| Hotline: 0983.970.780

Bị lừa 49 tỷ, PVcomBank bán đứng khách hàng [Bài 2]: Điêu đứng vì gửi tiền?

Thứ Ba 28/03/2023 , 14:20 (GMT+7)

Gửi tiết kiệm 52 tỷ đồng trong thời hạn 1 tháng nhưng bị PVcomBank phong tỏa suốt hơn 4 năm, đời sống của gia đình ông Đặng Nghĩa Toàn điêu đứng.

Sống trong uất hận vì tình cảm gia đình rạn nứt

Cuối tháng 12/2022, chúng tôi gặp ông Đặng Nghĩa Toàn trong căn nhà số 50 Hàng Tre (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khi ông vừa trải qua ca phẫu thuật mổ u não thập tử nhất sinh bên Singgapore. Mái tóc người đàn ông chưa kịp mọc dài để che kín vết mổ hình vòm cung giữa trán và hộp sọ. Mắt trái ông nhìn không có màu, tai thì hơi điếc, mũi mất mùi, lúc có lúc không.

Ngày ngày, ông vẫn phải uống thuốc chống co giật động kinh và hàng vốc thuốc. Giọng thều thào và chậm rãi, ông bảo: “Bốn năm qua với tôi và vợ con là một cơn ác mộng ở đời thực. Không phải là mơ nữa”.

base64-167913582713264140004

Ông Đặng Nghĩa Toàn - Khách hàng gửi tiền tại nhiều ngân hàng ở Hà Nội, trong đó có PVcomBank.

Có những sự tra tấn về mặt tinh thần không thể mô tả được bằng lời. Khi sự việc PVcomBank và hai ngân hàng bị Nguyễn Thị Hà Thành lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ai đó đã dùng dư luận vu cho tôi là đồng phạm với những người lừa đảo kia.

Ông kể thêm, thời điểm cuối năm 2018, khi ấy, đứa con lớn của tôi mới học lớp 10. Cậu ấy đi học, các bạn cậu ấy rỉ tai nói rằng “Bố mẹ mày lừa đảo ngân hàng”. Về đến nhà là cậu ấy đóng cửa phòng lại không muốn nói chuyện với ai, tự cô lập bản thân từ nhà trường đến gia đình. Nếu ngày đó cậu ấy làm những việc liều lĩnh, quyên sinh thì tiền nào mua được. U uất lắm! Lúc ấy tôi chỉ muốn chết. “Chẳng biết có phải là do u uất mà nó lên u não hay không thì mình không biết. Mình không muốn đổ tại vô căn cứ. Tôi đau đầu thường xuyên đến nỗi nghiến vỡ cả răng hàm nhưng không nghĩ là u não, chỉ nghĩ là bị u uất vì vụ việc của ngân hàng”.

Hai năm đầu là hai năm kinh khủng nhất đối với gia đình, và sau khi có kết luận điều tra của cơ quan công an, mình mới nhẹ nhõm đi. Đầu tiên là mình chứng minh cho đứa con rằng bố mẹ không phải là kẻ lừa đảo, không liên quan gì đến hành vi phạm pháp của Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm để chiếm đoạt tiền ngân hàng.

IMG-1166-JPG-3143-1611575161

Ông Đặng Nghĩa Toàn trong một lần đến trụ sở của PVcomBank đòi quyền lợi.

“Tôi không sai, tại sao ngân hàng giữ tiền của tôi”

Cũng theo ông Toàn: Kết luận điều tra đã nói rất rõ. Thành bắt tay với người của ngân hàng. Họ là đồng phạm với nhau. Còn nếu tôi mà có dấu hiệu vi phạm thì công an họ thu ngay sổ tiết kiệm của tôi, thậm chí niêm phong cả căn nhà của tôi nếu cần thiết chứ đừng nói là mấy cuốn sổ tiết kiệm. Tôi không sai, tại sao ngân hàng giữ tiền của tôi?

Và theo thông lệ quốc tế, đối với các sự việc như thế này, lãnh đạo ngân hàng phải đến tận nơi xin lỗi khách hàng, vì lỗi đó là do nhân viên và Giám đốc các đơn vị trực thuộc ngân hàng gây ra. Thế nhưng trong 4 năm qua, tuyệt nhiên không có ai đến nhà tôi để xin lỗi. Cơ quan điều tra có phải là một nơi để cho các đối tượng sử dụng thủ đoạn qua mặt được đâu. Tôi là người dân bình thường, tôi vi phạm thì cơ quan điều tra sẽ kết luận chứ ngân hàng làm sao có thẩm quyền làm việc đó.

Thứ hai, theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng, muốn phong tỏa tiền của khách hàng thì phải có cơ quan điều tra và cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chứ ngân hàng làm sao được quyền phong tỏa của khách hàng. Mà phong tỏa thì cũng phải có lý do, có thời hạn cụ thể, chứ không phải ông thích phong tỏa là phong tỏa. Tôi chỉ gửi tiền kỳ hạn 1 tháng hơn 4 năm không rút ra được. Số tiền tôi gửi ngân hàng phần lớn là của mẹ tôi tích cóp cả đời, rồi đưa cho tôi quản lý để hưởng lãi. Giờ mẹ tôi đã ngoài 80 tuổi rồi, không biết đến lúc chết bà có được nhìn thấy tiền của mình nữa hay không.

z4202315929152_2d7a1029789cd15fba1371451ce02589

Vợ chồng ông Toàn gửi 52 tỷ đồng thời hạn 1 tháng vào PVcomBank, nhưng suốt 4 năm qua, số tiền này bị PVcomBank phong tỏa khiến ông không thể rút tiền. Ảnh: Minh Phúc.

