| Hotline: 0983.970.780

Bình Định truy tìm nguyên nhân sự cố thiết bị giám sát hành trình tàu cá

Thứ Bảy 06/03/2021 , 12:08 (GMT+7)

Hiện nay, dù Bình Định đã hoàn tất việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định, thế nhưng vẫn còn nhiều tàu mất tín hiệu, nguyên nhân do đâu?

Trong nỗ lực triển khai các giải pháp cấp bách về chống khai thác IUU nhằm góp phần khắc phục “thẻ vàng”, đến nay tỉnh Bình Định đã hoàn tất việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tất cả những tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên với 3.182 chiếc.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều trường hợp tàu đang đánh bắt ngoài khơi xa mà thiết bị giám sát hành trình mất tín hiệu, không kết nối được với hệ thống trong bờ. Cụ thể, theo Sở NN-PTNT Bình Định, trong thời gian qua, đã có 67 tàu cá với 115 lượt tàu bị mất tín hiệu, trong đó có 8 tàu bị mất tín hiệu trên 10 ngày.

Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định, tình trạng thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị mất tín hiệu có nhiều nguyên nhân.

Ngoài thiết bị giám sát hành trình, những tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên của ngư dân Bình Định hiện được lắp đặt máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ đánh bắt. Ảnh: Lê Khánh.

Ngoài thiết bị giám sát hành trình, những tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên của ngư dân Bình Định hiện được lắp đặt máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ đánh bắt. Ảnh: Lê Khánh.

Một là do hệ thống chưa đồng bộ, dẫn tới sự cố dữ liệu từ tàu cá của ngư dân chuyển về không vào được hệ thống của cơ quan chức năng. Nhiều trường hợp dữ liệu của ngư dân chuyển về đồng bộ vào hệ thống của nhà mạng cung cấp thiết bị và hệ thống giám sát của Tổng cục Thủy sản, thế nhưng hệ thống của nhà mạng thì nhận được, còn hệ thống của Tổng cục Thủy sản thì chưa.

“Về vấn đề này, chúng tôi đã đề nghị nhà mạng và Tổng cục Thủy sản phải đồng bộ hệ thống để nhận dữ liệu của ngư dân chuyển về cho chính xác”, ông Bình cho hay.

Nguyên nhân thứ 2 được xác định là có 1 số trường hợp thiết bị giám sát hành trình tiêu hao lượng điện lớn, trong khi điện trên tàu cá thì yếu, nên thiết bị hoạt động chập chờn, gây trở ngại cho việc chuyển tin.

Nguyên nhân thứ 3 là do thiết bị còn mới quá, ngư dân chưa quen sử dụng, nhất là không quan tâm thường xuyên kiểm tra, có trường hợp thiết bị bị chuột cắn đứt dây điện nên không hoạt động được. Đáng quan ngại nhất là nguyên nhân thứ 4, đó là các trường hợp ngư dân chủ động tắt thiết bị, và họ lý giải là sợ hao điện bình ắc quy.

Trong vòng 6 giờ đồng hồ nếu thiết bị giám sát hành trình bị hỏng, không khắc phục được, thuyền trưởng bằng mọi cách phải liên lạc về gia đình hoặc các cơ quan chức năng thông báo tọa độ, vị trí nơi tàu đang đánh bắt. Ảnh: Lê Khánh.

Trong vòng 6 giờ đồng hồ nếu thiết bị giám sát hành trình bị hỏng, không khắc phục được, thuyền trưởng bằng mọi cách phải liên lạc về gia đình hoặc các cơ quan chức năng thông báo tọa độ, vị trí nơi tàu đang đánh bắt. Ảnh: Lê Khánh.

Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, hiện ở Bình Định có nhiều đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Trong đó, có 2 đơn vị lắp đặt số lượng lớn là Trung tâm kinh doanh VNPT Bình Định, đơn vị trực thuộc Tổng công ty Dịch vụ viễn thông của Tập đoàn Bưu chính viễn thông-VNPT với 1.835 máy và Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, đơn vị trực thuộc Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam với 1.259 máy.

Trước thực trạng trên, vào đầu tháng 1/2021, Chi cục Thủy sản Bình Định đã phối hợp với ngành chức năng, các địa phương và các đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá tổ chức 3 đợt kiểm tra 69 tàu cá Bình Định bị mất tín hiệu kết nối trên 10 ngày.

Qua đó, xác định một số nguyên nhân cơ bản khiến thiết bị mất tín hiệu hoặc tín hiệu chập chờn để có những giải pháp khắc phục. Đây là nỗ lực của Bình Định nhằm đáp ứng khuyến nghị của Ủy ban châu Âu để góp phần gỡ “thẻ vàng” IUU.

Tàu cá của ngư dân Bình Định hoạt động tại ngư trường Trường Sa (Khánh Hòa). Ảnh: Lê Khánh.

Tàu cá của ngư dân Bình Định hoạt động tại ngư trường Trường Sa (Khánh Hòa). Ảnh: Lê Khánh.

“Qua các đợt kiểm tra và xác định nguyên nhân, chúng tôi đã đề nghị các đơn vị cung cấp thiết bị phải thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cho ngư dân vận hành thiết bị đảm bảo thông suốt. Qua 2 tháng đầu năm nay, tình trạng thiết bị giám sát hành trình bị mất tín hiệu, tín hiệu chập chờn đã giảm.

Tuy nhiên, cả tỉnh vẫn còn 67 tàu cá với 115 lượt tàu bị mất tín hiệu, trong đó có 8 tàu bị mất tín hiệu trên 10 ngày. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, các đơn vị liên quan cần tiếp tục phối hợp với ngư dân bám sát tình hình thực tế để khắc phục”, ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định, đề nghị.

“Theo quy định, trong vòng 6 giờ đồng hồ, nếu thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá bị hỏng, không chuyển dữ liệu được vào hệ thống trên thì thuyền trưởng phải tìm mọi cách liên lạc về gia đình hoặc các cơ quan chức năng thông báo tọa độ, vị trí nơi tàu đang đánh bắt.

Trong vòng 10 ngày nếu vẫn không khắc phục được thiết bị thì thuyền trưởng phải cho tàu chạy vào bờ, nếu không thì tàu cá này sẽ bị ngành chức năng xử phạt theo NĐ 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ”, ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.