| Hotline: 0983.970.780

Bị lừa 49 tỷ, PVcomBank bán đứng khách hàng: [Bài 1] Chữ tình, chữ lý đều sai!

Thứ Hai 27/03/2023 , 15:37 (GMT+7)

Lỗi của cán bộ PVcomBank là rất lớn và không cần phải bàn cãi. Nhưng, điều đáng buồn là ngân hàng lại đổ trách nhiệm gánh hậu quả cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm.

Quản lý nhân sự yếu kém, Ngân hàng TMCP Việt Nam Đại Chúng (PVcomBank) bị Nguyễn Thị Hà Thành giả mạo chữ ký của khách hàng gửi tiền tiết kiệm rồi rút 49,4 tỷ đồng. Thay vì đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người gửi tiền, PVcomBank tìm cách để thoái thác trách nhiệm liên quan đến sai phạm mình gây ra, bắt khách hàng phải đòi tiền từ siêu lừa thay ngân hàng.

Vụ việc đang được dự luận đặc biệt quan tâm, bởi đây không đơn thuần là vấn đề pháp luật, ai đúng, ai sai, mà còn cả vấn đề đạo đức kinh doanh, chữ tín của ngân hàng tư nhân chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có mạng lưới phát triển tại 28 tỉnh, thành trên cả nước với hàng trăm điểm giao dịch.

z4202315957965_dfe02d20a08d9c8a033cc1b1efc3caa2

Trụ sở PVcomBank tại số 22 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Minh Phúc.

Giá trị cốt lõi của PVcomBank đang bị lung lay

PVcomBank là ngân hàng tư nhân, thành lập từ năm 2013, đặt ra sứ mệnh của mình là “mang tới những sản phẩm dịch vụ tài chính tốt nhất cho khách hàng; không ngừng gia tăng giá trị cho các cổ đông; xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp cho đội ngũ nhân sự và chung tay đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng”.

Để thực hiện được sứ mệnh trên, PVcomBank xây dựng bộ giá trị cốt lõi, đó là: “Khách hàng là trung tâm – Con người là tài sản trân quý – Tính trung thực được đặt lên hàng đầu – Hiệu quả luôn được coi trọng”.

Nhờ đeo đuổi những giá trị cốt lõi tốt đẹp, nhân văn ấy mà sau 10 năm ra mắt, PVcomBank từng bước khẳng định được uy tín, vị thế trên thị trường tài chính ngân hàng.

Cũng vì tin tưởng vào sự chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên và triết lý lấy khách hàng là trung tâm của ngân hàng, tháng 10/2018, được sự giới thiệu của Nguyễn Thị Hà Thành (bà Thành tự giới thiệu là nhân viên huy động vốn của các ngân hàng lớn), vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn và bà Tạ Thị Thu Trang (thường trú tại số 50 Hàng Tre, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã gửi 52 tỷ đồng và chia làm 3 sổ tiết kiệm, trong đó có 2 sổ trị giá 40 tỷ đồng (mỗi sổ 20 tỷ) mang tên bà Tạ Thị Thu Trang và 1 sổ trị giá 12 tỷ đồng mang tên ông Toàn.

so-tiet-kiem-4176-1611594086

Sổ tiết kiệm của ông Đặng Nghĩa Toàn tại Ngân hàng PVcomBank.

Sau đó, bà Thành đề nghị ông Toàn đưa các sổ tiết kiệm cho Thành giữ và hứa sẽ trả lãi cao hơn so với lãi suất huy động tiền gửi của ngân hàng, coi như khoản tiền thưởng ngoài.

Là đại gia trăm tỷ và cũng là khách VIP của nhiều ngân hàng tại Hà Nội (chứ không riêng gì PVcomBank), ông Toàn rất tường tận về quy trình, thủ tục rút tiền tiết kiệm. Và nếu không có chữ ký và dấu vân tay của chủ sở hữu (người đứng tên sổ tiết kiệm), không ai có thể rút tiền từ ngân hàng dù người đó đang nắm trong tay sổ tiết kiệm của người khác. Việc ông Toàn đưa sổ tiết kiệm cho người khác giữ hay không cũng không ảnh hưởng gì đến quyền và lợi ích của ngân hàng. Bởi vậy, ông đã đồng ý với lời đề nghị trên.

Tuy nhiên, một kịch bản vô tiền khoáng hậu đã xảy ra. Nguyễn Thị Hà Thành (hộ khẩu thường trú tại 165 Mai Hắc Đế, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng) và đồng phạm là Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho Lanmark) đã lập khống hồ sơ vay vốn, giả mạo chữ ký, điểm chỉ vân tay giả của bà Tạ Thị Thu Trang và ông Đặng Nghĩa Toàn rồi sử dụng sổ tiết kiệm để cầm cố, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của PVcomBank, dưới sự giúp sức của 2 cán bộ trong nội bộ ngân hàng mà cụ thể là ông Đỗ Minh Đức (Giám đốc phát triển khách hàng - Trung tâm phát triển khách hàng Doanh nghiệp miền Bắc thuộc PVcomBank) và ông Bùi Văn Tuấn (Chuyên viên Quan hệ khách hàng).

