| Hotline: 0983.970.780

Làm gì để xuất khẩu tổ yến thuận lợi?

Thứ Sáu 18/11/2022 , 17:57 (GMT+7)

Việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký nghị định thư cho phép nhập khẩu chính ngạch tổ yến từ Việt Nam sẽ là cơ hội cho ngành yến sào nhưng cũng đầy thách thức.

Đó là chia sẻ ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam với Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Ngành hàng nửa tỷ đô 

Ông Phạm Duy Khiêm cho biết, hiện nay cả nước 43/63 tỉnh, thành có khoảng 20.000 nhà nuôi yến. Trong đó, có số lượng nhà yến lớn và lâu năm chủ yếu tập trung một số tỉnh như Kiên Giang khoảng 3.000 nhà, Đồng Nai khoảng 1.500 nhà, An Giang khoảng 1.000 nhà và các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Tiền Giang… cũng tương tự khoảng 1.000 nhà.

Tuy nhiên, vài tỉnh phía Bắc và các tỉnh Tây Nguyên cũng góp phần không nhỏ về số nhà yến cũng như sản lượng tăng nhanh từ năm 2019 đến nay. Tổng sản lượng tổ yến hiện khoảng 100 tấn/năm, doanh thu khoảng 400-500 triệu USD.

Tuy nhiên, trong thời gian tới sản lượng có thể kỳ vọng 170 tấn/năm vào năm 2030. Bởi một số tỉnh đang trên đà phát triển theo vùng quy hoạch nuôi chim yến như Tây Ninh, Long An và những tỉnh giáp biên giới với Campuchia… rất có hiệu quả trong tương lai vì còn nhiều vùng thức ăn nguyên sinh.

Empty

Hiện cả nước có khoảng 20.000 nhà nuôi yến. Ảnh: KS.

Theo ông Phạm Duy Khiêm, việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) ký nghị định thư cho phép nhập khẩu chính ngạch tổ yến từ Việt Nam sẽ là cơ hội lớn để ngành yến sào Việt Nam vươn xa, sánh tầm ngang với các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan...

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội thì đây cũng là thách thức lớn đối với ngành yến. Các doanh nghiệp non trẻ sẽ gặp nhiều trở ngại trong vấn đề thủ tục hành chính, truy xuất ID (công nhận cấp mã số định danh) nhà yến, chất lượng sản phẩm để đáp ứng được yêu cầu phía Trung Quốc đưa ra.

Làm gì để xuất khẩu tổ yến thuận lợi?

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, đối với tổ yến Việt Nam hay bất cứ sản phẩm nông sản nào khác từ Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đều phải tuân thủ tất cả các quy định của hai nước. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, các nhà yến có sản phẩm tổ yến phải đạt tối thiểu về quy định an toàn thú y và các tác động môi trường có thể xảy ra ảnh hưởng tới chất lượng tổ yến.

Cùng với đó việc giám sát thú y nhà yến, cơ sở dẫn dụ tối thiểu trong thời gian 6-12 tháng để đưa ra kết luận có đạt được tiêu chuẩn theo quy định đưa ra hay không? Từ đó các nhà yên sẽ nộp danh sách lên Cục Chăn nuôi, Cục Thú y và cấp ID truy xuất cho nhà yến, cơ sở dẫn dụ đó.

Empty

Tổng sản lượng tổ yến hiện khoảng 100 tấn/năm, doanh thu khoảng 400 triệu USD. Ảnh: KS.

Về phía Trung Quốc đưa ra bộ tiêu chí rất đầy đủ như: thành phần dưỡng chất, sinh hoá học, dịch bệnh các loại... nên khi đáp ứng đủ tiêu chí của sản phẩm đó mới được công nhận vào việc tiến hành thủ tục xuất khẩu.

"Việc sản xuất và chế biến tổ yến Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải đáp ứng các quy định có liên quan của Việt Nam và Trung Quốc về kiểm dịch, kiểm tra và an toàn thực phẩm. Các nhà nuôi yến phải được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và được GACC đưa vào hồ sơ”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam chia sẻ và cho biết thêm, các cơ sở chế biến tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với GACC theo quy định về đăng ký và quản lý nhà sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài.

