| Hotline: 0983.970.780

Bộ bảo không nên, tỉnh quyết làm!

Thứ Năm 05/04/2012 , 09:49 (GMT+7)

Chủ trương bán đấu giá cây đứng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tư tưởng, đời sống hàng trăm CB, CNV 2 Cty Hương Sơn và Chúc A,...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thông tin trên Báo NNVN đăng ngày 20/2/2012, đoàn công tác Bộ NN-PTNT đã vào Hà Tĩnh trực tiếp làm việc với CB, CNV 2 Cty TNHH MTV LN&DV Hương Sơn (Cty Hương Sơn) và Cty TNHH MTV LN&DV Chúc A (Cty Chúc A).

>> Tách nhập các cơ quan nông lâm nghiệp Hà Tĩnh: Tiếng nói người trong cuộc

Tại đây, tất cả ý kiến của CB, CNV 2 Cty đều cho rằng: “Không nên thực hiện Quyết định số 30/2011/QĐ-UBND, ngày 29/9/2010 của UBND tỉnh về ban hành quy chế bán đấu giá cây đứng trong khai thác gỗ rừng tự nhiên”.

Còn ý kiến của đoàn công tác Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh dừng thực hiện quy chế bán đấu giá cây đứng gỗ rừng tự nhiên đối với 2 Cty Chúc A và Hương Sơn.

Bất hợp lý bán đấu giá

Thời gian qua PV NNVN tại Hà Tĩnh đã phản ánh một số thông tin liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy tổ chức trong ngành nông lâm nghiệp và chủ trương bán đấu giá cây rừng tự nhiên ở Hà Tĩnh. Cả hai nội dung trên đều xảy ra trong một thời gian ngắn, do thiếu lộ trình đã gây nên bức xúc trong ngành. Đặc biệt, chủ trương bán đấu giá cây đứng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tư tưởng, đời sống hàng trăm CB, CNV 2 Cty Hương Sơn và Chúc A, bởi chủ trương bán đấu giá cây đứng đã làm ngưng trệ việc SX, kinh doanh của các Cty hơn một năm nay.

Toàn bộ máy móc, trang thiết bị phục vụ khai thác, chế biến lâm sản đều bị hoen rỉ thiệt hại hàng chục tỷ đồng; công nhân phải tự đi tìm việc làm kiếm sống, nhân viên BVR hoàn toàn không có lương, Cty phải đi vay lãi suất cao bên ngoài để trả một phần bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bởi cả 2 Cty đều bị ngân hàng từ chối giao dịch, có thể đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến vụ phá rừng tàn khốc ở xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn (NNVN đã phản ánh).

Phải khẳng định rằng, do được tự chủ SX, kinh doanh nên kể từ khi thành lập (1959) cho đến cuối năm 2010, Cty Chúc A và Hương Sơn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, rừng luôn được đầu tư phát triển bền vững, được Trung ương, tỉnh đánh giá cao. Thế nhưng bước sang 2011, do việc dừng SX để thực hiện quy trình bán đấu giá cây đứng nên đến nay việc SX của cả 2 Cty vẫn chưa đâu vào đâu.

GĐ Cty Chúc A tham dự cuộc họp

Với tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh duyệt cho Cty Hương Sơn tạm vay 100 triệu đồng và Cty Chúc A 40 triệu đồng để giải quyết khó khăn trước mắt liên quan đến đời sống CB, CNV BVR. Số tiền trên thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với 2 Cty, nhưng so với thực tế số tiền cần cho việc bảo vệ trên 38 nghìn ha rừng của Cty Hương Sơn và hơn 22 nghìn ha của Cty Chúc A chẳng khác gì muốn bỏ biển. Trong lúc đó nhu cầu hoạt động của các Cty, đặc biệt là kinh phí bảo vệ diện tích rừng nói trên theo quy định của Bộ Tài chính đề ra như 2011 thì cần phải có từ 6-8 tỷ đồng nhưng do không SX nên không có một đồng nào để trang trải.

Không thực hiện bán đấu giá cây đứng

Mặc dù đoàn công tác Bộ NN-PTNT chưa kịp báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra xung quang việc bán đấu giá cây đứng ở Hà Tĩnh. Nhưng không hiểu vì lý do gì đoàn công tác của Bộ vừa mới rời Hà Tĩnh chưa đầy một ngày thì Sở NN-PTNT tỉnh này lại vội vã tổ chức việc mở thầu bán đấu giá cây đứng thuộc vùng rừng Cty Chúc A quản lý. Trong cuộc đấu thầu này được chia thành 3 gói thầu, kết quả Cty Chúc A (chủ rừng) chỉ trúng được 1 gói, 2 gói còn lại thuộc về 2 Cty tư nhân.