“Bốn năm vừa rồi, quá trình đi đòi tiền cơ cực không tả hết bằng lời. Mình đến rồi gửi công văn họ chẳng trả lời, hẹn gặp trực tiếp thì nhân viên nói lãnh đạo đi vắng, đi họp, chẳng gặp được. Nhưng thực ra họ ngồi ở tầng trên, tôi có clip hết”, ông nói.

Cũng theo ông Toàn, mỗi một ngân hàng có một chính sách riêng để giải quyết các vấn đề rủi ro. Giống như vụ việc tại PVcomBank, NCB và VietABank, trước đó ông Toàn đã gửi tiền vào Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 20 tỷ đồng từ tháng 11/2017. Sổ tiết kiệm này cũng bị phong tỏa tại BIDV chi nhánh Ninh Bình. Nhưng sau khi ông Toàn đến làm việc, BIDV Ninh Bình đã rất nhanh chóng trả lại cả tiền gốc và lãi, vì họ phát hiện lỗi là do nhân sự của ngân hàng gây ra. Do đó, ông Toàn đã rút đơn tố cáo ngân hàng này.

“Tôi tin vào nhân quả”

Ông Toàn cũng cho rằng, khi xảy ra một sự việc không mong muốn do cán bộ, nhân viên của mình gây ra, ngân hàng không thể không liên đới trách nhiệm. Bởi Ngân hàng có pháp nhân, và họ là một phần cấu thành nên pháp nhân ấy, không thể tách rời.

Nếu ngân hàng cho rằng, lỗi là do nhân viên gây ra và ngân hàng vô can, thì người dân không còn biết tin ai. Một chi nhánh ngân hàng, một Trung tâm, phòng giao dịch, một ông giám đốc đều là do chính ngân hàng dựng lên. Người dân vào đó gửi tiền, họ đâu có biết ai là thật, ai là giả, họ biết tin ai? Ngân hàng thì vẫn nói uy tín quý hơn vàng. Uy tín ấy là do các ông dựng lên, nhưng có chuyện các ông lại bảo chi nhánh ấy chịu trách nhiệm, thế thì làm gì còn chữ uy tín nữa. Nếu ảnh hưởng đến niềm tin của hệ thống tín dụng là nguy hiểm lắm.

Về thiệt hại kinh tế do ngân hàng “giam” tiền gốc và lãi suốt 4 năm qua, ông Toàn cho biết: Thời điểm tháng 10/2018 khi tôi gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, lúc ấy giá vàng chỉ ba mấy triệu đồng/cây, đến giờ giá tăng gần gấp đôi rồi. Còn bao nhiêu thời gian, công sức đi đòi tiền, cái đó làm sao kể xiết. Nhưng, tôi vẫn luôn tin vào luật nhân quả. Người làm sai sẽ phải hứng chịu hậu quả.

“Ngân hàng thì nói đủ điều, họ bảo sổ tiết kiệm của tôi là tang vật của vụ án. Tôi chẳng nói, tôi chỉ có chứng cứ thôi. Một cái miệng làm sao đấu được với hàng nghìn cái miệng của nhân viên ngân hàng. Báo chí đã đưa hết những chứng cứ của tôi từ các sổ tiết kiệm tôi đang giữ”, ông nói.

Ai yên tâm để gửi tiền vào ngân hàng nữa?

Từ ngày 9/3/2023, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng"” xảy ra tại PVComBank, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) và Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB) đối với Nguyễn Thị Hà Thành và 25 bị cáo, trong đó có 17 cựu cán bộ của 3 ngân hàng nêu trên.

Trình bày tại tòa, luật sư của PvcomBank, NCB và VAB đều chung quan điểm khi cho rằng quá trình tố tụng, Nguyễn Thị Hà Thành thừa nhận quan hệ với ông Toàn là quan hệ vay tiền.

“Nguyễn Thị Hà Thành đã dùng các ngân hàng để làm công cụ tài chính rút tiền vay từ vợ chồng ông Toàn và những người đồng sở hữu khác", luật sư của PVcomBank nêu quan điểm và cho rằng người phải trả tiền cho ông Toàn phải là Hà Thành.

Còn luật sư của NCB lập luận: Hà Thành thừa nhận vay tiền của ông Toàn qua việc gửi tiền tiết kiệm đồng sở hữu, ngân hàng là công cụ, phương tiện để Thành vay. Ông Toàn đã để mặc cho Thành muốn làm gì thì làm. Luật sư của VietABank đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ điều tra bổ sung, xác định đúng tư cách tố tụng của ngân hàng này và xác định các đồng sở hữu là bị hại.

Đối đáp quan điểm này, công tố viên đại diện Viện Kiểm sát khẳng định không thay đổi quan điểm về tư cách tố tụng của ba ngân hàng và cho rằng phân tích của ba ngân hàng là “suy luận thiếu logic”. Việc đánh đồng số tiền các đại gia gửi vào sổ tiết kiệm với số tiền Hà Thành vay ngân hàng là vô căn cứ, vì đó rõ ràng là hai nguồn tiền khác nhau. “Thành làm mất tiền là mất tiền của ngân hàng, không phải làm mất tiền của chủ sở hữu sổ tiết kiệm”, công tố viên đánh giá.

“Các ngân hàng đòi thay đổi tư cách tố tụng, không bồi thường tiền cho người gửi sổ tiết kiệm, rồi phong toả tài khoản, sổ tiết kiệm của khách hàng rất nhiều năm. Sau phiên toà hôm nay, những người chứng kiến phiên toà và nghe được những lời biện luận của VietAbank, PVcomBank và NCB, giải quyết với khách hàng thế này thì còn ai yên tâm để gửi tiền vào nữa?”, nữ công tố viên nhấn mạnh.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.