Sản phẩm từ các cơ sở chưa đăng ký với GACC sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc. Vì vậy, các cơ sở phải có năng lực xử lý vệ sinh hiệu quả đối với tổ yến, cũng như đảm bảo chất lượng theo qui định phía Hải quan Trung Quốc đưa ra.

Empty

Thu hoạch yến thô tại một cơ sở nuôi yến. Ảnh: KS.

Hiệp hội Yến sào Việt Nam là tổ chức nghề nghiệp tập hợp tất cả nhà yến và doanh nghiệp yến sào trên cả nước từ năm 2017 tới nay cũng đã quan tâm, hướng dẫn tận tình những thủ tục cần thiết để tiến hành xuất khẩu tổ yến.

Bên cạnh đó, Hiệp hội đã đề cử vài doanh nghiệp yến sào làm đầu mối có khả năng và thực lực đảm đương việc hỗ trợ bà con nghề yến trong suốt quá trình thu mua sản phẩm tổ yến đảm bảo chất lượng cho việc xuất khẩu.

Tuy nhiên về phía doanh nghiệp muốn xuất khẩu sẽ phát triển dựa trên các tiêu chí. Một là làm chủ chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu chất lượng cao bằng cách liên kết với các doanh nghiệp đầu tư và phát triển mô hình trang trại yến tại các vùng có môi trường sinh thái ổn định cho chim yến phát triển với nguồn thức ăn đa dạng.

Cùng với đó, xây dựng hệ thống nhà yến đạt chuẩn ở từng tỉnh, thành do Chi hội/ Hội cơ sở quản lý. Từ đó, tổ chức đào tạo và bồi dưỡng kiến thức quản lý vận hành khai thác nhà yến, kiến thức về an toàn thực phẩm cho các chủ nhà yến tham gia chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu cho công ty.

Empty

Một cơ sở chế biến yến phục vụ sản phẩm cho thị trường. Ảnh: DK.

Hai là, làm chủ chuỗi công nghệ chế biến hiện đại tầm cỡ khu vực. Liên kết với các tổ chức khoa học -công nghệ để nghiên cứu các đề tài nâng cao chất lượng chế biến sản phẩm yến sào đa dạng, hấp dẫn, tạo ra giá trị dinh dưỡng cao và giá trị dược liệu dùng trong y học cổ truyền.

Đầu tư xây dựng hệ thống tinh chế, chế biến, sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, tự động hoá trong môi trường vô trùng tuyệt đối và theo tiêu chuẩn ISO, HACCP.

Một số doanh nghiệp sản xuất yến sào đủ tiêu chuẩn hiện nay đáp ứng được bộ tiêu chí của GACC và quy trình truy xuất ID do Bộ NN-PTNT đưa ra, trong đó thấy được có nhiều doanh nghiệp tiềm năng lớn, đủ khả năng và thực lực như: Công ty Cổ phần Việt Nam Quốc Yến, Yến Sào Khánh Hòa... Tuy nhiên để sản lượng cung cấp đủ cho quá trình xuất khẩu là bài toán khó mà các doanh nghiệp cần lưu ý ngay từ đầu. Bởi việc xuất khẩu phải thuần yến Việt 100% mà không có sự lẫn lộn yến ngoại nào vào nguồn nguyên liệu này.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, hiện việc tiến hành các bước để tổ yến Việt Nam đạt tiêu chí do phía Trung Quốc đưa ra còn nhiều bước phải làm thật đầy đủ. Vì vậy, đề nghị Cục Chăn nuôi, Cục Thú y nhanh chóng chỉ đạo các Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh thành có nhà nuôi yến nhằm sớm đưa vào danh sách giám sát và làm các bước theo quy định mà cả 2 phía Việt Nam, Trung Quốc đều phải tuân thủ, cũng như làm cơ sở đánh giá chất lượng và nguồn gốc tổ yến cho việc xuất khẩu.

Đối với các địa phương cần tạo điều kiện hơn nữa với các chủ nhà yến, cơ sở dẫn dụ chim yến trong các thủ tục pháp lý nhà yến như: Chứng nhận nhà yến,cơ sở dẫn dụ chim yến do địa phương xác nhận, để trong ghi nhận truy xuất ID nhà yến thể hiện rõ trên bản đồ nhà yến Việt Nam.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.