Táo tợn như “vàng tặc”
Nếu như trước đây huyện Hoài Ân là “điểm nóng” về nạn khai thác vàng trái phép của tỉnh Bình Định thì nay “điểm nóng” này đã chuyển sang 2 huyện Tây Sơn và Vĩnh Thạnh.
Tại huyện Tây Sơn, ở những đỉnh núi cao, cực kỳ hẻo lánh, chẳng mấy khi có bước chân người đi tới chính là những điểm khai thác vàng trái phép của “vàng tặc”. Ví như khu vực núi Lỗ Sổ thuộc thôn Tiên Thuận và khu vực núi Tiên Trị thuộc thôn Hòa Thuận của xã Tây Thuận. Qua thời gian dài hoạt động, “vàng tặc” đã băm nát những khu vực nói trên, nhiều cây rừng bị triệt hạ để tạo mặt bằng hoặc dựng lán trại.
Theo ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, sau khi phát hiện những điểm khai thác vàng trái phép nói trên, đầu tháng 7 vừa qua, huyện này đã thành lập tổ công tác liên ngành tiến hành kiểm tra tại khu vực núi Lỗ Sổ. Qua kiểm tra đã phát hiện ông Trần Văn Mót (46 tuổi) ở thôn Tiên Thuận (xã Tây Thuận) và bà Trương Thị Gái (44 tuổi) ở thôn Thượng Giang 1 (xã Tây Giang) đang hì hục đào, đãi vàng.
Tại hiện trường, tổ công tác ghi nhận đang tồn tại 7 hầm khai thác vàng, trong đó 6 hầm đã dừng hoạt động từ lâu, 1 hầm vừa dừng hoạt động. Ngoài ra, tổ công tác còn phát hiện 1 lán trại có người đang ở cùng các máy móc, thiết bị phục vụ đào đãi vàng và 1 lán trại khác đang tháo dỡ.
Còn tại khu vực núi Tiên Trị, khi tổ công tác đến hiện trường thì những đối tượng đang tham gia khai thác vàng trái phép đã chạy trốn vào rừng sâu. Tại hiện trưởng, tổ công tác phát hiện 4 hầm đang khai thác vàng, 7 lán trại và 3 máy nổ, 2 cối xay đá, hệ thống đường ống nhựa dẫn nước, đường dây điện phục vụ hoạt động khai thác vàng.
Mới đây, vào ngày 21/8, tổ công tác quay lại hiện trường thì phát hiện hoạt động khai thác vàng trái phép lại tái diễn tại núi Lỗ Sổ và núi Tiên Trị. Căn cứ vào lượng nhiên liệu lớn mà “vàng tặc” dự trữ tại các điểm khai thác vàng cùng với nhiều thiết bị, máy móc, tổ công tác nhận định rằng hoạt động của các đối tượng “vàng tặc” này rất chuyên nghiệp, có quy mô lớn.
Còn tại xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Thạnh), ngành chức năng đã phát hiện 4 điểm khai thác vàng trái phép với 12 hầm, tập trung chủ yếu tại Bãi Dết, Bờ Rũ, Hố Sâu. Những địa danh nói trên thuộc tiểu khu 236, thôn M9 (xã Vĩnh Hòa). Theo 1 cán bộ xã Vĩnh Hòa, đây là khu vực giáp ranh, các hầm đào vàng thì nằm bên xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh, còn lán trại thì được dựng trên địa bàn thuộc huyện Tây Sơn. Ban đầu, các đối tượng chỉ khai thác thủ công, sau này vận chuyển máy móc, thiết bị lên làm rầm rộ. Có những hầm vàng được đào sâu đến 20 - 30m, rộng gần 2m.
Khi bên Vĩnh Hòa có động thì “vàng tặc” chạy qua phía huyện Tây Sơn để tránh. “Những người cầm chịch các mỏ khai thác vàng trái phép là người dân ngoài địa phương, họ thuê nhân công đến làm”, vị cán bộ kia cho biết.
Xử lý chưa triệt để
Theo nhận định của ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, những điểm khai thác vàng trái phép trên địa bàn đã tồn tại trong thời gian dài. Trong thời gian qua, Phòng TN-MT huyện thường xuyên phối hợp với các ngành công an, kiểm lâm tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, nhưng khi có động là “vàng tặc” trốn biến vào rừng, khi tổ công tác về lại ra làm tiếp. Điểm khai thác vàng nằm xa đồng bằng nên khi tổ công tác lên đến nơi thì hiện trường đã vắng lặng, nếu tổ công tác hủy thiết bị, máy móc, đường ống dẫn nước thì sau đó “vàng tặc” trang bị lại để tiếp tục hoạt động.
Lần này, với sự quyết tâm triệt phá các điểm khai thác vàng trái phép, UBND huyện Tây Sơn đã xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định. Sau khi được UBND tỉnh Bình Định cho phép nổ mìn triệt phá những hầm vàng thì UBND huyện Tây Sơn xây dựng phương án; sau đó thành lập tổ công tác liên ngành với sự tham gia của chính quyền từ cấp thôn trở lên và các ngành chức năng của huyện như quân đội, công an, TN-MT, y tế và tiến hành tổ chức triệt phá các hầm vàng.
Còn về hướng xử lý các điểm khai thác vàng trái phép tại xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Thạnh), theo ông Nguyễn Văn Việt, cán bộ Địa chính xã Vĩnh Hòa, UBND xã này đã làm báo cáo và đang chờ huyện cho chủ trương xử lý. “Ðể xử lý rốt ráo vấn nạn trên, phương án khả thi nhất là đánh sập hoặc san lấp các hầm vàng, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu và những “vàng tặc” tham gia khai thác vàng trái phép”, ông Việt nói.
“Sau khi phá hủy xong các hầm vàng, chúng tôi giao lại cho UBND cấp xã tiếp tục phối hợp với ngành kiểm lâm thường xuyên theo dõi, kiểm tra hoạt động của “vàng tặc”. Trước khi muốn tái diễn khai thác vàng trái phép, họ phải đặt máy điện, máy nổ, thiết lập đường ống dẫn nước về, khi phát hiện thấy những dấu hiệu ấy là chúng tôi tổ chức triệt phá ngay, nhất quyết không để vấn nạn này tái diễn”, ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn.