoạn 2024 - 2025 và sau đó.
Ngoài ra, để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển 1.500 ha nuôi tôm công nghệ cao, huyện sẽ phối hợp Chi cục Thủy sản rà soát và quy hoạch lại vùng nuôi, khu nuôi thủy sản có điều kiện sản xuất ứng dụng công nghệ cao đưa vào quy hoạch sử dụng đất của huyện thời kỳ 2021 - 2030 có tích hợp vào quy hoạch vùng nuôi thủy sản của tỉnh. Tập trung tổ chức lại sản xuất, hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại hỗ trợ xây dựng mô hình, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, xây dựng chuỗi giá trị nuôi tôm.
Song song đó, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các hộ nuôi nhỏ lẻ thành mô hình nuôi quy mô trang trại hoặc hộ gia đình thấp nhất từ 2 -10 ha để tạo được vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, tạo đầu mối để liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, huyện hình thành các tổ chức sản xuất nuôi tôm biển công nghệ cao để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, thành lập ít nhất 1 hợp tác xã có doanh thu 100 tỷ đồng; 5 tổ hợp tác liên kết sản xuất tại 5 vùng nuôi tập trung hoạt động hiệu quả. Tỷ lệ giá trị sản phẩm tôm sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, ASC… trên 60%; 100% các tổ chức, cá nhân nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đăng ký cấp mã số ao nuôi đúng quy định của Luật Thủy sản; 50% hộ nuôi tôm tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã có liên kết chuỗi giá trị ổn định đầu vào, đầu ra, đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ cho xuất khẩu. Ứng dụng khoa học công nghệ, các giải pháp kỹ thuật mới trong nuôi tôm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm….
Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú, ông Châu Văn Bình cho biết, phát triển 1.500 ha nuôi tôm công nghệ cao là một trong 11 công trình, dự án trọng điểm của huyện nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ XII của huyện, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đây là một chủ trương lớn góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành nuôi thủy sản, hướng đến hình thành và phát triển vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng chuỗi giá trị và phát triển công nghiệp chế biến thủy sản của huyện. Do đó, rất cần sự đồng thuận và chung tay thực hiện của người dân và doanh nghiệp.
Hiện tại, cả hệ thống chính trị của huyện đang tập trung cho công tác truyền thông để từng cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và mọi người dân hiểu rõ, sâu sắc vai trò, ý nghĩa, mục tiêu, nội dung của Đề án phát triển 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh nói chung và kế hoạch phát triển 1.500 ha nuôi tôm công nghệ cao của huyện nói riêng để cùng chung tay thực hiện.
Khơi gợi khát vọng từ những nông dân tỷ phú
Ông Châu Văn Bình cho rằng, để thực hiện hiệu quả chỉ tiêu 1.500 ha tôm công nghệ cao, rất cần sự huy động, vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và các bên liên quan, trong đó, cần sự quan tâm hỗ trợ, tiếp tục đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng cả về giao thông, cung cấp điện, nước, viễn thông; sự tham gia tư vấn chuyển giao khoa học công nghệ cũng như là chất lượng con giống, dinh dưỡng; sự sắp xếp tham gia cung cấp nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng cũng như sự chủ động tham gia đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất của người dân.
Đặc biệt, rất cần sự tham gia đầu tư, hợp tác liên kết của các doanh nghiệp từ tư vấn chuyển giao kỹ thuật đến con giống, dinh dưỡng, bao tiêu sản phẩm đầu ra cũng như là sự tham gia phát triển công nghiệp chế biến để hướng đến hình thành chuỗi giá trị con tôm đồng bộ. Huyện đang tập trung phát động phong trào thi đua “Sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu”.
Những gương điển hình tiêu biểu, đi đầu trong phát triển đầu tư nuôi tôm công nghệ cao như hộ ông Đặng Văn Bảy, bà Phan Thị Mỹ Linh, ông Lê Văn Sấm... đã chứng minh tính thực tiễn đúng đắn của chủ trương phát triển nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh, cũng như của huyện Thạnh Phú.
Đáng chú ý, hoạt động của Câu lạc bộ “Nông dân tỷ phú” của huyện đã tạo động lực, tinh thần tiếp thêm niềm tin, khát vọng của người dân. Thông qua Câu lạc bộ này, các thành viên học tập kinh nghiệm và an tâm trong đầu tư phát triển trong thời gian tới. Từ Câu lạc bộ “Nông dân tỷ phú”, huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ, định hướng để sớm thành lập Hợp tác xã tôm công nghệ cao của huyện.
Đây sẽ là Hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao đầu tiên của huyện mà thành viên là những người đi tiên phong trong nuôi tôm công nghệ cao; là cầu nối để tập hợp, đoàn kết, tương trợ giữa các bên liên quan để sớm hoàn thành mục tiêu phát triển phát triển 1.500 ha nuôi tôm công nghệ của huyện.
Từ đây, sẽ là một vùng hạt nhân để hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn, từ đó mời gọi, phát triển công nghiệp chế biện tôm cũng như xây dựng thương hiệu con tôm của huyện trong thời gian tới.
Triển vọng phát triển nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao đã hiện hữu, Thạnh Phú và các huyện biển Ba Tri, Bình Đại cần “Đồng thuận – Sáng tạo – Tăng tốc” trong năm 2022 và giai đoạn tiếp theo để thực hiện các mục tiêu đề ra, hoàn thành chỉ tiêu phát triển 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao đến năm 2025 và xa hơn là 5.000 ha vào năm 2030, cùng với việc phát triển du lịch biển, hình thành trung tâm năng lượng tái tạo như điện gió, điện khí... để trở thành những điểm sáng về tốc độ phát triển, tăng trưởng kinh tế vượt lên nhóm dẫn đầu của tỉnh.