| Hotline: 0983.970.780

Bỏ cam trồng mít Thái, thu tiền tỷ mỗi năm

Thứ Tư 20/03/2024 , 09:34 (GMT+7)

HẬU GIANG Tích tiểu thành đại, qua nhiều năm, đến nay anh Tấn đang sở hữu 12ha chuyên canh trồng mít, mỗi năm cho sản lượng trên 200 tấn, tổng thu gần 7 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Hữu Tấn (thứ 2 từ phải sang) giới thiệu với cán bộ tín dụng Agribank về vườn mít của của gia đình. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Anh Nguyễn Hữu Tấn (thứ 2 từ phải sang) giới thiệu với cán bộ tín dụng Agribank về vườn mít của của gia đình. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhờ gắn bó với cây mít Thái nhiều năm và năng động trong phát triển kinh tế gia đình, anh Nguyễn Hữu Tấn ở thị trấn Ngã Sáu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương mà còn vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn mít Thái kết hợp trồng xen sầu riêng rộng trên 3ha của gia đình, anh Tấn cho biết hiện sầu riêng đang năm đầu tiên để trái, còn mít đã cho trái được mấy năm nay. Trung bình mỗi đợt gia đình anh thu hoạch được khoảng 6 - 10 tấn mít, thu về từ 200 - 300 triệu đồng.

Theo anh Tấn, mít Thái dễ trồng, cho trái từ sau khoảng 12 - 15 tháng trồng và cho trái gần như quanh năm. Từ khi cây ra hoa, kết trái đến thu hoạch khoảng 4 - 5 tháng. Để cây có thời gian phục hồi sau khi mang trái, nhà vườn chỉ nên để trái mỗi năm 2 đợt. Năm nay, giá mít Thái dao động từ 34.000 - 40.000 đồng/kg. Tuy không bằng mọi năm nhưng với mức giá này, nhà vườn trồng mít rất hài lòng.

Anh Tấn chia sẻ thêm: Trước đây gia đình anh chỉ có 4 - 5 công đất vườn do cha mẹ cho ngày lập gia đình ra ở riêng. Ban đầu anh chuyên canh trồng cây cam sành. Khi cây cam không còn cho hiệu quả kinh tế cao, anh đã chuyển qua cây mít Thái. Nhờ có nguồn vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) nên việc chuyển dịch cây trồng của gia đình khá thuận lợi.

Anh Nguyễn Hữu Tấn chăm sóc vườn mít Thái. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Anh Nguyễn Hữu Tấn chăm sóc vườn mít Thái. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mấy năm nay, nhờ mít có giá nên cho thu nhập khá, vợ chồng anh tích lũy được vốn, rồi vay thêm tiền từ ngân hàng để mua thêm đất vườn từ những hộ lân cận. Cứ tích tiểu thành đại, qua nhiều năm, đến nay diện tích vườn anh đang sở hữu hơn 12ha chuyên canh trồng cây mít, mỗi năm cho sản lượng trên 200 tấn, tổng thu gần 7 tỷ đồng.

Bên cạnh làm vườn, anh Tấn còn mở vựa thu mua mít cho các nhà vườn địa phương. Theo anh Tấn, việc mở vựa thu gom mít giúp anh tiếp cận trực tiếp với đầu mối thu mua nên không bị tình trạng ép giá và có thêm thu nhập. Hiện nay, 6 khu vườn mít và vựa mít của gia đình anh giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động tại địa phương.

Không chỉ tập trung vào cây mít, vợ chồng anh Tấn còn kinh doanh thêm dịch vụ ăn uống để đa dạng nguồn thu nhập. Anh mở quán ăn để ủng hộ vợ phát triển niềm đam mê nấu ăn từ thời trẻ. Ban đầu 2 vợ chồng chỉ nhận đặt nấu tiệc theo yêu cầu của bà con, người quen gần nhà, rồi dần dần mở rộng thành mô hình kinh doanh quán ăn gia đình. Kinh doanh quán ăn không chỉ giúp gia đình anh Tấn có thêm nguồn thu nhập thường xuyên mà còn giúp thêm hàng chục gia đình khác có việc làm tại chỗ, có điều kiện ổn định cuộc sống.

Vườn mít của anh Tấn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vườn mít của anh Tấn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đặc biệt, kể lại quá trình làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, anh Tấn không quên chia sẻ về nguồn lực, nguồn động viên to lớn đã giúp anh mạnh dạn hoạch định và triển khai kế hoạch làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, đó là nguồn vốn của Agribank.

“Tôi vay vốn từ Agribank đã được 15 năm. Thủ tục vay dễ dàng, khi thanh toán khoản vay hay khi có tiền gửi lại ngân hàng tôi luôn được nhân viên ngân hàng hỗ trợ nhanh chóng. Các điều kiện về cho vay, thanh toán của ngân hàng phù hợp với yêu cầu vay vốn, quay vòng vốn nên tôi vẫn tiếp tục giữ quan hệ tín dụng với Agribank nhiều năm qua” anhTấn nói.

Những ngày đầu mới khởi nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn nhưng với tình yêu quê hương, yêu nghề nông, vợ chồng anh Tấn kiên quyết bám đất, bám quê. Điều đáng quý ở người nông dân này là luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, kể cả học kinh nghiệm sản xuất, trồng trọt từ mạng xã hội. Nhờ vậy mà vườn cây của gia đình luôn được chăm sóc tốt và phát triển thuận lợi.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.