| Hotline: 0983.970.780

'Lá chắn mềm' trên vùng biển Tây Nam bộ

[Bài 5] Ngăn chặn tàu cá vi phạm IUU phải từ trong bờ

Thứ Ba 26/09/2023 , 10:15 (GMT+7)

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng V - ông Nguyễn Phú Quốc cho rằng, việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm IUU phải được ngăn chặn từ trong bờ.  

Ông Nguyễn Phú Quốc, Chi cục trưởng Chi chục Kiểm ngư Vùng V chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Nguyễn Phú Quốc, Chi cục trưởng Chi chục Kiểm ngư Vùng V chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Kiên Trung.

Giải pháp căn cơ gỡ thẻ vàng IUU

Trong lịch sử hình thành phát triển, Kiểm ngư ra đời từ năm 2014, Kiểm ngư Vùng V được thành lập từ năm 2016. Từ năm 2018, hệ thống tàu Kiểm ngư Vùng V chính thức đi vào hoạt động trên vùng biển có mật độ tàu cá hoạt động rất lớn của 2 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, với đặc điểm nhiều vùng chồng lấn, giáp ranh với các nước trong nội khu vực chưa được phân định. Cụ thể có vùng biển của Malaysia chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; Vùng nước lịch sử của Campuchia; vùng nước giao với Indonesia, đặc biệt là vùng Vịnh Thái Lan.

Cơ sở pháp lý của các vùng biển này chưa được hoàn thiện như các vùng biển khác gây khó khăn đối với lực lượng kiểm ngư trong công tác tuần tra trên biển.

Ngoài ra, đặc thù nghề cá, Vùng biển Tây Nam bộ là ngư trường trọng điểm. Tàu cá của 10 tỉnh có cường lực khai thác rất lớn từ Bình Thuận trở vào thường xuyên hoạt động khu vực này, đặc biệt là khu vực vùng biển giáp ranh.

Kiểm ngư Vùng V tiếp cận tàu cá trên vùng biển Tây Nam bộ. Ảnh: Kiên Trung.

Kiểm ngư Vùng V tiếp cận tàu cá trên vùng biển Tây Nam bộ. Ảnh: Kiên Trung.

Trước thời điểm 2018, tình hình hoạt động tại khu vực này rất phức tạp. Hàng ngày có khoảng 30 lượt tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, và ngược lại tàu cá của nước ngoài cũng xâm phạm vùng biển Việt Nam, trong đó có một số tàu của Trung Quốc xâm lấn ngư trường.

Từ năm 2018, sau khi lực lượng kiểm ngư Vùng V tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, tình hình hoạt động nghề cá đã ổn định hơn. Kiểm ngư thường xuyên bố trí tàu trực ở vùng biển giáp ranh cũng như các vùng biển chồng lấn trong khu vực. Việc bố trí các tàu tuần tra trực ở đây vừa ngăn chặn vi phạm pháp luật về vùng biển khai thác thủy sản của Việt Nam đồng thời cũng ngăn chặn các tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam; hỗ trợ tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, góp phần giúp ngư dân vươn khơi bám biển, tham gia công tác cứu hỗ cứu nạn, bảo vệ chủ quyền biển đảo...

Từ năm 2017, Việt Nam bị cảnh báo thẻ vàng IUU. Ở thời điểm này, Luật Thủy sản 2017 ra đời thay đổi công tác quản lý, trong đó có vấn đề thực thi pháp luật về khai thác thủy sản được tăng cường. Giai đoạn này chúng ta cũng gia nhập nhiều Hiệp định, trong đó cụ thể hóa Luật Thủy sản cùng với các Nghị định hướng dẫn.

Ngư dân xa khơi đánh bắt hải sản tại Vùng biển Tây Nam bộ. Ảnh: Kiên Trung.

Ngư dân xa khơi đánh bắt hải sản tại Vùng biển Tây Nam bộ. Ảnh: Kiên Trung.

Trực tiếp liên quan đến lực lượng kiểm ngư có Nghị định 42 về xử lý vi phạm hành chính. Mức xử phạt đã tăng rất nhiều lần so với các văn bản trước đây, xử phạt 1 tỷ đồng đối với cá nhân, đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức đối với các hành vi vi phạm về Nhật ký khai thác thủy sản, vi phạm về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS); vi phạm không có giấy phép khai thác thủy sản…

"Lực lượng kiểm ngư Vùng V quán triệt chỉ đạo công tác này đồng thời đẩy mạnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Hiệu quả cho thấy, những vi phạm của tàu cá tại vùng biển nước ngoài giảm rõ rệt so với các năm từ 2018 đến nay. 

Bên cạnh đó, số lượng các tàu cá vi phạm trong nước cũng được cải thiệt rõ rệt. Lực lượng kiểm ngư Vùng V khi phát hiện tàu cá vi phạm sẽ truy vết tàu này vi phạm lỗi gì, đơn vị nào cho phép xuất bến (lực lượng Biên phòng hay Cảng cá, hay lực lượng Chi cục Thủy sản địa phương...), từ đó có vấn đề vừa xử phạt trên biển nhưng cũng vừa tổng hợp các hành vi và có văn bản gửi cơ quan nhà nước địa phương để đề nghị tăng cường công tác quản lý tàu cá tại bến", ông Quốc nói.

