| Hotline: 0983.970.780

Thu nhập cao với 'mít Thái, xoài Đài' trên đất gò

Thứ Tư 17/11/2021 , 15:04 (GMT+7)

Chỉ vài năm sau khi chuyển gần 1,3 ha trồng lúa trên đồi gò cao sang trồng 'mít Thái, xoài Đài', mô hình này đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Đó là mô hình trồng xoài Đài Loan, mít Thái của chị Lương Thị Mơ, sinh năm 1995, ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông, Đồng Tháp. Từ mô hình này, nhiều hàng xóm của chị Mơ đã học theo, và cùng khấm khá lên.

“Em quê gốc ở miền Trung cơ. Năm 18 tuổi em vào Đồng Nai làm công nhân. Làm được 2 năm thì “theo chồng bỏ cuộc đời công nhân”. Về quê chồng thấy đất rộng, em rất thích. Nên quyết định làm nông dân”, chị Mơ kể.

Sau khi về quê chồng, với hơn 12 công đất của gia đình chồng có sẵn, chị Mơ bắt tay vào cải tạo, lên liếp trồng xoài Đài Loan, xen mít Thái. “1,3ha này em trồng hơn 6 công xoài Đài Loan, 4 công mít Thái. Nhưng do đất đây cũng nhiễm phèn, nên phải đào mương, lên liếp, nên mất một ít diện tích. Đất ruộng lúa ở ĐBSCL nói chung đa số là đất phù sa cổ, là đất thịt nặng, phải lên liếp mới phù hợp với cây xoài Đài Loan, liếp càng cao cây xoài càng khoẻ, phát triển tốt hơn so với trồng ở vùng đất phù sa trũng.

Xoài Đài Loan bao trái bằng bao màu vàng, có giá khoảng 45 ngàn đồng/kg. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Xoài Đài Loan bao trái bằng bao màu vàng, có giá khoảng 45 ngàn đồng/kg. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Sau khi trồng 2 năm, những cây xoài bắt đầu cho trái. Vụ đầu chị tỉa bỏ hết hơn 50% trái. Chỉ để lại 1 nửa. Năm thứ 2 tỉa tiếp, nhưng ít hơn. Và vụ thứ 2 chị thu hoạch 6 công xoài được hơn chục tấn trái, bán xô với giá 20 ngàn đồng/kg. “xoài Đài Loan nếu chăm sóc tốt thì một năm ra bông 2 lần vào tháng 4 và tháng 11, trong đó tháng 11 là vụ nghịch. Nếu dưỡng trái mùa ngịch thì trái có giá cao hơn, nhưng nếu không chăm sóc tốt, thì dưỡng trái mùa ngịch vừa khó mà vừa ảnh hưởng sức khoẻ cây”, chị Mơ nói.

Theo chị Mơ, xoài Đài Loan mặc dù dễ trồng, mau ra trái, nhưng lại rất khó xử lý ra bông. Nhất là với đất lúa phù sa như khu vực ĐBSCL. Nhiều khi cây phát triển tốt nhưng lại không đậu bông. Cho nên, phải nắm được quy trình 4 bước xử lý. Trong đó, quan trọng nhất là bước cuối cùng, kích cho ra bông. “Đối với cây xoài Đài Loan, phải canh khi nào cây không “tiết đọt” mới phun kích bông. Nếu cây đang có tiết đọt mà phun kích bông, thì thay vì ra bông, cây sẽ ra đọt lá non. Đọt nhiều thì bông sẽ ít”, chị Mơ phân tích.

Những trái có hình thức không đẹp, bị vết ong, côn trùng chích, sẽ bao giấy màu trắng, và giá chỉ bằng khoảng 1 nửa trái màu vàng. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Những trái có hình thức không đẹp, bị vết ong, côn trùng chích, sẽ bao giấy màu trắng, và giá chỉ bằng khoảng 1 nửa trái màu vàng. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Mặc dù còn khá trẻ, mới bước vào nghề nông được vài năm, lại 1 mình chăm 2 con nhỏ, nhưng thấy chị khá “rành” về kỹ thuật trồng cây, làm vườn, chẳng thua gì người đã qua trường lớp, khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. Giải thích về điều này, chị cười cho biết: “Em có ông anh bà con là kỹ sư nông nghiệp ở Đồng Nai, ổng chuyên tư vấn cho bà con miền Tây về kỹ thuật trồng cây ăn trái. Hồi đó ổng về tận đây hướng dẫn cho bà con trồng xoài Đài Loan mà. Ngoài ra, mình chịu khó tìm hiểu thêm trong quá trình làm thực tế thì cũng biết thêm nhiều”.

