| Hotline: 0983.970.780

Bệnh sữa, đỏ thân và đen mang đang là những bệnh nguy hiểm trên tôm hùm

Thứ Năm 08/06/2023 , 14:29 (GMT+7)

Bệnh sữa, đỏ thân và đen mang là những bệnh nguy hiểm thường xảy ra trên tôm hùm nuôi, nếu không biết cách phòng, điều trị hiệu quả người nuôi sẽ thiệt hại nặng nề.

Phú Yên được xem là thủ phủ nuôi tôm hùm của cả nước. Ảnh: KS.

Phú Yên được xem là thủ phủ nuôi tôm hùm của cả nước. Ảnh: KS.

Chọn giống tôm hùm chất lượng

Tỉnh Phú Yên được mệnh danh thủ phủ nuôi tôm hùm của cả nước. Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có hơn 112.000 lồng bè, chủ yếu nuôi tôm hùm, tập trung tại vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông (thị xã Sông Cầu), vịnh Vũng Rô (thị xã Sông Cầu) và tại các xã An Ninh Đông, An Hòa Hải và An Chấn (huyện Tuy An), với tổng sản lượng thu hoạch đạt 1.750 tấn.

Theo người nuôi, đối với tôm hùm, những bệnh nguy hiểm thường xảy ra như bệnh sữa, đỏ thân và đen mang. Nếu không biết cách phòng, điều trị hiệu quả, người nuôi rất dễ thiệt hại nặng nề.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên cho biết, bệnh sữa do vi khuẩn ký sinh nội bào giống như Rickettsia gây ra. Khi tôm mắc bệnh sẽ hoạt động kém, ít phản ứng với những tác động xung quanh.

Sau 3-5 ngày bị nhiễm bệnh, các đốt ở phần bụng của tôm sẽ chuyển từ “trắng trong” sang “trắng đục” và mô cơ ở phần bụng chuyển sang màu trắng đục hay vàng đục, nhão, có mùi hôi. Tôm chết sau khoảng thời gian trung bình 9-12 ngày kể từ khi mắc bệnh sữa.

Còn bệnh đỏ thân do vi khuẩn nhóm Vibrio, nhất là vi khuẩn Vibrio alginolyticus gây ra. Tôm hùm mắc bệnh này sẽ có hiện tượng đỏ vùng giáp đầu ngực hay vùng bụng. Sau đó màu đỏ lan dần ra toàn bộ cơ thể, mô gan tuỵ bị hoại tử, các khớp đôi chân bò rời ra, đôi râu xúc tu 2 dễ gãy, mặt bụng tôm tím bầm, tôm yếu dần, bỏ ăn và chết.

Bệnh đen mang do nấm Fusarium sp. là một trong những tác nhân gây nên dấu hiệu đen mang ở tôm hùm nuôi.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, bệnh này thường xuất hiện giai đoạn thời tiết lạnh, nhiệt độ nước thấp. Mang tôm có màu nâu ở những vùng tổn thương, sau đó lan rộng khắp cả mang khiến toàn bộ tơ mang bị phá hủy.

Tôm hùm bị bệnh sữa sẽ là các đốt ở phần bụng của tôm sẽ chuyển từ 'trắng trong' sang 'trắng đục'. Ảnh: KS.

Tôm hùm bị bệnh sữa sẽ là các đốt ở phần bụng của tôm sẽ chuyển từ “trắng trong” sang “trắng đục”. Ảnh: KS.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, những năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh trên tôm hùm có xảy ra rải rác tại các vùng nuôi. Trong quá trình nuôi tỷ lệ tôm bị hao hụt, chết do bệnh ước tính từ 30-35% tổng đàn. Tuy nhiên, với tỷ lệ hao hụt này người nuôi tôm hùm vẫn có lãi.

Về nguyên nhân tôm hùm nuôi xảy ra dịch bệnh là do nuôi lồng bè ngoài môi trường hở, rất khó kiểm soát được thông số môi trường cũng như mầm bệnh trong môi trường dễ lây lan.

Mặc khác, môi trường nuôi ngày càng bị ô nhiễm bởi hoạt động nuôi, chất hữu cơ, chất thải tích tụ lâu năm, từ đó khiến mầm bệnh có điều kiện phát triển. Việc người nuôi sử dụng thức ăn tươi (cá tạp, cua, ốc...) cũng dễ mang mầm bệnh lây nhiễm cho tôm hùm nuôi và gây ô nhiễm nước.

Tôm hùm bị bệnh đỏ thân. Ảnh: KS.

Tôm hùm bị bệnh đỏ thân. Ảnh: KS.

Để phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi, trong đó có tôm hùm, hàng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên đều xây dựng kế hoạch, trong đó định kỳ hàng tháng đều tổ chức triển khai lấy mẫu giám sát, cảnh báo và hướng dẫn phòng chống dịch bệnh nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi.

Cụ thể, để phòng chống các bệnh nguy hiểm trên tôm hùm, người nuôi trước tiên phải lựa chọn mua con giống có chất lượng và phải được kiểm dịch theo đúng quy định. Trong quá trình nuôi cần tăng sức đề kháng cho tôm bằng cách định kỳ bổ sung vitamin khoáng chất… vào thức ăn nhằm hạn chế bệnh phát sinh; đồng thời quản lý cho ăn tránh dư thừa nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường nuôi.

Bên cạnh đó, người nuôi phải thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh của ngành chức năng để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống hiệu quả. Thu hoạch tôm nuôi đạt kích cỡ thương phẩm để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra sự cố do môi trường, dịch bệnh.

Toàn tỉnh Phú Yên có hàng trăm lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, chủ yếu nuôi tôm hùm. Ảnh: KS.

Toàn tỉnh Phú Yên có hàng trăm lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, chủ yếu nuôi tôm hùm. Ảnh: KS.

Cách điều trị bệnh sữa trên tôm hùm

Đối với bệnh sữa, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên khuyến cáo, người nuôi điều trị theo phác đồ được ban hành theo tại phụ lục V, Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ NN-PTNT.

Theo phác đồ điều trị của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, khi phát hiện tôm hùm nuôi bị bệnh sữa, người nuôi cần tiến hành các bước như sau.

Bước 1, người nuôi cần tách và tiêu hủy các cá thể tôm bị bệnh nặng, chỉ giữ lại những cá thể tôm còn ăn được thức ăn để tiến hành điều trị.

Bước 2, cho tôm ăn thức ăn trộn với kháng sinh tetracyclin có bổ sung hoạt chất sinh học và chất kết dính.

Việc thực hiện công việc này theo thứ tự sau: Chọn thức ăn tươi sống như cá liệt, cá sơn, cá mối…rồi cắt thức ăn thành từng miếng nhỏ phù hợp cỡ miệng tôm hùm theo từng giai đoạn tôm nuôi.

Lưu ý rửa thức ăn bằng thuốc tím nồng độ 2-3 ppm và để ráo thức ăn trong 10 phút trước khi cắt thành miếng nhỏ.

Sau đó, trộn thức ăn đã được cắt thành các miếng nhỏ với thuốc kháng sinh Tetracyclin (dùng trong thú y thủy sản), hoạt chất sinh học (MOS) và chất kết dính (Binder) theo tỷ lệ 5,0g kháng sinh +5,0g hoạt chất sinh học + 5,0g chất kết dính/1 kg thức ăn. Tiến hành cho tôm ăn thức ăn đã được trộn thuốc liên tục trong 7 ngày, mỗi ngày 1 lần vào 17-18 giờ.

Sau 7 ngày dùng thuốc, nếu thấy tôm vẫn còn bệnh thì tiếp tục cho tôm ăn thức ăn có trộn thuốc trong vòng 3 ngày, mỗi ngày 1 lần vào lúc 17-18 giờ (trộn thức ăn như bước 2 nhưng giảm một nửa lượng kháng sinh tetracyclin: tỷ lệ 2,5g/1 kg thức ăn). Lưu ý tách những cá thể bị bệnh nặng ra khỏi lồng nuôi như bước 1.

Bước 3 cho tôm ăn thức ăn bổ sung chế phẩm và hoạt chất sinh học (tiến hành ngay sau khi kết thúc bước 2).

Cụ thể, người nuôi trộn thức ăn (thức ăn đã được xử lý như bước 2) với chế phẩm sinh học, hoạt chất sinh học (MOS) và chất kết dính (Binder) theo tỷ lệ: 5 g chế phẩm sinh học + 500g hoạt chất sinh học + 5 g chất kết dính/1 kg thức ăn.

