| Hotline: 0983.970.780

Bị cáo Đinh La Thăng xin được tại ngoại

Thứ Ba 16/01/2018 , 18:49 (GMT+7)

Ngày 16/1, Thẩm phán Trương Việt Toàn tuyên bố chấm dứt phần tranh tụng.

Sáng 17/1, Đinh La Thăng và các bị cáo khác sẽ được nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án tại phiên tòa xét xử 22 bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng  và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC.

Đề nghị xử lý thêm PVPower

Lần thứ hai tự bào chữa tại phiên tòa này bị cáo Đinh La Thăng đã kiến nghị cơ quan tố tụng thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bản thân.

Bị cáo Đinh La Thăng

Cụ thể, nguyên Chủ tịch PVN xin được tại ngoại vì “không gây nguy hiểm gì cho xã hội”: “Một số bị cáo đã được tại ngoại rồi. Đối với bị cáo và một số bị cáo khác còn lại thì chắc là không có hành vi gì gây nguy hiểm cho xã hội. Mong HĐXX xem xét”, bị cáo Đinh La Thăng trình bày. Bên cạnh đó, bị cáo Đinh La Thăng cũng đề nghị đại diện Viện KS nói rõ về kết quả giám định bởi trước đó, giám định viên Bộ Tài chính khi được luật sư hỏi đã xác nhận, nếu không có việc sử dụng tiền sai mục đích thì không có thiệt hại cho PVN.

Mặc dù vậy, trước đó, cũng trong phần tự bào chữa sau khi Viện KS và các luật sư đối đáp, bị cáo Đinh La Thăng đã “phản ứng” về một số vấn đề Viện KSND TP Hà Nội cáo buộc bị cáo này.

Trước hết, về cáo buộc của cơ qua tố tụng khẳng định việc có lợi ích nhóm trong chỉ định thầu, nguyên Chủ tịch PVN đề nghị xem xét lại, vì việc người đi, người đến và thủ trưởng bổ nhiệm cán bộ là bình thường. "Các bị cáo ngồi đây, từ anh Thực (bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc PVN) trở xuống đều do bị cáo bổ nhiệm cả. Chẳng lẽ cứ bổ nhiệm là lợi ích nhóm? Vấn đề này không phải thuần tuý là lời buộc tội mà còn là lương tâm, trách nhiệm, danh dự của tập thể và của nhiều người".

Về năng lực của PVC, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định lúc đó không có đơn vị nào đủ điều kiện, nhất là về kinh nghiệm. Việc chỉ định thầu sau khi được đồng ý về chủ trương thì PVN cũng chỉ chọn thành viên của tập đoàn chứ không chọn bên ngoài và lúc đó PVC là đơn vị mạnh nhất về xây lắp và thẩm quyền chỉ định thầu với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 thuộc HĐTV PVPower quyết định. Khi bị cáo chuyển công tác từ tháng 8/2011, chủ đầu tư chuyển về PVN thì lãnh đạo tập đoàn đánh giá lại vẫn chỉ định PVC đủ năng lực thực hiện dự án. "Do đó chủ trương chỉ định thầu không phải do cao hứng, nhất thời hay do bị cáo tự nghĩ ra".

Bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục “đổ tội” cho PVPower khẳng định rằng Hợp đồng EPC số 33 trái pháp luật thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp này. HĐTV của tập đoàn chỉ đạo bằng nghị quyết, văn bản, kết luận chứ không chỉ đạo bằng miệng. Bản thân bị cáo chỉ được thực hiện trong chức năng nhiệm vụ của mình. Ngoài ra, trong các cuộc họp bị cáo không nhận được báo cáo nào về việc Hợp đồng 33 sai phạm.

Tương tự là việc tạm ứng tiền, nguyên Chủ tịch PVN đã nhắc đến các khái niệm “đồng tiền của nhân dân” và trách nhiệm của PVN: “Nếu bị cáo chỉ đạo ký Hợp đồng 33 thì khi có đề xuất xin tạm ứng chỉ cần 1 tiếng sau là tiền về PVPower. Tuy nhiên, đây là đồng tiền của dân thì PVN có trách nhiệm sử dụng có hiệu quả, trân trọng từng đồng. Chính vì vậy, bị cáo yêu cầu phải thực hiện đúng quy định. Điều đó thể hiện ở việc PVPower 4 lần đề nghị thì 3 lần bị cáo không giải quyết, một lần chỉ đạo tạm ứng theo quy định và PVC không được sử dụng tiền này cho dự án khác ngoài Nhiệt điện Thái Bình 2. Chính vì vậy bị cáo mới không đồng ý theo đề xuất của PVPower. Đối với PVPower trực tiếp thực hiện dự án mà không bị xử lý thì với các bị cáo khác cũng đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại", bị cáo Đinh La Thăng khẳng định.
 

