| Hotline: 0983.970.780

Bí thư Đảng ủy tiên phong bỏ lúa trồng thanh long

Thứ Hai 08/11/2021 , 08:04 (GMT+7)

Đồng Tháp Sau nhiều năm vất vả với ruộng lúa mà chỉ đủ ăn, ông chuyển hết sang trồng thanh long Viet GAP. Kết quả, thu nhập cao gấp 7 - 10 lần so với trồng lúa.

Sau khi chuyển 1ha đất lúa sang trồng thanh long ruột đỏ, kết hợp đào mương tích nước lắng phèn và thả cá, bình quân mỗi năm ông thu từ 700 đến 1 tỷ đồng. Cao gấp 10 lần so với trồng lúa. Đó là mô hình thanh long - cá của ông Phan Hồng Dũng, Bí thư kiêm Trưởng ấp K8, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, Đồng Tháp.

Đến UBND xã Phú Đức, gặp ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch để hỏi về các mô hình chuyển đổi cây trồng thành công, ông cho biết mấy năm trước thì ít chứ hiện nay trên địa bàn xã có rất nhiều mô hình chuyển đổi từ lúa sang trồng các loại cây khác như mít Thái, xoài Đài Loan, dừa, thanh long… và hiệu quả cao hơn lúa nhiều lần. Nói rồi ông Dũng chỉ sang người đàn ông ngồi bên cạnh, nói: “Đây, anh Dũng đây là Bí thư, Trưởng ấp K8, người tiên phong chuyển đổi từ ruộng lúa sang trồng thanh long và rất thành công. Nhiều người trong xã làm theo rồi”.

Ông Phan Hồng Dũng: 'Thanh long cũng dễ trồng, dễ chăm, mà hiệu quả cao hơn trồng lúa nhiều'. Ảnh: Hồng Thủy.

Ông Phan Hồng Dũng: "Thanh long cũng dễ trồng, dễ chăm, mà hiệu quả cao hơn trồng lúa nhiều". Ảnh: Hồng Thủy.

Dẫn chúng tôi đến tham quan vườn thanh long 1ha trồng theo quy trình VietGAP ở ấp K8, ông Phan Hồng Dũng cho biết, trước năm 2017, đây là ruộng lúa. Do đất nhiễm phèn nên 1 năm chỉ làm được 2 vụ, năng suất thấp,. Sau khi trừ chi phí, nếu vụ nào giá cao thì kiếm được chừng 25 - 30 triệu. Bình quân mỗi năm kiếm 5 - 6 chục triệu. Chẳng ăn thua. Nung nấu ý định chuyển đổi từ lâu rồi mà chưa hạ quyết tâm để làm.

Đến khi huyện đưa chủ trương chuyển đổi cây trồng kém năng suất trên đất nhiễm phèn, tôi hưởng ứng ngay. Bên cạnh đó, tôi cũng là Bí thư kiêm trưởng ấp nữa, nên nên làm trước để bà con theo. Đến giờ rất nhiều mô hình chuyển đổi thành công, nhiều hộ giàu lên chỉ sau vài năm.

Mặc dù thanh long là loại cây dễ trồng, nhưng trên vùng đất nhiễm phèn, lại chưa có kinh nghiệm, nên ban đầu ông Dũng chưa thành công. “Do chưa nắm rõ về đặc tính cây, kỹ thuật trồng, chăm sóc, nên năm đầu tiên tôi không thu được bao nhiêu, cây phát triển kém, mẫu mã trái không đạt. Tôi phải đi tìm hiểu, tham quan nhiều mô hình khác ở bên Vĩnh Long, về tận vùng trồng nhiều thanh long ở Tân trụ, Long An tìm hiểu, học hỏi. Có điều, ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên, dù mọi thứ chưa đạt, nhưng tôi vẫn tự tin, đó là dù mẫu mã trái không đẹp, nhưng trái ăn ngon, vị ngọt đậm. Có lẽ do thổ nhưỡng”, ông Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, ao cá cũng chiếm mất một phần diện tích cảu thanh long, nhưng bù lại, đất sạch phèn, và có thêm nguồn thu từ cá. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo ông Dũng, ao cá cũng chiếm mất một phần diện tích cảu thanh long, nhưng bù lại, đất sạch phèn, và có thêm nguồn thu từ cá. Ảnh: Hồng Thủy.

Sau khi tìm hiểu, rút kinh nghiệm, từ vụ thứ 2 trở đi, vườn thanh long của ông Dũng đẹp dần. Hỏi về năng suất và đầu ra sản phẩm, ông Dũng cho biết: “Do mình thôi. Nếu giá cao, tôi để nhiều, thì 1 công có thể thu khoảng 1 tấn trái, còn nếu giá không tốt, tôi tỉa bớt, cho trái đẹp hơn, cũng thu khoảng 5 - 7 tạ. Còn đầu ra thì có doanh nghiệp ở Long An họ bao tiêu hết”. Với giá bán có thời điểm đạt 30 ngàn đồng/kg, một năm ông Dũng thu hoạch 6 lần, 1ha thanh long của gia đình ông Dũng thu cả tỷ bạc, so với lúa, cao hơn gấp 10 lần.

Hiện tại, vườn thanh long của ông Dũng đã được đầu tư khá bài bản, bao gồm hệ thống dưới phun bằng máy, hệ thống đèn chong, và đặc biệt, ông Dũng còn đào ao xen giữa các liếp thanh long vừa để lắng phèn, vừa thả các loại cá nuôi. Mô hình mương nước xen thanh long khiến số trụ thanh long giảm, nhưng bù lại có nhiều lợi thế. “Mặc dù thanh long thưa hơn, nhưng trái to hơn, đẹp hơn, chăm sóc dễ hơn. Có chỗ lắng phèn. Mà cũng chẳng mất đi đâu, ít thanh long thì có cá bù lại”, ông Dũng cười.

Theo ông Dũng, hệ thống mương ban đầu ông đào nhằm mục đích rửa phèn, và lấy nước tưới thủ công. Nhưng sau đó, ông đầu tư hệ thống tưới phun và chăm sóc theo quy trình VietGAP thì không dùng các loại thuốc, hoá chất nữa, mà chủ yếu dùng phân vi sinh, chế phẩm sinh học do doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu tư. Nước cũng bơm từ giếng lên và qua hệ thống lọc phèn. Cho nên, hệ thống mương nước chỉ còn một nhiệm vụ duy nhất là lắng phèn. “Tôi mới thả cá gần 2 năm nay, chủ yếu là các loại cá tạp, có cá gì thả cá nấy, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, vì không bảo vệ được nên không dám đầu tư nhiều. Nhưng sắp tới tôi sẽ đầu tư thả cá bài bản, để tận dụng mặt nước”, ông Dũng cho biết.

Nhờ thành ông của ông Bí thư ấp, bà Lê Thị Tuyết, ở ấp K8 cũng bỏ 5 công lúa, chuyển sang trồng thanh long và thành công. Ảnh: Hồng Thủy.

Nhờ thành ông của ông Bí thư ấp, bà Lê Thị Tuyết, ở ấp K8 cũng bỏ 5 công lúa, chuyển sang trồng thanh long và thành công. Ảnh: Hồng Thủy.

Bà Lê Thị Tuyết, cùng ở ấp K8, có vườn thanh long 5 công (5.000m2), cho biết: “Trước đây, tôi chỉ độc canh cây lúa, năng suất kém lắm. Sau khi thấy anh Dũng trồng thanh long hiệu quả, tôi rất thích nên sang tìm hiểu cách trồng, sau đó về chuyển hết 5 công lúa sang thanh long. Mới 2 năm trồng thanh long, nhưng ngay vụ đầu, đã thấy lợi nhuận cao hơn lúa nhiều, mặc dù trồng thanh long cực hơn trồng lúa, từ tỉa cành, vuốt tay, bón phân, chăm sóc, làm cỏ... đến đủ thứ chuyện khác của của thanh long, nhưng chỉ cần chú ý, chịu khó thì chăm thanh long không có gì khó. Với nông dân chúng tôi, chỉ cần trồng cây gì, nuôi con gì cho lợi nhuận cao là làm, chứ vất vả thì…quen rồi. Chỉ sợ vất vả mà lợi nhuận không có thôi”.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đức, sau khi vườn thanh long của ông Phan Hồng Dũng thành công, thu nhập cao gấp nhiều lần lúa, nhiều hộ đã đến học hỏi và làm theo. Đến nay, diện tích thanh long trên địa bàn xã đã lên hàng chục ha. Riêng ấp K8 có hơn 15ha. Mặc dù nhiều người làm không bằng ông Dũng, nhưng so với lúa thì thu nhập từ thanh long vẫn cao hơn nhiều lần.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.