| Hotline: 0983.970.780

Bệnh "chổi rồng" tàn phá nhãn

Thứ Tư 01/07/2009 , 10:16 (GMT+7)

Biện pháp quản lý và điều trị loại bệnh này vẫn còn trong thời gian nghiên cứu, kiểm chứng trước khi đưa ra biện pháp chung nhất...

Trong thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo về nguy cơ phát thành dịch bệnh "chổi rồng" trên cây nhãn ở vùng từ miền Đông Nam bộ đến ĐBSCL.

Nhưng vấn đề khó hiện nay là ở trong nước, các nghiên cứu về bệnh này còn ít và các nhà khoa học chưa nhất quán về tác nhân gây bệnh. Biện pháp quản lý và điều trị loại bệnh này vẫn còn trong thời gian nghiên cứu, kiểm chứng trước khi đưa ra biện pháp chung nhất...

Bệnh tàn phá khắp nơi!

Bệnh “chổi rồng” có nhiều tên gọi khác nhau như bệnh đọt chổi, tổ rồng, cùi nhãn, hoa tre, chổi xể, chổi ma, chổi xể cây nhãn, chùn ngọn… được xem là bệnh nguy hại nhất trên cây nhãn trên thế giới. Bệnh xuất hiện trên các chồi lá non và ngay cả trên hoa, làm cho chồi lá, hoa không phát triển được và mọc thành chùm, các lá này không lớn lên được và cụm lại như bó chổi, chính vì vậy mà nó có tên là chổi rồng.

Huyện Chợ Lách, Bến Tre có hơn 12 ngàn ha cây trái, trong đó có 2.399 ha nhãn chiếm gần 20% diện tích, sản lượng bình quân hơn 50.000 tấn, khảo sát của ngành chức năng trên địa bàn huyện thì hầu hết các xã đều xuất hiện bệnh chổi rồng trên nhãn, có nơi tỷ lệ bệnh đến 10-15% và đang có chiều hướng gia tăng. Ở Đồng Nai, bệnh đã được tìm thấy nhiều nơi như ở huyện Định Quán, Tân Phú có đến 78-93% vườn nhãn bị nhiễm, trong vườn tỷ lệ nhiễm từ 70-100%, năng suất giảm 85-99%; ở huyện Tân Thành (Bà Rịa -Vũng Tàu) tỉ lệ vườn nhiễm chiếm 30%, có đến 75-95% số cây trên vườn bị nhiễm, năng suất bị thiệt hại từ 80-98%; huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) hiện có 3.805,65 ha vườn nhãn (phần lớn là nhãn da bò), trạm Bảo vệ thực vật huyện này cho biết, vào năm 2007 chỉ thấy xuất hiện bệnh chổi rồng rải rác trên vài cây nhãn ở 4 xã cù lao nhưng đến nay đã có trên 189 ha vườn nhãn bị nhiễm bệnh, có nhiều cây tỷ lệ bệnh lên đến 100% và bệnh ngày càng lan rộng.

Kết quả nghiên cứu về tính chống chịu bệnh chổi rồng (Witches’ Broom) ở Đông Nam bộ từ năm 2005-2007 của các chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ, Chi cục BVTV tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Viện Cây ăn quả miền Nam trên 11 giống nhãn (10 giống địa phương và 1 giống nhập nội) gồm tiêu da bò, tiêu lá bầu, xuồng cơm vàng, xuồng CR, long, super… của Việt Nam và giống nhãn Do (còn gọi là Daw) của Thái Lan cho thấy: trong 11 giống được đánh giá, giống xuồng cơm vàng, nhãn long và nhãn super không có triệu chứng nhiễm chổi rồng. Ba giống tiêu da bò, tiêu lá bầu và nhãn do nhiễm chổi rồng nặng, đặc biệt là giống tiêu da bò. Thực nghiệm cho thấy, giống nhãn xuồng cơm vàng ghép trên gốc ghép tiêu da bò qua nhiều năm không bị chổi rồng.

Chưa nhất quán về tác nhân truyền và lây bệnh

Các nghiên cứu còn nhiều ý kiến khác nhau về tác nhân gây hiện tượng chổi rồng, có người cho là do virus, do phytoplasma và bệnh được lan truyền bởi côn trùng chích hút, có người chứng minh bệnh do nhện Eriophyes dimocarpi gây ra. Một nguồn tin cho biết, bệnh chổi rồng xảy ra ở Quảng Đông, Trung Quốc từ năm 1955 và vào những năm đầu thập niên 90, các nghiên cứu của Trung Quốc đều cho là bệnh do virus gây ra, bệnh được lan truyền bởi bọ Tessaratoma papillosa hay bọ đục cành (Hypadime longanae) hoặc do nhện (Eriphyes dimocarpi Kuang). Trong khi đó, nhiều tác giả từ Thái Lan cho rằng bệnh do Phytoplasma gây ra và bệnh được lan truyền bởi côn trùng.

