| Hotline: 0983.970.780

Bị lừa 49 tỷ, PVcomBank bán đứng khách hàng [Bài 3]: Uy tín phải xây bằng sự tử tế và sòng phẳng!

Thứ Tư 29/03/2023 , 15:15 (GMT+7)

Một ngân hàng đánh mất niềm tin của khách hàng, tức là tự đặt bom hẹn giờ cho sự kết thúc. Muốn khách hàng tin yêu cần sự tử tế, sòng phẳng...

3Từ vụ việc PVcomBank bị lừa hơn 49 tỷ đồng cho thấy, nếu ngân hàng không quản lý chặt nhân sự; không quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của nhân viên trong hệ thống, thì dù tổ chức tín dụng có đề ra quy trình chặt chẽ đến đâu cũng vẫn có kẽ hở để các đối tượng lừa đảo khai thác, chiếm đoạt tài sản.

z4205492087063_aa5c83c1636e98a95d7e90cea3874686

PVcomBank bị siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt 49,4 tỷ đồng vì "lỗ hổng" nhân sự. Ảnh: Minh Phúc.

Trả giá đắt vì lỗi dùng người

Tại phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại 3 ngân hàng PVcomBank, NCB và VAB, "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành cho rằng, các đồng phạm của Thành là nhân viên ngân hàng phạm tội vì “quá tin tưởng” bà. Luật sư của Thành cũng lập luận rằng, trách nhiệm để xảy ra thiệt hại của vụ án chủ yếu thuộc về nhóm bị cáo là cựu cán bộ ngân hàng. Họ đã không thẩm tra hồ sơ, vẫn ký duyệt các khoản vay cho Hà Thành.

Cụ thể, tại PVcomBank, Nguyễn Thị Hà Thành và Nguyễn Thanh Tùng đã nhờ người ký khống bộ hồ sơ mua bán thép giữa Công ty Hoàng Nguyên và Công ty Jeongho Landmark để đưa vào hồ sơ vay vốn ngân hàng, gồm có hợp đồng nguyên tắc; biên bản đối chiếu công nợ, xác nhận đơn hàng, biên bản giao nhận tiền, giấy đề nghị thành toán. Đồng thời, các đối tượng cũng làm giả bản sao chứng thực Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của Đặng Nghĩa Toàn, Tạ Thị Thu Trang để làm hồ sơ đề nghị vay 49,4 tỷ đồng của PVcomBank.

Đồng thời, Thành và Tùng cũng làm giả chữ ký, điểm chỉ vân tay của Tạ Thị Thu Trang và Đặng Nghĩa Toàn để dùng 3 cuốn sổ tiết kiệm tổng giá trị 52 tỷ đồng thế chấp vay tiền.

Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn, hồ sơ tài sản đảm bảo của Công ty Jeongho và Toàn, Trang, Bùi Văn Tuấn (chuyên viên phát triển khách hàng) không thẩm định nên không phát hiện các tài liệu, chứng cứ về mục đích vay vốn, phương án sử dụng vốn trong hồ sơ khách hàng là khống.

Thậm chí, Tuấn cũng không lập Biên bản bàn giao giấy tờ có giá và giao nhận Sổ tiết kiệm với chủ sổ theo quy định; không biết ý chí thực sự của Toàn, Trang có đồng ý cho Nguyễn Thị Hà Thành dùng sổ tiết kiệm làm tài sản bảo đảm để vay vốn không.

Đỗ Minh Đức (áo khoác đen ngoài cùng bên phải) bị cáo buộc tội 

Đỗ Minh Đức (áo khoác đen ngoài cùng bên phải) bị cáo buộc tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng". Ảnh: Minh Phúc.

Ngoài ra, Tuấn không lấy xác nhận của chủ tài sản bảo đảm trong Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án trả nợ theo quy định của ngân hàng.

Khi hồ sơ phê duyệt cấp tín dụng chưa đầy đủ, chưa thẩm định theo quy định pháp luật và quy định của ngân hàng, Tuấn đã lập tờ trình cấp tín dụng và tờ trình giải ngân đề xuất lãnh đạo (ông Đỗ Minh Đức) duyệt cấp tín dụng và giải ngân cho Công ty Jeongho vay số tiền 49,4 tỷ đồng.