Sau đó, cho tôm ăn thức ăn đã được trộn chế phẩm và hoạt chất sinh học liên tục trong vòng 7-10 ngày, mỗi ngày 1 lần vào lúc 17 - 18 giờ. Người nuôi lưu ý, chỉ thu hoạch tôm sau ít nhất 22 ngày sử dụng kháng sinh tetracyclin để điều trị bệnh sữa trên tôm hùm nuôi lồng.TÔM

Về điều trị bệnh đỏ thân (tôm hoạt động không nhanh nhẹn, thường tách riêng khỏi quần đàn trong lồng nuôi, có màu đỏ sẫm ở giáp đầu ngực và vùng bụng, các khớp đôi chân bò rời ra, đôi râu xúc tu 2 dễ gãy) được tiến hành điều trị theo các bước sau.

Bước 1, người nuôi tách và tiêu hủy các cá thể bị bệnh nặng, chỉ giữ lại những cá thể còn ăn được thức ăn để tiến hành điều trị.

Bước 2 cho tôm ăn thức ăn trộn với kháng sinh doxycyclin có bổ sung hoạt chất sinh học và chất kết dính. Cụ thể, đầu tiên chọn thức ăn tươi sống (cá liệt, cá sơn, cá mối,...) và cắt thức ăn thành từng miếng nhỏ phù hợp cỡ miệng tôm hùm theo từng giai đoạn tôm nuôi.

Lưu ý rửa thức ăn bằng thuốc tím nồng độ 2-3 ppm và để ráo thức ăn trong 10 phút trước khi cắt thành miếng nhỏ.

Tôm hùm bị đen mang. Ảnh: KS.

Tôm hùm bị đen mang. Ảnh: KS.

Sau đó, thức ăn đã được cắt thành các miếng nhỏ trộn với kháng sinh doxycyclin (dùng trong thú y thủy sản), hoạt chất sinh học (MOS) và chất kết dính (Binder) theo tỷ lệ 2,5g kháng sinh +5,0g hoạt chất sinh học +5,0g chất kết dính/1 kg thức ăn. Tiếp đến cho tôm ăn thức ăn đã được trộn thuốc liên tục trong 7 ngày, mỗi ngày 1 lần vào lúc 17-18 giờ.

Sau 7 ngày dùng thuốc, nếu thấy tôm vẫn còn bệnh người nuôi tiếp tục cho tôm ăn thức ăn đã được trộn thuốc trong vòng 3 ngày, mỗi ngày 1 lần vào lúc 17-18 giờ (trộn thức ăn như bước 2 nhưng giảm một nửa lượng kháng sinh doxycyclin: tỷ lệ 1,25g/ 1 kg thức ăn).

Lưu ý, tách những cá thể bị bệnh nặng ra khỏi lồng nuôi tương tự như cách thực hiện ở bước 1.

Bước 3, người nuôi cho tôm ăn thức ăn bổ sung chế phẩm và hoạt chất sinh học (tiến hành ngay sau khi kết thúc bước 2).

Việc thực hiện như sau: Trộn thức ăn thức ăn đã được xử lý như bước 2) với chế phẩm sinh học, hoạt chất sinh học (MOS) và chất kết dính (Binder) theo tỷ lệ: 5,0g chế phẩm sinh học + 500g hoạt chất sinh học +5,0g chất kết dính/1 kg thức ăn.

Sau đó cho tôm ăn thức ăn đã được trộn chế phẩm và hoạt chất sinh học liên tục trong vòng 7-10 ngày, mỗi ngày 1 lần vào lúc 17-18 giờ.

Lưu ý, người nuôi chỉ thu hoạch tôm  sau ít nhất 14 ngày sử dụng kháng sinh doxycyclin để điều trị bệnh đỏ thân trên tôm hùm nuôi lồng.

Xem thêm
Khẳng định vị thế trung tâm chăn nuôi vùng Việt Bắc

Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế thứ 2 của khu vực trung du miền núi phía Bắc về phát triển chăn nuôi với nhiều chính sách và bước đi đúng đắn.

Nữ kỹ sư giúp người dân thoát nghèo nhờ cây tía tô bản địa

Lào Cai Với hơn 30ha tía tô cùng 20 sản phẩm đa dạng, chị Trần Anh Xuân đã tiên phong đưa cây tía tô bản địa thành cây giúp bà con thoát nghèo.

Chọn tạo giống cà chua lai năng suất cao, kháng bệnh xoăn vàng lá

Qua quá trình chọn tạo, một số giống cho năng suất vượt 70 tấn/ha, phù hợp với đồng đất phía Bắc và chống chịu cao với virus xoắn vàng lá.