Trong điều kiện Việt Nam, do chưa có những nghiên cứu chính thức xác định tác nhân gây hại và còn dựa vào kết quả nghiên cứu của Thái Lan (do Phytoplasma gây ra). Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm-Chi cục trưởng Chi cục bảo BVTV Vĩnh Long thì cho rằng, bệnh “chổi rồng” xuất hiện ở ĐBSCL vào năm 2005, đến năm 2008 các nhà khoa học vẫn còn “bó tay” với bệnh này. Gần đây, nghiên cứu của Viện Cây ăn quả miền Nam vào năm 2008 cho thấy, nhện lông nhung (Eirophyes litchii Keifer), là tác nhân truyền bệnh gây nên hiện tượng bệnh chổi rồng trên nhãn. Nhưng tác nhân gây bệnh hiện chưa rõ, mẫu bệnh đang được Viện gửi sang các chuyên gia thuộc Bệnh viện cây trồng quốc tế nghiên cứu. Như vậy đến giờ này phần nào có thể khẳng định nhện lông nhung là đối tượng làm lan truyền bệnh chổi rồng trên nhãn, còn tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus hay plasma) hiện đang còn trên bàn thí nghiệm của các nhà khoa học.

Biện pháp trước mắt quản lý dịch bệnh

Theo Tiến sĩ Lê Thị Thu Hồng, Giám đốc Bệnh viện Cây ăn quả ĐBSCL thuộc Viện nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, Viện đang khuyến khích nông dân ghép bo cây nhãn xuồng cơm vàng (có khả năng kháng bệnh chổi rồng mạnh) lên cây nhãn tiêu da bò để trồng nhằm ngăn ngừa bệnh chổi rồng và Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ, Viện cây ăn quả miền Nam cũng kiến nghị như vậy. Giống nhãn xuồng cơm vàng có chất lượng ngon và giá bán cao có thể là lựa chọn để thay thế cho giống nhãn tiêu da bò nhiễm chổi rồng nặng.

Tiến sĩ Lê Thị Thu Hồng cũng cho biết, để hạn chế sự lây lan bệnh chổi rồng bằng cách cắt tỉa, loại bỏ cành nhện và cành bị sâu bệnh, đối với cây nhãn đang nhiễm bệnh nên cắt cành khoảng 50 cm; tổng vệ sinh vườn, thu gom và tiêu hủy các cành bị bệnh, cây bệnh trong vườn và xung quanh. Khi cơi đọt làm bông chuyển màu xanh lụa, nên bón phân với hàm lượng lân và kali cao; khi đọt chuyển sang già đồng đều thì tiến hành xử lý bằng clorua kali. Khi cây nhãn ra hoa và trong giai đoạn nuôi hoa đến khi cây đậu trái cần phun ngừa thuốc định kỳ như giai đoạn sau thu hoạch. Bón phân cân đối, đúng cách trong từng giai đoạn ra đọt, hoa và trái; kết hợp phun xịt thuốc diệt nhện lông nhung cho giai đoạn khi cây chuẩn bị ra đọt và trong giai đoạn ra đọt non: phun ngừa và luân phiên bằng các loại thuốc như: Kumulus 80 DF, Ortus 5 SC, dầu SK-Enspray 99 EC...

Tuy nhiên, biện pháp nêu trên rất tốn công và chi phí, cứ bị bệnh là cắt ngọn, rồi phun xịt, bón phân…, làm như vậy nhà vườn khó chấp nhận!

Xem thêm
Chia sẻ cách tiếp cận liên ngành theo chuỗi về an toàn thực phẩm

THỪA THIÊN - HUẾ Các đại biểu đã cùng chia sẻ kết quả nghiên cứu về an toàn thực phẩm từ Dự án 'Bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một Sức Khỏe'.

Tân Lạc thu hoạch trên 1.000 tấn quýt Vân Sơn

HÒA BÌNH Mùa vụ này các nhà nông Mường Bi lại được mùa quýt Vân Sơn, sản lượng cho thu hoạch ước trên 1.000 tấn quả, đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.