| Hotline: 0983.970.780

Bình Định phát triển bưởi da xanh theo hướng bền vững

Thứ Ba 12/02/2019 , 15:01 (GMT+7)

Cây bưởi da xanh đang phát triển mạnh tại huyện Hoài Ân của tỉnh Bình Định. Ngành nông nghiệp tỉnh này và chính quyền địa phương đã phối hợp với Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, toàn huyện có trên 240ha bưởi da xanh, trong đó có 63ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Những tháng giáp Tết, người làm vườn bước vào vụ thu hoạch bưởi trái vụ. Giá bưởi da xanh được thương lái thu mua tại vườn từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.

10-20-03_1
Hoài Ân phát triển mạnh cây bưởi da xanh

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, bưởi da xanh phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai tại địa phương, quả to, màu sắc xanh đẹp và hương vị thơm ngọt. Hoài Ân cũng đã đưa sản phẩm tham dự, giới thiệu ở nhiều hội chợ trong nước, xúc tiến xây dựng nhãn hiệu “Bưởi da xanh Hoài Ân” và xây dựng kế hoạch thực hiện dự án phát triển loại cây trồng này.

“Trong năm 2019, huyện sẽ xây dựng mô hình trồng bưởi da xanh trên diện tích 32ha. Tuy vậy, nguồn kinh phí của địa phương hạn hẹp; quy trình kỹ thuật đầu tư, chăm sóc của người dân còn hạn chế. Huyện cũng còn lúng túng trong việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và công tác quảng bá, giải quyết đầu ra sản phẩm cho nông dân”, ông Khúc bộc bạch.

Tiến sĩ Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ cho biết, Viện sẽ hỗ trợ Hoài Ân trong việc hướng dẫn nông dân về quy trình kỹ thuật đầu tư chăm sóc bưởi da xanh, đặc biệt là chuyển giao kỹ thuật hạn chế hạt trong quả bưởi. Viện cũng sẽ tư vấn cho địa phương một số giải pháp phát triển bưởi da xanh theo hướng bền vững.

“Trước mắt, Hoài Ân cần xây dựng kế hoạch đầu tư thực hiện dự án cụ thể trong năm 2019 và 3 năm tiếp theo; chuẩn bị quỹ đất, quản lý tốt nguồn cây giống đã trồng và số lượng cây giống sẽ mua về trồng; thành lập tổ thực hiện dự án và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Hoài Ân cũng cần tranh thủ nguồn vốn thuộc Chương trình nông thôn miền núi do Bộ KH-CN ủy quyền cho địa phương quản lý để thực hiện dự án, đồng thời nhanh chóng hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm”, Tiến sĩ Hồ Huy Cường nói.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, năm 2016, huyện đã phối hợp với Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ tiến hành quy hoạch diện tích trồng cây ăn quả có thế mạnh tại 10 xã; trong đó, diện tích quy hoạch trồng bưởi là 771ha.

10-20-03_2
Nông dân Hoài Ân bọc quả bưởi da xanh trong túi chuyên dụng để phòng trừ bệnh hại

Trong lộ trình xây dựng nhãn hiệu tập thể “Bưởi Hoài Ân”, huyện đã hình thành các nhóm liên kết để các hộ trồng bưởi hỗ trợ về mặt kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ về tiêu thụ. Hiện các cơ quan chuyên môn của huyện và Sở KH-CN Bình Định đang thực hiện hồ sơ đề nghị công nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Bưởi Hoài Ân” trình Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) nhằm nâng tầm sản phẩm, tạo đầu ra bền vững.

“Song song việc xây dựng sản phẩm bưởi sạch, huyện Hoài Ân cũng tập trung mở rộng thị trường, bước đầu hướng ra các tỉnh trong khu vực miền Trung. Hoài Ân sẽ hình thành chuỗi liên kết, mở rộng diện tích, đầu tư công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP để bưởi Hoài Ân đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân nói.

 

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.