| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác xã có hơn 5.000 xã viên, nhiều ruộng nhất Bạc Liêu

Thứ Tư 17/07/2024 , 08:30 (GMT+7)

BẠC LIÊU HTX Vĩnh Cường liên kết, bao tiêu lúa cho hơn 72.000ha ở vùng ĐBSCL, tính riêng ở Bạc Liêu đã có 27.000ha và đang hướng theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Sau gần 2 năm kể từ ngày tôi lần đầu đến Hợp tác xã (HTX) nhiều ruộng nhất Bạc Liêu, nay có dịp trở lại, quy mô sản xuất của HTX đã mở rộng thêm hàng chục nghìn ha.

Cánh đồng lúa kết hợp điện gió tại vùng vùng liên kết sản xuất của HTX nông nghiệp Vĩnh Cường ở xã Vĩnh Mỹ B (huyện Hoà Bình, Bạc Liêu). Ảnh: Trọng Linh.

Cánh đồng lúa kết hợp điện gió tại vùng vùng liên kết sản xuất của HTX nông nghiệp Vĩnh Cường ở xã Vĩnh Mỹ B (huyện Hoà Bình, Bạc Liêu). Ảnh: Trọng Linh.

Hướng đến sản xuất khép kín

HTX Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Cường (HTX Vĩnh Cường) ở xã Vĩnh Mỹ B (huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu) là HTX không chỉ có quy mô sản xuất lớn nhất ở Bạc Liêu mà còn là HTX đứng hàng đầu ở cả vùng ĐBSCL. Quy trình sản xuất của HTX rất chặt chẽ từ khâu đầu vào đến đầu ra. Đơn vị cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm của nông dân. Nhờ hoạt động hiệu quả nên đến nay, HTX Vĩnh Cường đã có hơn 5.000 xã viên tham gia.

Ông Trịnh Văn Cường, Giám đốc HTX Vĩnh Cường cho hay, từ nhiều năm nay, đơn vị là cầu nối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo. HTX đã đưa lúa gạo miền Tây đi khắp thế giới với hơn 34 quốc gia, vùng lãnh thổ.

“Giờ HTX đã xây dựng được thương hiệu. HTX chuyên cung cấp giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con xã viên với hơn 72.000ha lúa, tập trung ở nhiều tỉnh miền Tây như An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang... Đối với sản phẩm gạo, hiện chúng tôi không làm nữa bởi chưa quản lý được chất lượng. Muốn chế biến gạo, mở rộng thị trường xa hơn thì phải đem về nhà máy tuyến trên để sản xuất. Dưới này (Bạc Liêu) công nghệ chế biến, kỹ thuật chưa đảm bảo nên hạt gạo không đẹp, chỉ bán sản phẩm nội địa”, ông Cường nói.

Ông Trịnh Văn Cường, Giám đốc HTX nông nghiệp Vĩnh Cường chia sẻ sơ đồ tổ chức bộ máy làm việc của HTX. Trọng Linh.

Ông Trịnh Văn Cường, Giám đốc HTX nông nghiệp Vĩnh Cường chia sẻ sơ đồ tổ chức bộ máy làm việc của HTX. Trọng Linh.

Giám đốc HTX Vĩnh Cường chân tình chia sẻ, giờ HTX đã lớn mạnh, chủ trương tập trung vào phát triển vùng nguyên liệu liên kết với nông dân và bao tiêu sản phẩm. "Nông dân giờ khoẻ re, từ khâu cải tạo đất, gieo sạ, phân bón, thuốc BVTV, thu hoạch đều được HTX trang bị đầy đủ. Giờ bà con chỉ việc “chỉ tay" quanh ruộng nhà rồi chờ đến ngày lấy tiền bỏ túi thôi. Tất cả công đoạn sản xuất đều đã có HTX lo. Đời sống nông dân được nâng lên, lợi nhuận cao hơn nhiều so với trước", ông Cường nói.

Đang khẩn trương cải tạo ruộng đồng chuẩn bị cho vụ mới, ông Ngô Chí Hiền, nông dân xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình chỉ tay về phía xa, nói: “Khu này là của HTX. Từ khi bà con tham gia vào HTX, đời sống được nâng lên rõ rệt. Làm gì cũng có HTX định hướng, hỗ trợ kỹ thuật canh tác, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Đặc biệt, bà con không còn sợ cảnh bị thương lái ép giá vì tất cả đã có HTX bao tiêu với giá cao hơn thị trường”.

Bây giờ, bà con trong HTX chẳng còn ai sử dụng tới sức người trong canh tác lúa nữa. Trước đây từ khâu gieo sạ đến thu hoạch nông dân mất rất nhiều thời gian và chi phí sản xuất thì nay đã được HTX lo trọn gói, nông dân vừa tăng được lợi nhuận, lại không phải đụng tay đụng chân vất vả như trước. Thấy được lợi ích đó, nhiều hộ đã chủ động xin tham gia HTX.

Theo ông Trịnh Văn Cường, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Vĩnh Cường, nếu như trước đây cứ một công đất bà con nông dân họ thu lãi từ 1 – 2 triệu đồng là mừng. Còn bây giờ, mỗi công họ có thể thu về khoản lợi nhuận từ 4 - 5 triệu đồng/công/vụ. Nên bà con xã viên ai cũng vui và phấn khởi. Bởi giờ, khoa học kỹ thuật tiên tiến nên việc sản xuất nông nghiệp nhẹ tênh, đều sử dụng máy móc hết. Phun xịt phân thuốc thì bằng máy bay, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, nên làm ruộng bây giờ rất khoẻ, không còn cơ cực, vất vả như ngày trước.

HTX Vĩnh Cường hiện đã ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa. Ảnh: Trọng Linh.

HTX Vĩnh Cường hiện đã ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa. Ảnh: Trọng Linh.

"Hướng tới, HTX Vĩnh Cường sẽ định hướng cho bà con xã viên sản xuất theo mô hình khép kín, phân chia khu vực để tiện quản lý. Cái khó hiện nay là thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của nông dân, nhưng khó mấy HTX cũng phải cố gắng tuyên truyền, định hướng cho bà con xoá bỏ tư duy sản xuất cũ và áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất. Hiện HTX đang tập trung sản xuất lúa giảm phát thải theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao theo chủ trương của Bộ NN-PTNT”, ông Trịnh Văn Cường cho hay.

Thay đổi khó nhất là tư duy, tập quán sản xuất

Chia sẻ về việc triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, ông Trịnh Văn Cường nhận xét: “Tôi thấy ở An Giang tư duy sản xuất của bà con rất hiện đại, chưa bao giờ họ đốt một cọng rơm rạ nào. Bởi khi thu hoạch, người ta sử dụng máy gặt đập, sau đó vùi rơm rạ xuống bùn để tạo ra phân hữu cơ hoặc có thể đem bán cũng thu về được 300.000 đồng/ha. Còn ở Bạc Liêu mình, bà con nông dân vẫn còn phong tục hay đốt rơm rạ sau mùa vụ. Nếu không đốt, bà con sẽ có thêm nguồn thu nhập từ việc bán rơm. Tuy nhiên về quy trình sản xuất theo Đề án 1 triệu ha lúa, hầu hết người dân cũng đã có ý thức tốt. Việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV và các quy trình liên quan đến sản xuất đa phần nông dân ở HTX đã đi vào nề nếp”.

Ông Trịnh Văn Cường, Giám đốc HTX nông nghiệp Vĩnh Cường nhận Giải thưởng 'Ngôi sao Hợp tác xã' năm 2024. Ảnh: TL.

Ông Trịnh Văn Cường, Giám đốc HTX nông nghiệp Vĩnh Cường nhận Giải thưởng “Ngôi sao Hợp tác xã” năm 2024. Ảnh: TL.

Ông Cường đánh giá, trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, khâu thực hiện nhỏ nhất chính là việc không đốt rơm rạ nhưng điều này cũng đã rất khó. “Cứ 10 người làm ruộng thì có 9 người đốt rơm rạ rồi. Muốn thay đổi tư duy của bà con là cả một vấn đề", ông Cường nói.

Chia sẻ về ý tưởng của mình, Giám đốc HTX Vĩnh Cường khẳng định, ông sẽ hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo ổn định, được cấp mã vùng trồng. Tất cả quy trình sản xuất đều được đưa lên hệ thống quản lý của ngành nông nghiệp để được kiểm soát chặt chẽ theo quy định.

Cũng theo ông Cường, sản xuất lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp là xu hướng tất yếu trên thế giới, bởi quốc tế ngày càng chú trọng đến các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu. Theo các chuyên gia về nông nghiệp ở Việt Nam, với sáng kiến mô hình sản xuất lúa phát thải thấp, Việt Nam đã đi đầu trong việc thực hiện xu hướng này.

Tuy nhiên, đây là một bước đi táo bạo và sẽ đối mặt với những thách thức lớn. Nhìn chung, cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự đổi mới và nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng một mô hình sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải và tiêu thụ tài nguyên hiệu quả.

"Thách thức lớn nhất hiện nay là tìm kiếm công nghệ và phương thức chứng nhận phù hợp để đảm bảo lúa gạo được sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn phát thải thấp và có thể tiếp cận thị trường carbon. Mặc dù chi phí chứng nhận vẫn là một thách thức nhưng tôi tin rằng chúng ta sẽ thể vượt qua được khó khăn này và đạt được mục tiêu của mình", ông Trịnh Văn Cường tin tưởng.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.