| Hotline: 0983.970.780

Bình Định lên phương án né hạn cho vụ hè thu

Thứ Ba 16/04/2024 , 20:28 (GMT+7)

Bình Định đang lên phương án chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, tập trung vận động người dân tiết kiệm nước để đảm bảo thắng lợi vụ hè thu 2024.

Cơ cấu lịch thời vụ phù hợp

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, vụ hè thu 2024 tỉnh này sẽ xuống giống hơn 41.600ha lúa, hơn 3.900ha bắp (ngô), gần 1.870ha cây đậu phộng (lạc) và hơn 5.500ha rau các loại. 

Qua theo dõi, mực nước các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đang giảm nhanh do nhu cầu cấp nước gia tăng, trung bình mỗi tuần lượng nước trong các hồ giảm từ 14,5 - 19,5 triệu m3, bên cạnh đó nắng nóng gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm.

Để ứng phó với khô hạn vụ hè thu 2024, ngành nông nghiệp Bình Định đề ra cách ứng phó: Những diện tích sử dụng nước của các hồ chứa có nguy cơ thiếu nước 1 - 2 lứa vào cuối vụ sẽ xuống giống vụ hè thu ngay sau khi kết thúc vụ vụ đông xuân nhằm tận dụng nước còn lại trên đồng của vụ đông xuân. Vụ hè sẽ được gieo sạ tập trung từ cuối tháng 3/2024 đến giữa tháng 4/2024; vụ thu gieo sạ tập trung từ ngày 1/5/2024 đến ngày 10/5/2024, kết thúc gieo sạ trước ngày 15/5.

Sau khi kết thúc vụ đông xuân 2023 - 2024, Bình Định sẽ triển khai xuống giống ngay vụ hè 2024. Ảnh: V.Đ.T.

Sau khi kết thúc vụ đông xuân 2023 - 2024, Bình Định sẽ triển khai xuống giống ngay vụ hè 2024. Ảnh: V.Đ.T.

Ngành nông nghiệp Bình Định khuyến cáo một số địa phương có nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ hè thu 2024 như thị xã Hoài Nhơn; các huyện Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn… cần xây dựng lịch thời vụ phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, chỉ đạo gieo sạ đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng.

Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, trong vụ hè thu 2024, để chủ động thích ứng với điều kiện nắng hạn, mưa lớn vào cuối vụ, Bình Định ưu tiên sử dụng các giống trung, ngắn ngày, vụ thu có thời gian sinh trưởng dưới 105 ngày, vụ hè dưới 95 ngày với các giống chủ lực như ĐV108, An Sinh 1399, Đài Thơm 8; các giống chủ lực cho vụ thu như ĐV108, ĐB6, TBR1, VNR20, Đài Thơm 8.

Ngoài ra, Bình Định còn sử dụng các giống bổ sung cho vụ hè gồm: Thiên ưu 8, Bắc Thịnh, 6, VNR10, VNR20, BĐR27, BĐR999, ML232, Hà Phát 3, Khang dân 28, DT45, ML215; các giống bổ sung cho vụ thu gồm: Thiên ưu 8, BC15, Bắc Thịnh, Hà Phát 3, VNR10, ĐT100, TBR225, BĐR27, ML232, BĐR999, Khang dân 28, DT45, ML215…

Sử dụng nước hợp lý

Theo bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong vụ hè thu tới đây, Bình Định sẽ áp dụng tưới tiết kiệm cho cây lúa, giảm số đợt tưới còn 9 đợt, cách nhau 10 ngày/đợt, chiều sâu nước trong ruộng tối đa 8cm. Đồng thời, điều tiết hợp lý nguồn nước giữa khu tưới cao và khu tưới thấp; sử dụng có hiệu quả nguồn nước các thủy điện; chuyển nước lưu vực sông Kôn và sông La Tinh phải chủ động, kịp thời. Củng cố các tổ thủy nông dẫn nước vào ruộng. Quản lý, vận hành tốt hệ thống công trình ngăn mặn để đáp ứng yêu cầu ngăn mặn, giữ ngọt và tiêu úng kịp thời khi xảy ra mưa, lũ tiểu mãn vào cuối tháng 5. Việc điều tiết và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nước đang được ngành chức năng và các địa phương tỉnh này quyết liệt triển khai.

Nông dân Bình Định đang khẩn trương triển khai sản xuất vụ hè thu năm 2024 để né hạn. Ảnh: V.Đ.T.

Nông dân Bình Định đang khẩn trương triển khai sản xuất vụ hè thu năm 2024 để né hạn. Ảnh: V.Đ.T.

Thực hiện chỉ đạo của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và đơn vị quản công trình thủy lợi ở Bình Định đã xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước trong sản xuất. Tại huyện Hoài Ân, địa phương này dự kiến sẽ sản xuất 4.500ha cây trồng trong vụ hè thu 2024, trong đó có 3.489ha lúa, 550ha bắp, 70ha đậu phộng và 400ha rau các loại. So với kế hoạch đăng ký sản xuất đầu năm nay, có 76,5ha đất canh tác ở địa phương này phải dừng sản xuất.

Ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân cho hay: “Lượng nước hiện còn trữ trong các hồ chứa trên địa bàn huyện khoảng 30 triệu m3, cơ bản đáp ứng đủ nước tưới cho các diện tích nói trên. Tuy nhiên, dự báo nắng nóng gay gắt sẽ còn kéo dài. Để ứng phó với diễn biến khắc nghiệt của thời tiết, chính quyền huyện Hoài Ân đã yêu cầu các địa phương rà soát lại diện tích, điều kiện đất đai cụ thể từng vùng, hướng dẫn nông dân chuyển đổi từ sản xuất lúa sang cây trồng cạn phù hợp, hiệu quả.

“Lãnh đạo huyện Hoài Ân chỉ đạo ngành chức năng kiên quyết không để người dân tự phát gieo sạ lúa ở những khu vực không bảo đảm nước tưới, nhất là các hồ chứa đã cạn nước. Tu bổ, nạo vét kênh mương, sửa chữa ngay những hư hỏng của các cống, đập, giếng khoan, giếng đào để bảo đảm dẫn nước thông suốt, kịp thời; đắp bờ bao giữ nước trên ruộng; đắp đập tạm để tận dụng dòng chảy trên các sông suối nhỏ...”, ông Võ Duy Tín cho hay.

Ngành chức năng và các địa phương ở Bình Định nỗ lực khơi thông kênh mương để giảm thất thoát nước nhằm ứng phó với hạn hán. Ảnh: V.Đ.T.

Ngành chức năng và các địa phương ở Bình Định nỗ lực khơi thông kênh mương để giảm thất thoát nước nhằm ứng phó với hạn hán. Ảnh: V.Đ.T.

Theo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định, đơn vị này đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã, HTX nông nghiệp trên địa bàn rà soát diện tích tưới, khoanh vùng sản xuất hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cụ thể cho từng địa bàn, từng khu tưới, công tác này khẩn trương hoàn thành trước khi sản xuất vụ hè thu.

“Vụ hè thu năm nay Công ty sẽ tiết giảm 15 - 20% lượng nước tưới so với bình thường đối với các hệ thống thiếu nước. Vận động nông dân vận dụng nguồn nước trong ao, đầm, sông, suối để bơm tưới, để dành nước trong các hồ chứa tưới cho các vùng không có nguồn nước thay thế.

Ngoài ra, Công ty còn khuyến nghị các địa phương thông báo cho bà con biết về tình hình các hồ chứa đang thiếu nước, nguy cơ hạn hán để người dân chủ động thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm”, ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Công ty TNHH KTCTTL Bình Định chia sẻ.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm