Nới điều kiện, giảm thủ tục thụ hưởng
Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Về đối tượng, tờ trình đề nghị mở rộng hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại “cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông".
Quy định “thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/2/2020 và không quá ba tháng” nhằm nới rộng thời điểm bắt đầu tạm hoãn từ 1/2/2020 (tháng Việt Nam bắt đầu công bố dịch).
Từ đó, tránh thiệt thòi cho các đối tượng nhận hỗ trợ có thời gian tạm hoãn kéo dài từ trước 1/4/2020 tới tháng 4, tháng 5 và tháng 6 năm 2020. Tuy nhiên, thời gian hỗ trợ vẫn không quá ba tháng.
Văn bản đề nghị bỏ điều kiện “đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động” .
Đồng thời, kéo dài khoản thời gian lao động ngừng việc được hỗ trợ "trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2020" để tiếp tục hỗ trợ cho người sử dụng lao động đến hết năm 2020 bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách. Tuy nhiên, thời gian hỗ trợ cho vay vẫn không quá ba tháng.
Tờ trình lược bỏ nội dung "để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc".
Trong thực tiễn, quy định này làm phát sinh thủ tục trong quá trình giải ngân của ngân hàng, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc linh hoạt các nguồn kinh phí để trả lương ngừng việc nhằm giữ chân người lao động.
Bổ sung đối tượng cho Quyết định số 15
Về những nội dung sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, trước hết, tờ trình bổ sung đối tượng: “cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông” tại khoản 3 Điều 1 để thống nhất với dự thảo Nghị quyết số 42/NQ-CP.
Đề xuất bỏ Quy định tại khoản 2 Điều 13 “Đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc” để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Quy định cụ thể lại như sau:
“2. Người sử dụng lao động có doanh thu quý I năm 2020 giảm 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc doanh thu của quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019.”
Bãi bỏ Điều 14 trong Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg bao gồm các thủ tục hành chính phê duyệt bởi cấp huyện và cấp tỉnh. Doanh nghiệp trực tiếp kê khai hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo trình tự, thủ tục quy định ở tiểu mục 2.4 dưới đây.
Sửa đổi, bổ sung Điều 15 trong Quyết định số 15, với việc giải ngân của Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện đến hết ngày 31/1/2021.
Doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động tăng, mở ra nhiều cơ hội việc làm
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm 2020 đạt 133.600, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan hơn về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2020, với 81% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn.
Số liệu của Tổng cục Thống kê ngày 29/9/2020 cho biết, riêng trong tháng 9/2020, cả nước có 10.300 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 203.300 tỷ đồng và số lao động đăng ký là 83.000.
So với tháng trước, các dữ liệu này cho thấy số doanh nghiệp giảm 23,1%; giảm 29,6% về vốn đăng ký và giảm 13,8% về số lao động so với tháng trước.
Tính chung 9 tháng, cả nước có gần 99.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.428.500 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 777.900 lao động.
Có thể thấy, số doanh nghiệp đăng ký mới giảm 3,2% nhưng vốn đăng ký lại tăng 10,7%.
Nếu chia trung bình, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 14,4 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả 2.173.400 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 29.500 doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay là 3.601.900 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ 2019.
Bên cạnh đó, trong 9 tháng, 27.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4% so với cùng kỳ 2019.