Ngày 27/3, thông tin từ Bệnh Viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ cho biết, Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân là anh L.S.N (39 tuổi, ngụ tại Sóc Trăng) nhập viện trong tình trạng một bên mắt đau nhức dữ dội, nguyên nhân do bị cỏ quẹt gây tổn thương mắt nhưng để lâu gây viêm loét, tình trạng càng thêm nghiêm trọng khi nhỏ nhầm dầu gió vào mắt.
Theo lời kể của anh L.S.N, khi đang cắt cỏ cho bò ăn thì anh bị cỏ quẹt vào mắt, ban đầu anh chỉ có cảm giác cộm xốn nhẹ, cộng thêm tâm lý chủ quan, nghĩ đây chỉ là một tai nạn nhỏ, nên anh đã dụi mắt và tự nhỏ thuốc tại nhà trong hơn 1 tuần. Đáng chú ý, do không cẩn thận anh đã nhầm lẫn nhỏ dầu gió vào mắt, làm tình trạng đau nhức chuyển nặng, mắt bị tổn thương hơn, tấy đỏ nhiều. Tình trạng này tiếp diễn đến mức anh không ngủ được và gây khó chịu dữ dội và anh quyết định đến bệnh viện.
Tại Bệnh Viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ, BS.CKI Trần Việt Hùng trực tiếp thăm khám chẩn đoán bị viêm loét giác mạc. Đối với tình trạng này, bác sĩ chỉ định bệnh nhân dùng thuốc và theo dõi tình trạng mắt tại nhà, sau đó tái khám sau 7 ngày.
Theo BS.CKI Trần Việt Hùng, viêm loét giác mạc có thể do nấm hoặc một số nguyên nhân khác, thường xuất hiện sau chấn thương mắt (bụi, cành cây, lá lúa chọc vào mắt), khởi đầu lặng lẽ, âm thầm, tiến triển chậm, kích thích ít và kéo dài. Bệnh bùng phát dữ dội khi bệnh nhân có sử dụng corticoid. Bệnh nhân thấy đau nhức mắt, đỏ mắt, cộm chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, nhìn mờ.
Đối với trường hợp nói trên, khi cỏ khứa vào mắt vì trong cỏ có chứa nhiều vi khuẩn và hàm lượng thuốc trừ sâu tồn đọng gây nhiễm trùng mắt. Tình trạng này có diễn tiến tương đối chậm. Tuy nhiên, do tai nạn nhỏ dầu gió vào mắt gây bỏng giác mạc, từ đó tạo điều kiện cho nấm phát triển nhanh, gây đau nhức dữ dội.
Việc điều trị viêm loét giác mạc do nấm cần theo chỉ định chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa mắt. Có thể phải can thiệp ngoại khoa như: Nạo biểu mô giác mạc, nạo bề mặt giác mạc hoặc đáy ổ loét, gọt giác mạc hoặc thậm chí là ghép giác mạc tùy tình trạng, mức độ bệnh.