Nói về lý do trồng xoài Đài Loan chứ không phải xoài thương hiệu như cát Hoà Lộc, chị Mơ cho biết, xoài cát Hoà Lộc thì chất lượng, giá cao, nhưng phải ít nhất 5 năm mới thu hoạch, nên cần có vốn nhiều, lại khó bảo quản, vận chuyển. Ngoài ra, phải trồng theo quy trình, có nguồn đầu ổn định thì mới nâng cao giá trị được. Trong khi đó, xoài Đài Loan trồng 2 năm, thậm chí 18 tháng là có trái, năng suất cao, vỏ giống xoài này rất dày, nên dễ vận chuyển, bảo quản. Đối với mít Thái, đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm, nhanh thu hoạch, năng suất cao, thơm giòn, ngọt, nên dễ bán. Nếu so với trồng lúa thì gấp 10 lần.

Ngoài xoài Đài Loan, mít Thái cũng được chị Mơ trồng xen xoài và cho hiệu quả cao. Ảnh: Thanh Sơn.

Ngoài xoài Đài Loan, mít Thái cũng được chị Mơ trồng xen xoài và cho hiệu quả cao. Ảnh: Thanh Sơn.

“Vậy xoài, mít của chị và bà con ở đây thu hoạch xong bán ở đâu?”, tôi hỏi. “Có thương lái họ đến tận nơi, mua cả vườn luôn anh. Nghe nói là xuất khẩu ra nước ngoài, còn đi nước nào em không hỏi. Chỉ cần họ đến mua, được giá thì mình bán thôi”, chị Mơ đáp.

Nói về giá cả, chị Mơ cho biết: “Mấy tháng trước, ảnh hưởng dịch, giãn cách xã hội, nên giá xoài, mít rớt thê thảm, chỉ còn 3-4 ngàn đồng/kg mà không có người đến thu mua, hái bỏ cho gà vịt, heo, cá ăn. Bây giờ thì giá lên khá rồi. Xoài vàng 45 ngàn đồng/kg, xoài xanh rẻ hơn, bằng 1 nửa xoài vàng. Còn mít Thái, tuỳ hình thức trái mà có giá cao nhất khoảng 35 ngàn đồng/kg (cân cả trái), những trái xấu hơn giá thấp dần. Nhưng hình thức thì vậy chứ ăn cũng ngon, ngọt giống nhau thôi à”.

Trái mít Thái nặng hơn 20kg chị Mơ vừa hái trên cây xuống. Ảnh: Thanh Sơn.

Trái mít Thái nặng hơn 20kg chị Mơ vừa hái trên cây xuống. Ảnh: Thanh Sơn.

Tôi hỏi: “xoài xanh, xoài vàng khác nhau thế nào?”. Chị Mơ đáp: “Cũng là trái xoài trên cùng 1 cây, thậm chí cả vườn cùng 1 loại xoài thôi, còn xanh hay vàng là do cái bọc giấy bên ngoài. Khi trái bắt đầu to cỡ hơn ngón chân cái, cổ tay, mình bắt đầu dùng bao để bao trái. Bao trái này có 2 loại, 1 loại màu vàng, giá đắt hơn gấp đôi bao màu trắng. Vì được làm chắc chắn hơn, bên trong được tráng một lớp gọi là hoạt chất sinh học gì đó, để bảo quản, tạo màu vàng, bóng cho trái. Chất này không độc hại.

Mình chỉ chọn những trái có vỏ ngoài đẹp, không bị vết ong, côn trùng chích để bao loại bao màu vàng này. Trái màu vàng này giá cao hơn. Nhưng nếu vỏ ngoài không đẹp, có vết ong chích chẳng hạn, thì lái họ cũng loại ra, giá ngang loại xoài xanh. Nên những trái này mình cứ bọc bao màu vàng thì phí. Bao giấy màu vàng này sau khi thu hoạch trái, mình gỡ bao cẩn thận để không bị rách thì có thể dùng lại thêm 1 vụ nữa. Còn bao màu trắng mỏng hơn, chỉ là bao giấy đơn thuần, nên dùng để bao các loại trái xấu, có vết ong, côn trùng chích. Những trái được bao bằng bao màu trắng có vỏ màu xanh chứ không vàng”, chị Mơ giải thích.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2017 - 2020, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa toàn tỉnh là gần 25.000ha. Trong đó, chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây lâu năm gần 7.557ha, chủ yếu trồng xoài, cam, quýt, mít, chanh, nhãn... Việc chuyển sang trồng cây ăn trái cho lợi nhuận tăng gấp 3 - 8 lần so với trồng lúa. Giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa trên toàn tỉnh là 27.274ha. Trong đó, có 14.712ha trồng cây hàng năm; 10.051ha trồng cây lâu năm; trồng lúa kết hợp với nuôi thủy sản là 2.511ha. Diện tích dự kiến chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đến năm 2030 là 29.716ha.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm