| Hotline: 0983.970.780

Bình Định 'điểm mặt' hơn 400 tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU

Thứ Ba 14/11/2023 , 10:35 (GMT+7)

Đến nay, Bình Định đã 'điểm mặt' hơn 400 tàu có chiều dài dưới 15m thường xuyên hoạt động, xuất nhập bến tại các cảng cá phía Nam, là nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tàu cá vi phạm nằm ngoài vòng kiểm soát

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh này có 4 tàu cá với 28 thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ, giảm 7 tàu so với năm 2022. Tuy nhiên, khi vẫn còn tàu cá đánh bắt xâm phạm vùng biển bị nước ngoài bắt giữ là mối lo lớn không chỉ của ngành chức năng mà còn là nỗi trăn trở của lãnh đạo tỉnh Bình Định.

Điều đáng nói là cả 4 tàu cá nói trên có 3 tàu xuất bến tại Bà Rịa - Vũng Tàu, 1 tàu xuất bến tại tỉnh Tiền Giang, những tàu này “định cư” luôn tại các địa phương nói trên để hành nghề, đã lâu chủ phương tiện không đưa tàu về địa phương. Đáng quan ngại là trong đó có 3 tàu có chiều dài thân tàu dưới 15m, không thuộc đối tượng bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nên nằm ngoài vòng kiểm soát của ngành chức năng; 1 tàu có chiều dài thân tàu hơn 15m đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng vẫn vi phạm.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (thứ 2 tính từ phải sang), kiểm tra công tác ngăn chặn tàu cá đánh bắt vi phạm IUU tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (thứ 2 tính từ phải sang), kiểm tra công tác ngăn chặn tàu cá đánh bắt vi phạm IUU tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết, trong số 4 tàu vi phạm nói trên, tàu cá mang số hiệu BĐ 31212 TS không có thông báo của các cơ quan Trung ương về việc bị nước ngoài bắt giữ. Còn tàu cá BĐ 97178 TS có chiều dài trên 15m, bị Indonesia bắt giữ ngày 11/8/2023 tại khu vực chồng lấn theo Công điện số 262/DKA-2023 ngày 22/8/2023 của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, cũng như theo Văn bản số 328/KN-NVKN ngày 24/08/2023 của Cục Kiểm ngư.

Cũng theo ông Phúc, từ đầu năm 2022 đến nay, Bình Định đã tổ chức 5 đoàn công tác liên ngành vào làm việc với các tỉnh phía Nam nhằm phối hợp, kiểm tra chặt chẽ nhóm tàu Bình Định vào neo đậu thường xuyên tại các cảng cá trong đó để hành nghề. Đồng thời trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền, vận động ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.

“Với tinh thần quyết tâm cao, chúng tôi tiếp tục triển khai các biện pháp mạnh để hạn chế tối đa các vi phạm, giải quyết triệt để vấn nạn tàu cá đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài, đáp ứng được nhiều nhất các yêu cầu của EC”, ông Trần Văn Phúc khẳng định.

Nghiêm khắc xử lý tàu cá vi phạm

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn, xử lý các tàu cá và ngư dân khai thác hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Đến nay, Bình Định đã “điểm mặt” hơn 400 tàu có chiều dài dưới 15m hành nghề câu mực thường xuyên hoạt động, xuất nhập bến tại các cảng cá phía Nam, đây là nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đối với những tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên sẽ được ngành chức năng theo dõi 24/24, thông qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá trong thời gian hoạt động trên biển; kịp thời phát hiện và xử lý ngay các trường hợp vượt ranh giới, ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình dẫn tới nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài.

Lãnh đạo thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định (bìa phải) vào tận Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên truyền ngư dân không đánh bắt vi phạm IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Lãnh đạo thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định (bìa phải) vào tận Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên truyền ngư dân không đánh bắt vi phạm IUU. Ảnh: V.Đ.T.

UBND tỉnh Bình Định đã giao Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ 100% các trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ trong năm 2023, gồm các tàu: BĐ 30780 TS, BĐ 31218 TS, BĐ 31212 TS, BĐ 97178-TS. Tuy nhiên, hiện UBND tỉnh Bình Định chưa thể ban hành quyết định xử phạt theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ được do chưa hội đủ hồ sơ theo quy định.

Thu hồi giấy phép khai thác thủy sản của tất cả các tàu cá vi phạm vùng biển bị nước ngoài bị bắt; công khai danh sách tàu cá vi phạm IUU trên website của Cục Thủy sản; không cho chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm đăng ký sở hữu tàu cá theo quy chế đặc thù của tỉnh Bình Định. Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm chủ tàu, thuyền trưởng các tàu cá vi phạm; kiểm điểm trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo các ngành, chính quyền cấp huyện và chính quyền cấp xã có tàu cá vi phạm bị nước ngoài bắt giữ.

Hiện Sở NN-PTNT Bình Định đang triển khai quyết liệt kiểm soát, xử lý các tàu cá vi phạm khai thác IUU tại các vùng biển, các cảng cá trên địa bàn tỉnh. Tập trung điều tra, xác minh, xử lý các trường hợp đánh bắt vi phạm IUU. Xác minh, xử lý dứt điểm tàu cá từ 24m trở lên mất kết nối trên 10 ngày theo thông báo của Cục Thủy sản. Kiểm tra, xử lý 100% vi phạm về nhật ký khai thác, tàu cá hoạt động sai vùng, vượt ranh giới trên biển, ngắt kết nối VMS…

Tàu cá của ngư dân Bình Định neo đậu tại sông Tiền (Tiền Giang). Ảnh: V.Đ.T.

Tàu cá của ngư dân Bình Định neo đậu tại sông Tiền (Tiền Giang). Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, Phòng Kiểm ngư-Thanh tra thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định đã góp phần không ít vào công tác chống khai thác vi phạm IUU trên địa bàn. Phòng Kiểm ngư - Thanh tra của Chi cục Thủy sản Bình Định hiện đảm nhận 2 nhiệm vụ, 1 là tuần tra, kiểm soát phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm, 2 là bố trí 3 nhân sự đứng chân trong 3 Tổ IUU tại 3 cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi và Tam Quan nằm trên địa bàn tỉnh.

"Vai trò của kiểm ngư trong các Tổ IUU là kiểm tra, kiểm soát tàu cá nhập xuất bến, phát hiện và xử lý vi phạm. Khi có trường hợp vi phạm, lực lượng kiểm ngư lập biên bản và tham mưu cho Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản ban hành quyết định xử phạt.

Hiện nay, do Luật Thanh tra mới chưa có hiệu lực nên khi phát hiện vi phạm, lực lượng kiểm ngư tham mưu thẳng cho Thanh tra Sở NN-PTNT Bình Định ra quyết định xử phạt", ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, cho biết.

“Đặc biệt, chúng tôi sẽ nhanh chóng hoàn tất hồ sơ và xử lý nghiêm khắc những trường hợp đánh bắt hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài theo quy định. Báo cáo kết quả xử phạt những tàu cá vi phạm IUU. Cập nhật đầy đủ kết quả xử phạt vào hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, thông tin.

Xem thêm
Ứng dụng AI kiểm soát 90% rủi ro dịch bệnh trên tôm nuôi

TRÀ VINH Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng bù lại người nuôi tôm tiết kiệm được chi phí, tăng mật độ nuôi, đặc biệt kiểm soát được 90% rủi ro dịch bệnh.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.