| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Diệt chuột bảo vệ mùa màng

Thứ Tư 05/12/2018 , 15:47 (GMT+7)

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Bình Định chưa xảy ra cơn lũ nào, nên lũ chuột vẫn “bình chân như vại”. Do đó trước khi vào vụ ĐX, ngành nông nghiệp Bình Định dồn tổng lực áp dụng mọi biện pháp “tấn công” chuột để trừ khử mối hậu họa.

Đến nay, gần 10.500ha lúa chân ruộng 3 vụ/năm trong vụ ĐX 2018 – 2019 đã bắt đầu xuống giống từ ngày 1 - 10/12, trong 10 ngày tiếp theo gần 35.800ha lúa chân ruộng 2 vụ/năm sẽ tiếp tục được xuống giống.

15-50-34_2
Nông dân huyện Hoài Ân ra quân đào bắt chuột

Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, Chi cục đã tham mưu cho Sở NN-PTNT ban hành văn bản yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tập trung công tác diệt chuột. Đồng thời, Chi cục còn chỉ đạo các Trạm Trồng trọt và BVTV phối hợp với các Phòng Kinh tế, Phòng NN-PTNT các địa phương tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã vận động nông dân đồng loạt tham gia diệt chuột.

“Chi cục đã phát động phong trào diệt chuột tại huyện Hoài Ân, “điểm nóng” của nạn chuột gây hại trong vụ ĐX hàng năm. Trong vụ ĐX 2018 – 2019, UBND tỉnh cũng đã hỗ trợ kinh phí cho các địa phương mua thuốc sinh học Biorat để triển khai diệt chuột trên diện tích 6.600ha. Đến giờ này bà con cũng đã đào bắt, bỏ thuốc Biorat diệt được một lượng chuột khá lớn, các địa phương đang thống kê”, ông Cang cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, huyện Hoài Ân, Tuy Phước và TX An Nhơn là 3 địa phương phát động mạnh phong trào diệt chuột bằng những giải pháp đồng bộ, trong đó có sử dụng thuốc Biorat.

Ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước cho biết, huyện vừa trích kinh phí 156 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, mua 2,4 tấn thuốc diệt chuột sinh học Biorat để diệt chuột trên diện tích 800ha lúa ĐX 2018 - 2019. “Trước khi bước vào SX, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt - BVTV huyện đã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân các biện pháp diệt chuột thủ công, cơ học, sinh học. Hoạt động ra quân diệt chuột bắt đầu từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12/2018”, ông Khiêm cho biết.

Nông dân thị xã An Nhơn đã rầm rộ ra quân diệt chuột. Ông Đoàn Tuấn Sĩ, Phó Phòng Kinh tế TX An Nhơn cho biết: Trong vụ ĐX 2018 - 2019, từ nguồn kinh phí do tỉnh hỗ trợ 50% và ngân sách thị xã đối ứng 50%, TX An Nhơn đã mua 2,4 tấn thuốc sinh học Biorat diệt chuột trên diện tích 800ha. Các xã, phường cũng đã trích ngân sách mua thêm trên 2,6 tấn thuốc Biorat diệt chuột cho hơn 880ha nữa.

“Thị xã cũng chỉ đạo Trạm Trồng trọt - BVTV và Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp diệt chuột thủ công, cơ học, sinh học và thu gom chuột chết bảo vệ môi trường”, ông Sỹ cho hay.

Riêng huyện Hoài Ân với đặc thù là vùng đất bán sơn địa, đồng ruộng nằm gần gò đồi, địa thế thuận lợi cho chuột trú ẩn, sinh sôi, nên công tác diệt chuột được triển khai rất quyết liệt. Trước khi bước vào SX vụ ĐX 2018 – 2019, Trạm Khuyến nông huyện đã phân bổ trên 3.408kg thuốc Biorat cho các địa phương để diệt chuột. Trong đó, huyện hỗ trợ 100% kinh phí mua 2.400kg, trên 1.000kg thuốc Biorat còn lại do các địa phương đăng ký mua thêm.

15-50-34_3
Những con chuột do nông dân huyện Hoài Ân đào bắt được

“Nông dân trong huyện được ngành chức năng hướng dẫn cách sử dụng thuốc Biorat mang lại hiệu quả cao, như: Dùng 25 - 50gam thuốc đặt cách cửa hang khoảng từ 2 - 5m, trên đường mòn chuột qua lại, hình thành thế bao vây phong tỏa; đặt thuốc vào buổi chiều, không để ánh sáng trực tiếp; khi mở gói ra thì nên dùng hết một lần; không để dành vì thuốc sẽ mất hiệu lực; dùng muổng để lấy thuốc hoặc mang găng tay; tránh dùng tay vì hơi người có thể lưu lại trên thuốc khiến chuột đề phòng; không trộn lẫn biorat với các bả khác; luôn kiểm tra tình trạng mồi, nếu chuột ăn hết thì phải thay mới và xử lý liên tục trong 3 ngày sẽ có kết quả”, ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân,cho biết.

“Nạn chuột gây hại lúa ĐX sẽ có diễn biến rất phức tạp. Để bảo vệ mùa màng, nông dân cần diệt chuột mọi lúc mọi nơi, bằng mọi biện pháp từ thủ công đến cơ học, sinh học thì mới ngăn chặn được”, ông Kiều Văn Cang khuyến cáo.

 

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.