Giá heo ở huyện Hoài Ân, nơi được mệnh danh là vừa heo lớn nhất miền Trung, tuột nhanh đến “chóng mặt” khiến người chăn nuôi không khỏi bồn chồn, lo lắng.
Theo chủ trang trại Hải Đảo, 1 trong những trang trại chăn nuôi heo lớn nhất ở huyện Hoài Ân đang nuôi 4.000 con thịt nằm trên địa bàn xã Ân Tường Đông, trong 1 tuần qua, giá heo thịt trên địa bàn đã giảm hơn 10.000đ/kg hơi.
“Trước đây, giá heo siêu nạc nuôi tại các trang trại an toàn sinh học có giá hơn 95.000đ/kg hơi thì hiện nay chỉ còn 84.000đ/kg, còn heo nuôi trong nông hộ trước đây có giá 87.000đ/kg hơi giờ chỉ còn 76.000đ/kg. Giá heo đã giảm lại còn ế, do sức mua ngoài thị trường yếu hẳn so với trước đây”, vợ anh Nguyễn Hải Đảo, chủ trang trại Hải Đảo, cho hay.
Chị Ánh Thành ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân), 1 thương lái chuyên thu mua heo thịt tại địa phương cung ứng cho thị trường các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, khẳng định thêm: “Từ cuối tuần trước giá heo trên địa bàn đã bắt đầu giảm, mỗi ngày giảm vài ba giá, đến hôm nay đã giảm đến hơn 10.000đ/kg hơi. 1 con heo 100kg bây giờ xuất chuồng người chăn nuôi mất đứt 1 triệu đồng so với 1 tuần trước đây. Có 1 nghịch lý là lúc giá heo càng cao thì thương lái mua heo càng khó, bây giờ giá heo càng giảm thì mua heo càng dễ, bởi người chăn nuôi kêu bán rất nhiều. Trong khi đó thị trường tiêu thụ không còn “nóng” như trước.
Nếu như trước đây mỗi ngày tôi đi 1 chuyến từ 120 – 130 con heo thịt bán rải từ Quảng Nam ra đến Đà Nẵng thì nay cách 1 ngày tôi mới đi 1 chuyến, mà mỗi chuyến giảm xuống còn 70 – 80 con bán mới hết. Có lẽ người chăn nuôi ở các tỉnh ngoài ấy cũng đang tung heo ra bán nên heo trong mình hết hút hàng”.
Theo nhận định của ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Hoài Ân, thông tin Việt Nam bắt đầu nhập khẩu heo thịt từ Thái Lan về với giá rẻ hơn giá heo trong nước để cân đối cung cầu đã phát huy tác dụng. Các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lớn, thậm chí cả các gia trại và nông hộ đều hết dám găm hàng, đồng loạt tung heo ra bán nên giá heo trên thị trường lập tức hết “nóng sốt” như trước đây.
“Lúc giá heo còn ngất ngưỡng, mức cầu của thị trường đang rất cao, thế nhưng thương lái trên địa bàn muốn mua có đủ số lượng heo để cung ứng cho bạn hàng là rất khó, bởi người chăn nuôi chỉ bán “nhỏ giọt” để nghe ngóng thị trường. Bây giờ thì chuyện ấy không còn, người nuôi có heo vừa đến tuổi xuất chuồng đã gọi thương lái đến bán chứ không để lại nuôi thêm nhằm là tăng thêm cân lượng để bán được nhiều tiền hơn như trước đây” ông Nguyễn Hữu Khúc chia sẻ.
Ở Bình Định, theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, suốt thời gian dịch tả lợn châu Phi hoành hành trên địa bàn chỉ làm đàn heo trên địa bàn giảm khoảng 4%, thế nên hiện Bình Định không thiếu heo thịt, kể cả heo giống tái đàn. Trong thời gian qua, giá heo thịt tăng cao thời gian khá dài đã giúp người chăn nuôi “gỡ gạc” những tổn thất trước đây, nên bây giờ giá heo hạ cũng không ảnh hưởng nhiều đến ngành chăn nuôi.
“Tính theo lý thuyết, sản xuất 1kg heo tăng trọng có giá thành khoảng từ 32.000đ – 36.000đ. Thời điểm hiện nay giá thành có tăng hơn do giá con giống cao, phải đầu tư sát trùng chuồng trại, 1kg heo tăng trọng có thể đạt mức 40.000đ – 50.000đ/kg. Do đó, thậm chí nếu giá heo thịt còn tiếp tục giảm xuống chỉ còn 60.000đ/kg thì người chăn nuôi vẫn còn lãi”, ông Diệp khẳng định.
“UBND tỉnh Bình Định đã ban hành chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi tái đàn heo. Theo đó, sẽ xuất ngân sách 150 tỷ đồng, giao Ngân hàng CSXH cho người chăn nuôi vay với lãi suất 0 đồng để tái đàn heo trong thời gian tới với mức vay mỗi hộ không quá 100 triệu đồng, thời hạn vay là 12 tháng. Đây là động lực để người chăn nuôi mạnh dạn tái đàn, cung ứng ra thị trường, góp phần với cả nước tiến đến mục tiêu đến hết quý 3/2020 sẽ không còn tình trạng thiếu hụt thịt heo cung ứng cho người tiêu dùng”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định.