| Hotline: 0983.970.780

Bệnh trên cây hồ tiêu: Nông dân chưa chăm sóc đúng quy trình

Thứ Ba 07/04/2015 , 09:49 (GMT+7)

Tổng diện tích trồng hồ tiêu ở 7 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ là khoảng 68.000 ha. Bệnh chết nhanh, chết chậm cũng phát sinh, gây hại trên cây hồ tiêu tập trung ở các tỉnh này.

Tại TP Vũng Tàu, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) phối hợp với tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (BR-VT) vừa tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phòng chống bệnh hại hồ tiêu”, với sự tham gia của đại diện các tỉnh, thành có diện tích trồng hồ tiêu vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

Theo Cục BVTV, tổng diện tích trồng hồ tiêu ở 7 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ là khoảng 68.000 ha, chiếm 85% tổng diện tích trồng hồ tiêu toàn quốc. Bệnh chết nhanh, chết chậm cũng phát sinh, gây hại trên cây hồ tiêu tập trung ở các tỉnh này.

Tính đến cuối tháng 3/2015 đã có 3.824 ha tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm (chiếm 5,7% diện tích trồng hồ tiêu), trong đó có 84 ha nhiễm bệnh nặng tập trung ở Gia Lai, Đăk Lăk và Bình Phước.

Tuy nhiên, riêng tại tỉnh BR-VT, bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu đã được khống chế từ 3 năm nay. Cụ thể, trong vụ tiêu vừa qua bệnh chết chậm chỉ xảy ra trên 32 ha ở huyện Xuyên Mộc và Châu Đức. Còn bệnh chết nhanh xảy ra ở 18 ha tiêu ở huyện Châu Đức.

Theo nhận định, đây là loại bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa và bùng phát vào mùa nắng. Nguyên nhân chủ yếu do các loại dịch hại như tuyến trùng và nấm bệnh gây ra và khi phát bệnh thì không thể chữa trị, chỉ có thể phá bỏ vườn tiêu và trồng lại từ đầu. 

Tương tự, Chi cục BVTV tỉnh Đăk Lăk cũng cho biết, thời gian qua bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu đã làm chết khoảng 150 ha, diện tích nhiễm bệnh rải rác (tỷ lệ hại khoảng 7%) lên tới 1.000 ha, tập trung ở các vùng trồng tiêu như Ea H’leo, Cư Kuin, Krông Buk, Buôn Đôn…

Nguyên nhân do diện tích tiêu tăng nhanh đột biến, đa số diện tích trồng mới chưa được người dân chú ý đến cải tạo đất, xử lý mầm bệnh và không được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật khiến các loại nấm gây bệnh chết nhanh, chết chậm như Phytophthora sp, Pythium, Fusarium sp, Rhizoctonia sp…gây hại bộ rễ phát triển mạnh, làm tiêu chết hàng loạt.

Đây là tình trạng đáng báo động về nguy cơ dịch hại trên cây tiêu và tình trạng này sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong thời gian tới.

Trước tình hình trên, Chi cục BVTV tỉnh Đăk Lăk đã yêu cầu các địa phương trong tỉnh tăng cường giải pháp phòng trừ dịch hại trên cây hồ tiêu.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người sản xuất biết về mức độ nguy hiểm của các loại sâu bệnh hại trên cây tiêu, hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra vườn, phát hiện sớm và chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ hữu hiệu...

Về lâu dài, cần quy hoạch các vùng trồng tiêu có điều kiện sinh thái phù hợp, chú trọng đầu tư chăm sóc diện tích tiêu hiện có, hạn chế trồng mới; đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân; xây dựng và nhân rộng các mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, sản xuất tiêu bền vững…

Các chuyên gia nhận định, do thói quen phần lớn bà con nông dân chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác cây hồ tiêu theo hướng bền vững, còn lạm dụng, trông chờ vào thuốc BVTV và phân hóa học.

Bên cạnh đó, những vườn tạp, trồng tiêu xen cây trồng khác không đúng quy trình xen canh dẫn đến tăng chi phí sản xuất, khó phòng trừ dịch bệnh. Ngoài ra, tình hình biến đổi khí hậu, thiếu nước tưới cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây tiêu nhiễm bệnh.

Xem thêm
Nhiều thách thức khi xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang Trung Quốc

Trung Quốc có nhu cầu sản phẩm thịt lên tới gần 400 tỷ USD/năm và là thị trường đầy tiềm năng xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật của Việt Nam.

2.300ha lúa nhiễm bệnh do thời tiết bất lợi

Vĩnh Long Thời tiết lạnh về đêm và sương mù sáng sớm, tạo điều cho sâu bệnh và thiên địch gây hại phát triển tấn công 2.300ha lúa đông xuân, tăng 46ha so với tuần trước.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.