Sau cuộc đấu giá, hầu hết công nhân Cty Chúc A đều thất vọng, họ cảm thấy như bị xúc phạm và đặt câu hỏi: Tại sao chúng tôi là chủ rừng bao đời nay gắn bó máu thịt chăm chút từng cây rừng, xem rừng như tài sản của mình để gìn giữ nay lại phải nộp đơn tranh giành cùng với những người khác để mua lại chính tài sản của mình được Nhà nước giao?! Nguy cơ rồi đây rừng sẽ bị tàn phá một cách khủng khiếp bởi rừng sẽ bị một số tổ chức, cá nhân từ đâu đâu vào khai thác, khó mà quản lý nổi. Rốt cuộc sau bán đấu giá cây đứng rừng sẽ bị tàn phá “trăm dâu sẽ đổ lên đầu tằm”, lúc đó họ sẽ cho là chủ rừng thiếu trách nhiệm.

Được biết, năm 1992, Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ NN-PTNT) có chủ trương “chính sách giá cây đứng”, áp dụng cho các đơn vị chỉ làm nhiệm vụ xây dựng rừng, không có chức năng khai thác, chế biến (đơn vị sự nghiệp ngành). Mục đích là xác định giá trị tài nguyên (cây gỗ đứng) để xác định phí nuôi rừng thời điểm đó, các đơn vị (lâm trường) được giao đảm nhận việc khai thác, chế biến theo kế hoạch Bộ giao. Việc đánh tráo kiến thức từ “chính sách giá cây đứng” với việc “bán đấu giá cây đứng” là hoàn toàn sai về mặt chủ trương, sai về đối tượng áp dụng…

Từ những hệ lụy do chủ trương bán đấu giá cây đứng của tỉnh Hà Tĩnh, đoàn công tác Bộ NN-PTNT có công văn số 349/TCLN-VP, ngày 28/3/2012: “Đề nghị Bộ trưởng báo cáo Thủ trướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh tạm dừng thực hiện quy chế bán đấu giá cây đứng gỗ rừng tự nhiên đối với Cty Chúc A và Hương Sơn. Hai Cty này tiếp tục thực hiện việc tổ chức SX, kinh doanh toàn diện các ngành nghề kinh doanh, thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo đúng quy định hiện hành của pháp luật”.

Còn xung quanh việc trả lời vấn đề Báo NNVN nêu, ông Nguyễn Bá Thịnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh khẳng định: "Việc thực hiện quy chế bán đấu giá cây đứng ảnh hưởng lớn đến việc làm của cả 2 Cty là không đúng và cũng không phải là nguyên nhân ảnh hưởng đến “nguy cơ giải thể một đơn vị anh hùng” như báo NNVN phản ánh”.

Theo ông Thịnh số lao động ở Cty Hương Sơn là 315 người, chỉ có 8% bị ảnh hưởng. Đấy là ý kiến Sở NN-PTNT Hà Tĩnh báo cáo lên cấp trên, còn theo ông Lê Tiến Cát, Quyền Giám đốc Cty Hương Sơn cũng như ông An, Trưởng phòng tổ chức cán bộ Cty này thì số lao động bị mất việc làm do chủ trương bán đấu giá cây đứng lên đến trên 60%, bởi hầu hết lao động của Cty chủ yếu làm việc trong nghề khai thác, chế biến, quản lý, BVR. Trong số 315 lao động thì Cty chỉ giải quyết việc làm ở nhà máy gạch cho 70-90 người, số còn lại phải tự đi tìm việc làm, ai thuê gì làm nấy, người thì làm nghề cửu vạn, người về chạy xe ôm, cũng có những người bất đắc dĩ phải làm nghề lau chùi vệ sinh để nuôi sống gia đình.

Về phía đoàn công tác Bộ NN-PTNT, trong kết luận gửi Bộ trưởng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ ghi rõ: “Hiện nay, cán bộ và người lao động của Cty Hương Sơn chưa được trả đầy đủ lương nhưng vẫn phải thực hiện công tác bảo vệ rừng, đời sống khó khăn, số lao động đã giảm 50%, một số công nhân chuyển công tác, nghỉ việc… Từ đầu năm 2011 đến nay, lao động làm việc khai thác chế biến lâm sản của 2 Cty và lao động thời vụ của địa phương không có việc làm, thu nhập của người lao động giảm. Một số cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm đã xin nghỉ, chuyển công tác đến đơn vị khác…”.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Diêm dân buồn nhìn muối trắng trên đồng

Quảng Bình Năm nay, đầu vụ hè nắng nóng kéo dài cho bà con diêm dân được mùa nhưng không có lãi vì rớt giá…

Bình luận mới nhất