Hiện nay, dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đã tấn công đàn bò các tỉnh ĐBSCL như Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh.
Theo Sở NN-PTNT Tiền Giang, đàn bò của nông dân địa phương đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục. Hai ổ dịch xảy ra đầu tiên tại hộ nuôi bò ở xã Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước) và xã Song Bình (huyện Chợ Gạo). Đến nay, bệnh này đã lây lan ra 25 hộ chăn nuôi bò ở 6 xã của 2 huyện Chợ Gạo và Tân Phước với gần 50 con bò nhiễm bệnh.
Sở NN-PTNT Tiền Giang đã chủ động được nguồn vacxin khoảng 50.000 liều để phòng bệnh VDNC và đã tổ chức tiêm toàn bộ số vacxin này để giúp các hộ nuôi bò ở 2 huyện Chợ Gạo và Tân Phước nhằm cứu đàn bò bệnh và đàn bò có nguy cơ cao.
Bà Nguyễn Thị Mến, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Tiền Giang cho biết thời điểm này cán bộ thú y không thể đi tiêu độc khử trùng nên Chi cục đã hướng dẫn, đưa thuốc cho hộ nuôi tự phun tiêu độc. Khi thực hiện tốt việc vệ sinh, tiêu độc và tiêm thuốc chống nhiễm trùng thì sẽ khống chế được dịch bệnh.
Tại tỉnh Bến Tre, ổ dịch VDNC xuất hiện đầu tiên tại xã Phú Lễ, huyện Ba Tri. Đến nay, dịch bệnh này đã xảy ra tại 10 hộ, 7 ấp, 5 xã của huyện Ba Tri gồm: Phú Lễ, Mỹ Nhơn, Phước Ngãi, Mỹ Chánh và Mỹ Thạnh. Để phòng chống dịch bệnh lây lan, ngoài công tác tiêu độc khử trùng, tỉnh Bến Tre tập trung công tác tiêm phòng vacxin cho đàn bò khu vực xảy ra dịch bệnh.
Thời điểm này, địa phương đã tiêm phòng được hơn 45.500 liều vacxin trên 200.000 con thuộc diện phải tiêm ngừa. Tại huyện Ba Tri, các xã có dịch đã tiêm phòng được 62% tổng đàn diện tiêm. Xã nguy cơ đã tiêm đạt 40%. Theo Sở NN-PTNT Bến Tre, tình hình dịch bệnh VDNC sẽ còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan rộng.
Do đó, cần tiếp tục triển khai các biện pháp cấp thiết. Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Đến nay, các ổ dịch cơ bản khống chế, công tác chăm sóc, quản lý đàn bò, việc giết mổ bò tiếp tục được siết chặt.
“Đàn bò phục hồi khá tốt. Trong công tác tiêm phòng, đối với các xã có dịch và vùng nguy cơ thì ngân sách nhà nước hỗ trợ vacxin tiêm phòng hết, rất tập trung. Hiện nay, mình quản lý chặt chẽ, đối với đàn bò bị bệnh thì không cho bán, giết mổ gì hết. Hiện nay, tập trung quản lý các cơ sở mua bán, giết mổ…nói chung ổn, không có vấn đề gì ”, ông Nguyễn Văn Buội thông tin.
Chủ trương của UBND tỉnh Bến Tre là dù không công bố dịch viêm da nổi cục nhưng vẫn triển khai các phương án phòng ngừa, xử lý như công bố dịch. Đối với việc mua bán vận chuyển trâu bò phải được quản lý thật chặt đầu vào, đầu ra. Đặc biệt, nguồn vacxin phục vụ công tác tiêm phòng không để thiếu. Các ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, quyết tâm bảo vệ đàn bò đã xây dựng thương hiệu, có giá trị kinh tế cao.
Còn tại tỉnh Trà Vinh, bệnh VDNC trên bò đã xuất hiện trên địa bàn 3 xã Tân Hiệp, Long Hiệp và Ngọc Biên (huyện Trà Cú) tại 59 hộ nuôi với tổng đàn 384 con. Trong đó, bò mắc bệnh 115 con (ngày phát bệnh 6/8/2021).
Hiện nay, Sở NN-PTNT Trà Vinh đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương tiến hành vận động hộ dân tiêu huỷ. Ngày 24/8 đã tiêu huỷ 2 con bò nhiễm bệnh. Đồng thời, hướng dẫn hộ nuôi cách ly theo dõi bò nghi mắc bệnh, không được vận chuyển, giết mổ, mua bán, chăn thả và không được nhập đàn mới. Đặc biệt, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng đúng theo quy định phòng, chống dịch để hạn chế bệnh lây lan diện rộng.
Ông Trần Quốc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Trà Vinh cho biết thêm: “Hiện nay, ngành cũng thực hiện tuyên truyền để người nuôi biết về bệnh VDNC trên bò cũng như cách để phòng bệnh chỉ có cách tiêm vacxin. UBND tỉnh Trà Vinh đã phê duyệt kế hoạch dập dịch của ngành nông nghiệp. Chi cục đang thực hiện kế hoạch để trình Sở Tài chính cấp kinh phí tiêm phòng vacxin bệnh này”.