Hậu quả đã xảy ra

Trước những lời bào chữa của bị cáo Đinh La Thăng và cả những thắc mắc của luật sư bào chữa cho bị cáo, ông Đào Thịnh Cường - Phó Viện trưởng Viện KSND TP Hà Nội tham gia giữ quyền công tố tại Tòa đã có những lập luận khẳng định việc định tội bị cáo Đinh La Thăng là hoàn toàn có căn cứ.

Viện KS khẳng định có đủ căn cứ định tội

“Trong ngày hôm qua, phiên tòa này đã thể hiện được sự dân chủ, qua phần tranh luận của các luật sư, các luật sư đều nêu quan điểm đối đáp, yêu cầu Viện KS tranh luận lại. Các luật sư tập trung vào năng lực, kinh nghiệm của PVC, nhưng trong vụ án này, xuyên suốt là vấn đề chỉ định PVC làm tổng thầu. Qua lời khai, tài liệu có trong hồ sơ, các bị cáo đều thừa nhận, việc PVN chỉ định PVC làm tổng thầu không đúng Nghị quyết”, đại diện Viện KS nói.

Cũng theo ông Cường,  chính PVC và ban điều hành Tổng giám đốc, cùng các bị cáo khác ở  PVC đều thừa nhận - về việc ký hợp đồng chúng tôi không có năng lực. Năng lực và kinh nghiệm của PVC không đủ để gánh dự án Thái Bình 2. “Người trong cuộc đã thừa nhận không đủ năng lực, kinh nghiệm mà các luật sư cứ nêu là có đủ năng lực”.

Vẫn theo đại diện Viện KS, ông đồng thuận với mong muốn người VN dùng hàng VN. Mong muốn đó là của cả Nhà nước, nhưng sự phát triển phải có lộ trình, còn phụ thuộc vào vấn đề nguồn nhân lực, vấn đề làm chủ công nghệ, quản trị điều hành. Đưa một dự án quá sức của họ thì dẫn đến hậu quả và trên thực tế hậu quả đã xảy ra. Nếu các luật sư có nêu thì nên nêu dự án Ethanon Phú Thọ mới thấy xót xa, thất thoát lớn như thế nào.

Về thiệt hại, xác định có hay không có thiệt hại, đại diện Viện KS cho rằng, trong các luật sư ở đây và cả bị cáo Nguyễn Xuân Sơn là chuyên gia tài chính cũng phải thừa nhận có thể xác định thiệt hại. Cách tính thì qua đánh giá, xem xét, lập luận, cách thức, phương thức mà cơ quan giám định đưa ra là có cơ sở. Thiệt hại ở đây là đã xảy ra.

Kết thúc phần đối đáp, Chủ toạ phiên toà, Thẩm phán Trương Việt Toàn cho rằng, qua hai lượt đối đáp giữa Viện KS và các phần luận cứ bảo vệ quyền bào chữa cho các bị cáo của luật sư, HĐXX nhận thấy, những điều mà đại diện Viện KS và các luật sư nêu hôm nay cũng như trong các ngày xét xử vừa qua đã đủ. Việc đánh giá xem xét thuộc trách nhiệm của HĐXX nên HĐXX chấm dứt phần tranh luận, chuyển sang phần nghị án. Trước khi nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng. 

Nguyên Phó Tổng PVN cũng xin được tại ngoại

Cũng nhằm mục đích xin tại ngoại, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh hoàn toàn nhận trách nhiệm về sai phạm đã xảy ra. Tuy nhiên, giống như bị cáo Đinh La Thăng trong phiên xử trướng, nguyên Phó Tổng PVN đã đưa hoàn cảnh gia đình, bản thân để xin tại ngoại: “Bị cáo đã ân hận về lỗi lầm của mình, trong lỗi lầm này bị cáo không có tư lợi, không tơ hào gì. Bị cáo đã chủ động khắc phục (nhờ gia đình nộp 2 tỷ đồng), kính mong HĐXX ghi nhận để cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ, sự khoan hồng của pháp luật”, bị cáo Khánh nói.

Nguyên Phó Tổng PVN còn trình bày, bị cáo đang bị tim mạch và huyết áp cao, khi bị bắt tạm giam đã phải đi cấp cứu. Ngoài sức khỏe yếu bản thân còn có mẹ già 80 tuổi, bị cáo là con trai duy nhất.  “Bị cáo hết sức thành khẩn, hành vi không gây nguy hiểm cho xã hội, mong cơ quan tố tụng thay đổi biện pháp ngăn chặn như bị cáo Phùng Đình Thực”, bị cáo Khánh nói.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm