| Hotline: 0983.970.780

Cánh đồng lúa giảm phát thải thứ hai ở ĐBSCL đã hình thành

Thứ Tư 22/05/2024 , 16:55 (GMT+7)

SÓC TRĂNG Ngày 22/5, Sóc Trăng tổ chức lễ khởi động cánh đồng lúa giảm phát thải thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, huyện Long Phú.

Cánh đồng lúa giảm phát thải thí điểm tại tỉnh Sóc Trăng có quy mô 50ha do HTX nông nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú) thực hiện. Mô hình ứng dụng các giải pháp canh tác bền vững như sử dụng giống xác nhận; áp dụng quản lý nước ướt - khô xen kẽ; quản lý dịch hại tổng hợp và quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, phát thải thấp; sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân, giảm hơn 50% lượng giống và 20% phân bón… phù hợp theo các tiêu chí của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đề ra.

Sau TP Cần Thơ, Sóc Trăng là địa phương thứ hai ở ĐBSCL triển khai mô hình thí điểm cánh đồng lúa giảm phát thải thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Sau TP Cần Thơ, Sóc Trăng là địa phương thứ hai ở ĐBSCL triển khai mô hình thí điểm cánh đồng lúa giảm phát thải thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc HTX nông nghiệp Hưng Lợi cho biết, thời gian qua, với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp tỉnh, HTX được chuyển giao, hướng dẫn các quy trình sản xuất tiên tiến, bền vững. Đặc biệt, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) đã hỗ trợ HTX áp dụng hiệu quả kỹ thuật canh tác lúa “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng” trong sản xuất lúa đặc sản ST25 gắn với liên kết tiêu thụ. Từ đó giúp các thành viên tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất, đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện thu nhập, đời sống cho xã viên.

Để thực hiện đạt hiệu quả mô hình cánh đồng lúa giảm phát thải, ông Hùng cam kết sẽ tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đảm bảo sản xuất bền vững.

Theo ông Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, ngành hàng lúa gạo là một trong 10 ngành hàng chủ lực được địa phương tập trung nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.

Cánh đồng lúa giảm phát thải thí điểm tại tỉnh Sóc Trăng có quy mô 50ha do HTX nông Nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú) thực hiện. Ảnh: Kim Anh.

Cánh đồng lúa giảm phát thải thí điểm tại tỉnh Sóc Trăng có quy mô 50ha do HTX nông Nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú) thực hiện. Ảnh: Kim Anh.

Theo ông Phương, mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn nhất định, ngành hàng nông nghiệp phải đối mặt với những thách thức và cơ hội tăng trưởng khác nhau. Nếu như 10 năm trước, thách thức của ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL, trong đó có tỉnh Sóc Trăng là chất lượng thấp do chạy theo năng suất, chủ yếu sử dụng các vật tư hóa học, việc ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ sau thu hoạch thấp, kéo theo giá thành và tỷ lệ thất thoát cao.

Đến nay, bằng nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp tích cực, những thách thức đó đã từng bước được khắc phục và vượt qua. Rõ nét nhất là thu nhập của người trồng lúa đã được cải thiện. Việc khởi động mô hình cánh đồng lúa giảm phát thải là hành động thiết thực cho những cam kết của Chính phủ.

Dự kiến đến năm 2025, diện tích vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh Sóc Trăng khoảng 38.500ha. Ảnh: Kim Anh.

Dự kiến đến năm 2025, diện tích vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh Sóc Trăng khoảng 38.500ha. Ảnh: Kim Anh.

“Nhiều chuyên gia nghiên cứu cho thấy rằng, thay đổi thói quen, nếp tư duy, cách làm kiểu cũ của nông dân là điều rất khó. Nhưng trước những thách thức đặt ra hiện tại, nếu không thay đổi để thích ứng, ngành nông nghiệp nói chung và người trồng lúa vùng ĐBSCL nói riêng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn”, ông Phương nhấn mạnh.

Thời gian tới, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp, đề xuất các dự án hỗ trợ phát triển hạ tầng, chuyển giao công nghệ, ứng dụng cơ giới hóa và phát triển chuỗi ngành hàng lúa gạo… phục vụ sản xuất lúa phát thải thấp trong vùng đăng ký tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao của tỉnh.

Đối với UBND huyện, thị xã, thành phố, cần rà soát hiện trạng, đề xuất hạng mục công trình hạ tầng đầu tư công phục vụ sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Trong đó, ưu tiên bố trí sử dụng các nguồn lực hiện có.

Đồng thời củng cố, phát triển, mở rộng quy mô liên kết, hợp tác sản xuất giữa các thành viên nông dân, nâng cao năng lực điều hành của hội đồng quản trị, ban giám đốc các HTX, thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ chặt chẽ với doanh nghiệp.

Chương trình ký kết hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa chất lượng cao, phát thải thấp giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, vật tư đầu vào, doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo với HTX nông nghiệp Hưng Lợi trong 3 vụ lúa liên tiếp (2024 – 2025). Ảnh: Kim Anh.

Chương trình ký kết hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa chất lượng cao, phát thải thấp giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, vật tư đầu vào, doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo với HTX nông nghiệp Hưng Lợi trong 3 vụ lúa liên tiếp (2024 – 2025). Ảnh: Kim Anh.

Đặc biệt là đúc kết bài học kinh nghiệm, hướng tới triển khai nhân rộng, thúc đẩy quy mô canh tác lúa phát thải thấp để tiếp cận nguồn thu từ việc chi trả tín chỉ carbon.

Ngày 13/4/2023, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản đăng ký diện tích sản xuất lúa đảm bảo chi trả tín chỉ carbon. Cụ thể đến năm 2025, diện tích vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh là 38.500ha, có 78  HTX và tổ chức nông dân tham gia. Đến năm 2030, diện tích này tăng lên 72.480ha, với sự tham gia của trên 100 HTX, tổ chức nông dân.

Xem thêm
Dân bức xúc vì trại lợn gây ô nhiễm

BẮC KẠN Mới hoạt động một thời gian ngắn, trại lợn ở xã Liêm Thủy (huyện Na Rì) đã gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Hà Nội có thể là địa phương tiên phong loại bỏ tiêu thụ thịt chó, mèo

Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y (Sở NN-PTNT Hà Nội) vừa ban hành công văn hướng tới loại bỏ việc buôn bán thịt và tiêu thụ thịt chó, mèo trên địa bàn.

Mô hình nuôi heo giảm được 95% lượng phân thải ra môi trường

BẾN TRE Mô hình hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải trong chăn nuôi heo theo hướng sinh thái đã giúp giảm 95% lượng phân, không còn mùi hôi, môi trường sạch đẹp.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ trên hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 -2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm