| Hotline: 0983.970.780

Bỏ nho, trồng táo

Thứ Ba 07/02/2012 , 12:12 (GMT+7)

Do đầu tư thấp, dễ trồng, lại chắc ăn hơn và cho hiệu quả kinh tế cao nên nông dân Ninh Thuận ào ào chuyển đổi diện tích trồng nho sang trồng táo...

Do đầu tư thấp, dễ trồng, lại chắc ăn hơn trồng cây nho truyền thống; hiệu quả kinh tế lại cao nên nông dân Ninh Thuận đã ào ào chuyển đổi diện tích trồng nho sang trồng táo...

Đã quá trưa nhưng anh Tống Mạnh Đạt ở khu phố 1, phường Bảo An, TP Phan Rang- Tháp Chàm (Ninh Thuận) cùng 6 người vẫn đang khẩn trương hái những quả táo chín mọng, to như quả trứng gà lúc lỉu trên giàn; tiếng cười nói râm ran.

Anh Đạt phấn khởi: Vụ này táo được mùa, năng suất cao giá cả lại ổn định nên vườn táo nhà tôi cho thu nhập khá cao. Với 65 gốc táo trồng trên diện tích 3,5 sào (1 sào 1.000 m2), mỗi vụ anh Đạt thu hoạch được khoảng 15 tấn quả với giá ổn định 5.000- 7.000 đồng/kg cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng (cây táo mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ).

Anh Đạt cho biết, trước đây diện tích táo này là đất trồng nho, do cây nho đầu tư lớn lại rất mẫn cảm với thời tiết, dịch bệnh; nhiều nhất là bệnh thán thư. Bệnh này chưa có thuốc đặc trị nên không chắc ăn, trong khi đó giá cả lại lên xuống thất thường, vì vậy mà anh đã chuyển sang trồng táo từ năm 2008. Cây táo đầu tư thấp, dễ trồng, kỹ thuật không quá phức tạp. Với 3,5 sào táo đầu tư ban đầu chỉ hết khoảng 10 triệu, trong khi đó trồng táo đầu năm là cuối năm đã cho thu hoạch.

Chúng tôi đi ngược lên xã Phước Sơn, xã nằm cạnh ven sông Dinh, vùng đất này hàng năm sau lũ được bồi đắp phù sa màu mỡ. Chính vì vậy nơi đây trước kia là vùng trọng điểm trồng nho của huyện Ninh Phước, nay thay vào đó là bạt ngàn những cánh đồng táo.

Bác Nguyễn Thanh Thái, thôn Phú Quý 3 đang cuốc đất quanh gốc táo để bón phân cho biết: Vườn táo này tôi mới thu hoạch xong, vụ vừa qua với 2 sào táo tôi thu được 10 tấn quả, bán được 50 triệu đồng, trừ chi phí cũng còn lãi gần 40 triệu. Theo bác Thái, trồng táo chủ yếu là bón phân chuồng còn phân hoá học dùng rất ít. Còn thuốc BVTV cũng dùng rất hạn chế, chủ yếu dùng thuốc trị nấm lúc táo có quả.

Do nằm ở vùng đất bãi ven sông, năm 1985 diện tích đất này được bác Thái chuyên trồng nho. Những năm đầu nho ít bệnh, diện tích nho của tỉnh ít nên vụ nào năng suất và bán được giá cao, thu nhập từ cây nho hơn hẳn các loại cây trồng khác. Tuy nhiên theo thời gian cây nho dần thoái hoá, dịch bệnh nhiều nên vườn nho của bác Thái sản lượng thấp dần, có vụ mất trắng; trong khi đó giá cả cũng lên xuống thất thường. Vì vậy từ năm 2005 bác đã chuyển 2 sào nho sang trồng táo.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm qua cây táo chưa được đưa vào cơ cấu cây trồng của Ninh Thuận mà chủ yếu do người dân thấy hiệu quả kinh tế cao nên tự ý chuyển đổi, dù không được hỗ trợ về giống, kỹ thuật như người trồng nho. Vì vậy để cây táo phát triển ổn định, bền vững, không phá vỡ quy hoạch chung thì tỉnh Ninh Thuận cũng cần phải có chính sách với loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao này.

Bác Thái cho biết: Trồng táo chắc ăn, vụ nào cũng có thu hoạch, thị trường lại rộng lớn, chính vì vậy người dân ở đây đã chuyển phần lớn diện tích trồng nho sang táo. Không chỉ trồng chuyển đất bãi sang trồng táo, hiện nay bác Thái còn chuyển 2 sào đất trồng lúa một vụ sang trồng táo cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Cô Lương Thị Liên, chủ vựa thu mua táo tại xã Phước Sơn cho biết: Hiện nay mỗi ngày tôi thu mua khoảng 10 tấn táo để cung cấp cho thị trường khắp trong Nam ngoài Bắc. Những năm trước, mỗi ngày tôi chỉ thu mua được khoảng 4- 5 tấn táo và mỗi năm phải nghỉ 3 tháng vì không có hàng, còn bây giờ thu mua táo quanh năm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại xã Phước Sơn không chỉ một mình cô Liên thu mua táo mà tại đây còn có 6 điểm thu mua khác. Mỗi ngày các điểm thu mua trên dưới 10 tấn táo.

Ông Châu Thăng Long, PGĐ Sở NN- PTNT Ninh Thuận cho biết: Cây táo thực ra đã được người dân trồng từ rất lâu, tuy nhiên diện tích tăng nhanh chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây. Hiện tại toàn tỉnh Ninh Thuận diện tích táo đã đạt khoảng 700 ha, tương đương với diện tích nho của tỉnh. Theo ông Long, hầu như toàn bộ diện tích táo được người dân chuyển từ diện tích trồng nho, do cây táo cho thu nhập cao, đầu tư ít, dễ trồng lại chắc ăn; còn cây nho dịch bệnh nhiều, năng suất không ổn định.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Tiền Giang phát động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Sau phát động, các ngành, các cấp cần cụ thể hóa thành kế hoạch với những nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Đề án.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.