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Thành phố Hà Nội nêu rõ, Đỗ Minh Đức và Bùi Văn Tuấn có hành vi vi phạm về hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại cho Ngân hàng PVcomBank 49,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cuối năm 2018, khi ông Toàn ra ngân hàng đề nghị rút tiền tiết kiệm, PVcomBank lại không thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho khách hàng mà viện đủ lý do để phong tỏa tài khoản, “giam” tiền của vợ chồng ông suốt hơn 4 năm trời. Trong khi vợ chồng ông Toàn không hề có lỗi và không liên quan gì đến việc Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ngân hàng.

Bình luận về cách hành xử của PVcomBank, Luật sư Dương Lê Ước An, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, trong vụ việc này PVcomBank đang tìm mọi cách để bảo vệ lợi ích cho ngân hàng, hay nói cách khác là bảo vệ lợi ích của cổ đông góp vốn chứ không đoái hoài đến quyền và lợi ích của khách hàng gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Như vậy, một trong 4 giá trị cốt lõi của PVcomBank “khách hàng là trung tâm” đang bị lung lay.

PVcomBank làm sai nhưng không dám chịu

Ở góc độ pháp lý, lỗi của cán bộ PVcomBank đã quá rõ ràng và không cần phải bàn cãi. Và lỗi của những cá nhân không thể tách rời trách nhiệm của ngân hàng.

Bản chất vấn đề của vụ việc là Nguyễn Thị Hà Thành đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ngân hàng, chứ không phải chiếm đoạt tiền của ông Đặng Nghĩa Toàn. Do đó, PVcomBank cần tách bạch rõ dòng tiền hợp pháp chảy vào ngân hàng đúng quy định, thủ tục và số tiền ngân hàng bị người khác chiếm đoạt bất hợp pháp.

Ông Đặng Nghĩa Toàn cũng cho rằng, PVcomBank vin vào cớ “3 sổ tiết kiệm của ông Toàn và bà Trang mở tại PVcomBank đang là vật chứng của vụ án hình sự “Nguyễn Thị Hà Thành cùng đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...” để thoái thác trách nhiệm trả tiền cho ông Toàn là không có cơ sở. Kết luận điều tra cũng như Cáo trạng của Viện Kiểm sát không hề nhắc đến tang vật vụ án là 3 sổ tiết kiệm.

Thứ hai, không có cơ quan có thẩm quyền nào ra văn bản đề nghị PVcomBank phong tỏa số tiền gửi tiết kiệm 52 tỷ đồng của ông Toàn.

dang_nghia_toan (1)

Ông Đặng Nghĩa Toàn trong một lần đến ngân hàng PVcomBank yêu cầu ngân hàng tuân thủ pháp luật, trả lại tiền tiết kiệm 52 tỷ đồng nhưng bị bảo vệ ngăn cản. Ảnh: Hồng Quang.

Do đó, suốt 4 năm qua, vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn đã gửi đơn thư khiếu nại đến ngân hàng và cơ quan chức năng có thẩm quyền đề nghị giải tỏa 3 sổ tiết kiệm.

Sau thời gian dài làm việc, tháng 3/2019, ông Toàn được PVcomBank trả lại 3 sổ tiết kiệm. Điều đó càng chứng minh 3 sổ tiết kiệm này không không ảnh hưởng đến việc giải quyết, xử lý vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm gây ra.

Đồng thời ông cũng cho biết: “PVcomBank 4 lần ban hành văn bản hướng dẫn tôi quy trình giải quyết sự việc, cam kết trả lại tiền khi có kết luận của cơ quan điều tra. Tuy nhiên đến nay, tiền thì chưa thấy mà uất ức trong đầu thì ngày càng tăng lên”.

Không còn cách nào khác, ông Toàn đành phải in dòng chữ “PVcomBank chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm” vào lưng áo rồi vạ vật trước trụ sở chính của PVcomBank tại phố Ngô Quyền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để yêu cầu ngân hàng trả lại 52 tỷ đồng của gia đình mình.

Nhưng, những nỗ lực ấy không mang lại kết quả. Hơn 1 năm qua, ông gần như buông xuôi và mất niềm tin rằng sẽ có ngày PVcomBank chủ động liên hệ với mình để trả tiền. “Đó là biểu hiện của hành vi vô trách nhiệm của PVcomBank, làm sai nhưng không dám gánh chịu hậu quả”, ông Toàn cho biết.

Theo thông tin PVcomBank công bố, hiện nay tổng tài sản của PVcomBank đạt gần 200.000 tỷ đồng. Số tiền ngân hàng này bị siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

Theo Báo NNVN từ báo cáo kết quả kinh doanh của PVcomBank từ năm 2018 đến 2022 cho thấy, trong 4 năm qua, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của PVcomBank đạt không dưới 500 tỷ đồng. Hàng năm, ngân hàng cũng dành hàng trăm tỷ đồng để trích lập quỹ dự phòng. Như vậy, không phải PVcomBank không có tiền để trả tiền tiết kiệm cho khách hàng mà vấn đề là... có muốn trả hay không.

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.

Dự án Đại Ninh: Quyền lực, hối lộ và sai phạm trong quản lý đất đai

Phiên tòa vụ án Đại Ninh tập trung làm rõ trách nhiệm 10 bị cáo, từ những sai phạm trong xử lý dự án đến lời thú nhận đau đớn của các cựu quan chức.