Theo quy định của PVcombank, Tuấn phải có trách nhiệm giám sát khách hàng, Toàn, Trang và ký trên Hợp đồng cho vay và Hợp đồng cầm cố tiền gửi khi khách hàng và chủ tài sản đảm bảo ký ngoài trụ sở, nhưng Tuấn đưa toàn bộ hồ sơ cho Thành để lấy chữ ký hộ dẫn đến Thành và Tùng ký giả chữ ký của Đặng Nghĩa Toàn, Tạ Thị Thu Trang; lăn giả dấu vân tay trên Hợp đồng cầm cố tiền gửi.

Còn Đỗ Minh Đức – Giám đốc phát triển khách hàng – Trung tâm phát triển khách hàng Doanh nghiệp miền Bắc (PVcomBank) dù biết Tuấn không gặp gỡ khách hàng và người có tài sản đảm bảo (Toàn, Trang); hồ sơ phê duyệt cấp tín dụng còn thiếu những vẫn duyệt cấp tín dụng và duyệt giải ngân cho Công ty Jeongho vay tiền, gây thiệt hại cho ngân hàng.

Hành vi của Tuấn và ông Đức đã vi phạm quy định tại Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng về xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay.

Như vậy, việc PVcomBank bị lừa số tiền 49,4 tỷ đồng hoàn toàn là do lỗi nghiệp vụ của nhân viên. Nếu họ không thẩm định hồ sơ và duyệt cấp tín dụng ẩu thì không thể có chuyện mắc bẫy “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành. Do đó, trong câu chuyện này, thiết nghĩ PVcomBank cần nghiêm túc nhìn nhận lại những “lỗ hổng” trong quản lý, sử dụng nhân sự để khắc phục.

Một tình tiết khác được nêu trong bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cũng đáng được lưu ý, đó là sau khi hoàn thành sồ sơ thủ tục vay vốn, Hà Thành có nhờ người gửi cho Tuấn 5 triệu đồng cảm ơn. Ngân hàng phải có biện pháp để phòng, chống hành vi nhận tiền “lót tay”, cảm ơn của nhân viên, thì mới đảm bảo việc thực hiện quy trình nghiệp vụ khách quan, đầy đủ.

lua_dao

Nguyễn Thị Hà Thành tại phòng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Cần sự sòng phẳng và tử tế

Đối với một ngân hàng thương mại nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung, niềm tin của khách hàng là tài sản vô cùng quý giá. Sự tin tưởng và hài lòng của khách hàng chính là thước đo đánh giá uy tín của tổ chức tín dụng.

Một ngân hàng đánh mất niềm tin của khách hàng, tức là tự đặt bom hẹn giờ cho sự kết thúc. Tiền bạc phải phân minh, đó là điều hiển nhiên. Nhưng, muốn khách hàng tin yêu thì ngoài sự sòng phẳng còn cần sự tử tế và nhân văn.

Đối với nhiều người, 100 triệu trở lên đã là tài sản quý giá chứ chưa nói đến tiền tỷ, chục tỷ đồng. Họ coi ngân hàng là “chiếc két” an toàn nhất, bảo đảm nhất trước khi nghĩ đến mục tiêu sinh lời (nếu so sánh với các kênh đầu tư khác).

Bởi vậy, việc ngân hàng “giữ” hàng chục tỷ đồng của ông Phạm Nghĩa Toàn và bà Tạ Thị Thu Trang hàng nghìn ngày, mà không đưa ra được bằng chứng cho thấy đó là lỗi khách hàng gửi tiền gây ra khiến nhiều người hoài nghi về những giá trị cốt lõi nhân văn “khách hàng là trung tâm – con người là tài sản trân quý – xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp cho đội ngũ nhân sự và chung tay đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng” mà PVcomBank cũng như nhiều ngân hàng khác tại Việt Nam đang theo đuổi.

Sự việc rồi sẽ được làm sáng tỏ. Người vi phạm sẽ bị pháp luật xử lý, nhưng câu chuyện “gửi tiết kiệm 1 tháng, hơn 4 năm không rút được tiền” có lẽ sẽ đọng lại trong tâm trí nhiều người rất lâu. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức, tác động đến nền kinh tế trong nước, giá trị niềm tin của khách hàng đối với hệ thống ngân hàng càng cần được gìn giữ và củng cố. Bài học về sự sụp đổ liên tiếp của 3 ngân hàng tại Mỹ trong tháng 3/2023, trong đó có SVB và Signature do khả năng quản trị rủi ro yếu, khách hàng rút tiền ồ ạt càng cho thấy sự “sụp đổ niềm tin” của khách hàng đáng lo ngại như thế nào đối với tương lai của một ngân hàng.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.