| Hotline: 0983.970.780

Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ 4.000 đơn vị máu cho miền Tây

Thứ Năm 08/06/2023 , 16:54 (GMT+7)

Trước tình trạng thiếu máu ở các bệnh viện miền Tây, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuyển 4.000 đơn vị máu thành phẩm, 20 khối tiểu cầu cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ.

Phòng lưu trữ máu tại Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Phòng lưu trữ máu tại Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy. 

TS.BS.CK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, ngay khi nhận được công văn của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ, Ban giám đốc đã có chỉ đạo Trung tâm Truyền máu của bệnh viện hỗ trợ cho Cần Thơ.

Từ tháng 4 và tháng 5/2023, Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy đã hỗ trợ cho Cần Thơ 4.000 đơn vị máu thành phẩm. Số lượng máu này được Trung tâm Truyền máu trích từ 2% số lượng máu dự trữ để ứng phó thiên tai, thảm họa.

"Dựa theo yêu cầu cung cấp của Cần Thơ, dự kiến trong tháng 6, 7 và 8, Trung tâm Truyền máu sẽ tiếp tục cung ứng 1.000 đơn vị máu mỗi tháng", bác sĩ Nguyễn Tri Thức cho hay.

Theo đại diện Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy, thông thường, mỗi năm, Trung tâm đều có sự chuẩn bị về hóa chất - vật tư, nguồn nhân lực đủ để phục vụ cho Bệnh viện Chợ Rẫy và khu vực miền Đông Nam bộ.

Mỗi tháng, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận được khoảng 13.000 - 15.000 đơn vị máu. Tuy nhiên, trong giai đoạn hè, vì các yếu tố khách quan, lượng máu tiếp nhận chỉ được khoảng 80%. Số lượng này đủ để cung cấp cho miền Đông Nam bộ, ngoài ra còn phải đảm bảo trong kho của Trung tâm Truyền máu 2% chế phẩm máu dự phòng để xử lý trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa.

4.000 đơn vị máu đã được Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ.

4.000 đơn vị máu đã được Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ.

Do đó, trong tình huống khẩn cấp của Cần Thơ, Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy đang trích phần dự trữ này để hỗ trợ.

Về số lượng tiểu cầu, hiện nay, Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy đã đáp ứng được 27/34 khối tiểu cầu cho Cần Thơ (20 khối tiểu cầu vừa chuyển xuống cho Cần Thơ vào sáng 8/6).

Đây là sự cố gắng rất nhiều của Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy, do trung bình một ngày đơn vị chỉ sản xuất được tối đa 60 - 65 khối tiểu cầu, trong khi đó, nhu cầu sử dụng tại Bệnh viện Chợ Rẫy khoảng 50 khối/ngày.

Hiện tại, khả năng tiếp nhận của Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn duy trì theo thông báo cung ứng trước cho Cần Thơ là mỗi tháng 1.000 đơn vị máu, riêng về tiểu cầu do có một số quy định nghiêm ngặt về thời hạn sử dụng nên việc điều phối, cung ứng cũng gặp khó khăn.

Tuy nhiên, trong trường hợp Cần Thơ cần gấp hồng cầu lắng, tiểu cầu, Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn sẽ cố gắng điều phối và hỗ trợ.

Trước đó, từ tháng 3, do thiếu vật tư y tế như túi lấy máu nên Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ phải tạm hoãn tiếp nhận hiến máu toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dẫn đến tình trạng thiếu máu cho cấp cứu, điều trị xảy ra ở các bệnh viện miền Tây. Lý do là khó khăn trong công tác đấu thầu, mua sắm túi máu, hóa chất, vật tư y tế cho tiếp nhận, sàng lọc và cung cấp chế phẩm máu.

Trước tình hình đó, ngày 3/6, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê đã có công văn giao Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trung tâm máu Quốc gia, làm đầu mối điều phối, phối hợp với các Trung tâm truyền máu thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM và các trung tâm truyền máu khác bảo đảm cung cấp máu và chế phẩm để hỗ trợ các bệnh viện thuộc phạm vi cung cấp máu của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ.

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê yêu cầu phải có đủ máu cho cấp cứu và điều trị người bệnh, không để thiếu gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh và chất lượng khám chữa bệnh.

Yêu cầu Sở Y tế Cần Thơ chỉ đạo Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ thực hiện ngay các giải pháp trước mắt và lâu dài để cung cấp đủ máu và chế phẩm máu cho các bệnh viện trong phạm vi bao phủ cung cấp máu, chế phẩm được giao.

Sở Y tế Bạc Liêu, Sở Y tế các địa phương có sử dụng máu, chế phẩm máu khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần phối hợp với Sở Y tế Cần Thơ và các đơn vị liên quan trong cung cấp máu, chế phẩm và báo cáo Văn phòng UBND tỉnh/thành phố kịp thời để giải quyết các khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong bảo đảm cung cấp đủ máu, chế phẩm.

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.