Để tăng cường công tác thực thi pháp luật cũng như gỡ thẻ vàng IUU của EC, lực lượng Kiểm ngư Vùng V phối hợp với các lực lượng liên quan khác để tăng cường công tác tuần tra, xử lý vi phạm trên biển, gồm Chi cục Kiểm ngư địa phương, Cảnh sát biển Vùng IV, lực lượng Biên phòng... xây dựng kế hoạch tuần tra chung. Trong kế hoạch này phân định rõ vùng biển mà mỗi lực lượng được phân công, mở các đợt cao điểm tuần tra…

Lập biên bản xử lý vi phạm của tàu cá đánh bắt trên biển. Ảnh: Kiên Trung.

Lập biên bản xử lý vi phạm của tàu cá đánh bắt trên biển. Ảnh: Kiên Trung.

Vấn đề thứ hai, đó là sử dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ và ứng dụng khoa học công nghệ, ở đây là thu thập thông tin ban đầu trước khi tàu xuất bến để kịp thời ngăn chặn không cho xuất bến những tàu không đủ điều kiện; sử dụng thiết bị VMS giám sát tàu cá để xác định các ngư trường có nhiều tàu cá đang hoạt động... Từ đó lập kế hoạch tuần tra, vừa tuyên truyền phổ biến pháp luật và kịp thời hỗ trợ ngư dân; rà soát danh sách các tàu cá có nguy cơ đánh bắt bất hợp pháp để nhận diện và kịp thời kiểm tra, xử lý vi phạm...

Về giải pháp chung, theo ông Nguyễn Phú Quốc, việc ngăn chặn tàu cá vi phạm phải thực hiện từ phía trong bờ chứ không phải ra ngoài biển mới ngăn chặn. "Trên biển, lực lượng kiểm ngư rất mỏng và cũng không đủ nguồn lực để lập hàng rào để làm việc đấy. Chúng ta phải tìm hiểu và ngăn chặn ngay từ ban đầu, khi tàu còn ở trên bờ. Đối với những tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài phải nhận diện được đối tượng tàu làm nghề gì, ở đâu...; các đối tượng vi phạm thường ở địa phương nào, thời điểm vi phạm ở những mùa vụ nào... để có giải pháp bền vững ngăn chặn từ xa", ông Quốc cho biết.

Giữ chân kiểm ngư viên

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng V thẳng thắn: Chế độ chính sách đối với lực lượng kiểm ngư, môi trường làm việc của kiểm ngư thường xuyên ở trên biển, chịu nhiều yếu tố tác động khách quan như thời tiết, giông bão…, hoàn toàn khác với các hoạt động khác trên bờ. Thực tế, khi đi tuần tra, gặp tàu cá của ngư dân nhưng không phải lúc nào cũng tiếp cận được.

Chi cục trưởng Kiểm ngư Vùng V Nguyễn Phú Quốc chỉ đạo nhiệm vụ tuần tra kiểm soát hoạt động nghề cá của Đoàn công tác số 7. Ảnh: Kiên Trung.

Chi cục trưởng Kiểm ngư Vùng V Nguyễn Phú Quốc chỉ đạo nhiệm vụ tuần tra kiểm soát hoạt động nghề cá của Đoàn công tác số 7. Ảnh: Kiên Trung.

"Nếu sóng to cấp 5, cấp 6 rất khó hạ xuồng để tiếp cận tàu cá ngư dân. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng cho lực lượng kiểm ngư rất khó vì lương thấp, trung bình từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Trước năm 2020, các chế độ chính sách bị cắt giảm, hiện mới đang hồi phục lại nhưng vẫn chưa đảm bảo được cuộc sống của anh em.

Ngoài ra, đặc thù của kiểm ngư thường xuyên phải xa nhà nên nhiều anh em không ổn định về tư tưởng. Về vấn đề này, Đảng ủy Cục Kiểm ngư, Chi bộ Kiểm ngư Vùng V đã tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, động viên kịp thời cho cán bộ kiểm ngư".

Ngư dân bám biển trên Vùng biển Tây Nam bộ.

Ngư dân bám biển trên Vùng biển Tây Nam bộ.

Ông Quốc cho hay, lực lượng kiểm ngư viên nghỉ việc cũng nhiều do nhiều yếu tố khách quan và cũng là tình trạng chung của nhiều ngành nghề khác do chịu ảnh hưởng của các nền tảng mạng xã hội, họ chuyển việc để sang lĩnh vực khác nhàn hạ hơn, vẫn đảm bảo thu nhập thậm chí còn cao hơn. Đối với những tàu cá nhiều lần vi phạm, hiện tại theo quy định pháp luật, mỗi hành vi chỉ bị xử lý một lần, cần thiết phải có chế tài về các tình tiết tăng nặng nếu như nhiều lần vi phạm.

Tàu cá đánh bắt xa bờ của tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Kiên Trung.

Tàu cá đánh bắt xa bờ của tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Kiên Trung.

"Ngư dân Việt Nam đang khai thác thủy sản kết hợp với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Khi người dân khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì phải tuân thủ theo quy định pháp luật. Ở đây, có một vấn đề khó, đó là đang tồn tại những khu vực chồng lấn chưa được phân định. Chúng ta cũng phải rạch ròi những khu vực biển, đảo chồng lấn đã được tuyên truyền kỹ lưỡng cho ngư dân.

Chúng tôi khẳng định việc bà con ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài trong thời gian qua là cố tình vi phạm chứ không phải vô tình. Nhiều ngư dân vì lợi ích kinh tế nên cố tình vi phạm. Chúng ta cần tách bạch hai vấn đề, việc ngư dân tham gia khai thác bảo vệ thủy sản phải tuân thủ theo đúng quy luật pháp luật, khai thác đúng vùng, đúng tuyến. Quá trình tham gia khai thác thủy sản, ngư dân cũng góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc", ông Quốc cho biết.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.