| Hotline: 0983.970.780

Bộ chỉ tiêu CGI cho HTX nông nghiệp cần đánh giá minh bạch

Thứ Tư 17/07/2024 , 18:32 (GMT+7)

Cần Thơ Xây dựng bộ chỉ tiêu CGI ngoài đảm bảo tính chất đơn giản, cần bám sát thực tế, đánh giá minh bạch, tạo cơ chế đặc thù phát triển ở vùng nông thôn.

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP, ngày 18/7/2023, về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành và xây dựng NTM. Trong đó, đặt ra nhiệm vụ xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá, xếp hạng môi trường kinh doanh cấp tỉnh đối với kinh tế tập thể (KTTT), HTX trong lĩnh vực nông nghiệp (gọi tắt là bộ chỉ tiêu CGI).

Việc xây dựng bộ chỉ tiêu CGI rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Việc xây dựng bộ chỉ tiêu CGI rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Ngày 17/7, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên gia về xây dựng bộ chỉ tiêu CGI.

Việc xây dựng bộ chỉ tiêu không nhằm mục đích xếp hạng để biểu dương hay phê phán các tỉnh có điểm số CGI cao hoặc thấp, hướng đến cung cấp thông tin cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố thực hiện cải cách môi trường thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho sự phát triển bền vững và hiệu quả của khu vực KTTT, HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp.

Theo đó, bộ chỉ tiêu CGI gồm 2 nhóm tiêu chí, với 9 nhóm chỉ số thành phần và 44 chỉ tiêu.

Phương pháp tính chỉ số CGI gồm 4 bước: thu thập dữ liệu; xây dựng chỉ số thành phần; tính toán CGI; đánh giá và xếp hạng.

Trong đó, nhóm tiêu chí I là đánh giá tình hình phát triển và hoạt động của HTX. Gồm 5 nhóm chỉ số: tăng trưởng số lượng và quy mô; chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý; năng lực sản xuất và cung ứng dịch vụ; kết quả hoạt động kinh doanh; quản trị công khai minh bạch.

Nhóm tiêu chí II sẽ đánh giá môi trường, tạo thuận lợi cho sự phát triển của HTX nông nghiệp. Tiêu chí này có 4 nhóm chỉ số về: tính sẵn sàng và quyết liệt của địa phương trong triển khai các chính sách về HTX; mức độ hài lòng của HTX nông nghiệp với hạ tầng và dịch vụ công liên quan đến hoạt động của HTX tại địa phương; mức độ hài lòng của HTX nông nghiệp với các chính sách hỗ trợ của địa phương; mức độ hài lòng của HTX nông nghiệp với thể chế hỗ trợ hoạt động.

PGS.TS Chu Tiến Quang, nguyên Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phân tích sự cần thiết thúc đẩy môi trường kinh doanh với KTTT, HTX trong nông nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

PGS.TS Chu Tiến Quang, nguyên Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phân tích sự cần thiết thúc đẩy môi trường kinh doanh với KTTT, HTX trong nông nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Các chuyên gia, HTX đã góp ý điều chỉnh về kết cấu, cách thức xây dựng bộ chỉ tiêu; nghiên cứu để có sự liên thông thống nhất các bộ chỉ tiêu để tránh lãng phí, gây khó cho các địa phương. Đặc biệt, việc xây dựng các chỉ số cần dựa vào Luật HTX 2023, bám sát thực tế và phù hợp đặc thù của từng HTX, tạo sức mạnh, cơ chế đặc thù phát triển ở vùng nông thôn.

PGS.TS Chu Tiến Quang, nguyên Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phân tích, môi trường kinh doanh đối với tổ chức kinh tế tập thể, HTX trong nông nghiệp là môi trường kép: bên trong và bên ngoài.

Trong đó, môi trường kinh doanh bên trong gồm hoạt động giao dịch nội bộ (cung ứng vật tư, dịch vụ, bán sản phẩm do thành viên sản xuất ra), giao dịch không mang tính kinh doanh nhưng tạo thu nhập dưới hình thức thặng dư hoặc hoa hồng.

Môi trường kinh doanh bên ngoài sẽ giúp HTX tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ do thành viên sản xuất ra. Tham gia hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp để gia tăng lợi ích kinh tế và vị thế trên thị trường.

Việc thúc đẩy 2 môi trường đồng phát triển là cần thiết, tạo điều kiện, cơ hội để các tổ chức KTTT, HTX hoạt động đúng nguyên tắc, đạt kết quả cao, phát triển bền vững.

Để xây dựng bộ chỉ tiêu CGI sẽ có nhiều khó khăn, bởi môi trường kinh doanh của HTX nông nghiệp, không giống với doanh nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Để xây dựng bộ chỉ tiêu CGI sẽ có nhiều khó khăn, bởi môi trường kinh doanh của HTX nông nghiệp, không giống với doanh nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đánh giá, việc xây dựng bộ chỉ tiêu CGI rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế.

Từ đó tạo ra bức tranh tổng thể về sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ hoạt động của HTX. Mặt khác, là cơ sở để địa phương sửa đổi hoặc tiếp tục tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX nông nghiệp.

Hiện cả nước có trên 21.000 HTX nông nghiệp, chiếm gần 70% số lượng HTX. Các cơ chế chính sách đối với HTX nông nghiệp dù đã được các địa phương, đơn vị triển khai, nhưng không được đồng đều, chưa đạt như mong đợi.

Do đó, bộ chỉ tiêu ngoài đảm bảo tính chất đơn giản, hiệu quả, phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Do đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ NN-PTNT thực hiện nhiệm vụ điều tra, đánh giá, thu thập thông tin hàng năm.

Dự kiến, bộ chỉ tiêu CGI sẽ hoàn thiện và tổ chức triển khai đánh giá thí điểm trong giai đoạn 2024 – 2025 và thực hiện công bố thường niên hàng năm, trở thành nhiệm vụ của ngành NN-PTNT.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.