Những vườn quýt hồng, đặc sản huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đã hồi sinh trở lại. Đây là kết quả sau khi bà con áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm do Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Hiệp hội CropLife Việt Nam, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp hướng dẫn.
Vườn quýt hồng rộng 1ha của gia đình ông Nguyễn Văn Đầy giờ đã trở thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn ở huyện Lai Vung trước đó vườn quýt xuất hiện vàng lá, thối rễ, kém phát triển.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, sau 4 năm UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt Đề án bảo tồn vườn quýt hồng Lai Vung, đã có 98% diện tích sản xuất quýt hồng tham gia thực hiện, tương ứng với 216ha.
Ông Nguyễn Văn Đầy (ở ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) cho biết: Nhờ áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm, ông đã biến vườn quýt hồng của mình thành điểm check in nổi tiếng.
Trái quýt đồng đều, ít sâu bệnh, tỷ lệ đậu quả cao, trong vườn thảm thực vật đươc cắt xén thường xuyên thay vì sử dụng thuốc diệt cỏ.
Mỗi kilogram quýt được ông Nguyễn Văn Đầy bán với giá 75.000 đồng, cao hơn 25.000 đồng so với canh tác truyền thống, nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận.
Ước tính doanh thu từ làm du lịch của gia đình ông Đầy năm nay ước đạt khoảng 500 triệu đồng, chưa kể khoản thu gần 400 triệu đồng từ bán trái quýt.
Thời điểm này, nhiều nhà vườn quýt hồng Lai Vung đang tất bật chuẩn bị đón khách đến tham quan, chụp ảnh, dã ngoại. Việc kết hợp đón khách du lịch vừa nâng cao thu nhập cho chủ vườn, vừa góp phần quảng bá đặc sản quýt hồng Lai Vung.
Khâu chăm sóc quýt nhằm cung ứng ra thị trường Tết Nguyên đán 2025 những trái quýt đẹp cũng đang được các nhà vườn chuẩn bị.