| Hotline: 0983.970.780

Bọ thích khách hay bọ xít “hút máu người” ?

Thứ Năm 15/07/2010 , 11:19 (GMT+7)

Con bọ xít hút máu người gây xôn xao dư luận gần đây lại là thiên địch của sâu hại trong nông nghiệp.

Gần đây dư luận xôn xao về tình hình bọ xít hút máu người xuất hiện rộ ở nhiều nơi. Các hình ảnh được trình bày trên nhiều báo và trang mạng cho thấy chúng là loại côn trùng ăn động vật thuộc họ Reduviidae của bộ bọ xít Hemiptera.

Triatoma và một số loài khác của bọ thích khách như thường thấy.

Người ta thường gọi là bọ “thích khách” (assassin bugs) vì chúng chích rất đau và thường xảy ra trong trường hợp bất ngờ khi tình cờ xéo phải chúng, nhất là ban đêm khi chúng bị quyến rũ bởi ánh đèn nên vào nhà.

Trong nông nghiệp chúng được gọi là thiên địch (natural enemies) của sâu hại, vì chúng thường có mặt ở ngoài đồng ruộng để ăn sâu rầy, giúp cho con người bảo vệ cây trồng, nên rất được trân trọng và bảo tồn như một đối tượng hữu ích của sự đa dạng sinh học cần thiết cho nền nông nghiệp bền vững.

Đặc điểm sinh sống:

Đây là một họ côn trùng gồm có cả ngàn loại có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Chúng có hình dạng rất khác lạ so với các loài bọ xít ăn thực vật (cây trồng) với mục đích để dễ ngụy trang và bắt mồi như: có kim chích khỏe và cong ở phía trước, màu sắc sặc sỡ (thường là đỏ với đen) để hớp hồn con mồi hay nâu đen để dễ ngụy trang, kích thước rất thay đổi tùy theo loài (xem hình), thường thấy bất động nhưng khi cần có thể chạy rất nhanh.

Con mồi của chúng gồm hầu hết các loài côn trùng nhỏ khác. Khi vồ được mồi chúng dùng kim chích để tiêm nước bọt có độc tố để làm tê liệt con mồi, sau đó tiêm en-zim để tiêu hóa các cơ quan bên trong thành một dịch lỏng, rồi hút vào rồi và bỏ lại xác con mồi. Một số loài có kích thước lớn cũng có thể tấn công các loài động vật nhỏ khác, và nếu có điều kiện đặc biệt cũng tấn công gia súc, còn con người thì rất hiếm và thường để tự vệ. Một số loài thuộc chi Triatoma (dài 12-17 mm, màu nâu đậm với nhiều vân ngang màu đỏ trên phần dẹt ở hai bên của bụng) có thể vào chuồng trại để chính hút máu gia súc, hay tình cờ vào nhà và bị đói cũng có thể chích con người. Ở Nam Mỹ một số loài của chi này có thể là môi giới truyền bệnh Chagas gây buồn ngủ cho người và cũng có trường hợp bị tử vong. Tuy nhiên mầm bệnh này hiếm thấy ở nơi nào khác trên thế giới. Cho nên chúng ta chớ quá lo sợ nhưng hãy đề phòng bị chúng chích: đôi khi chúng chích rất đau để tự vệ nhằm thoát thân, nhưng khi cần hút máu thì chúng chích nhẹ nhàng ở các phần mềm của cơ thể khi chúng ta đang ngủ nên khó phát hiện.

Môi trường tự nhiên bị xáo trộn

Nơi sinh sống của chúng là ở ngoài đồng, vườn cây hay trong rừng, nơi có nhiều côn trùng là thức ăn chính của chúng. Tổ thường làm ở dưới vỏ cây, hốc đá hay cạnh đống rác, phân gia súc hoặc chuồng trại có tổ chức phức tạp và không được ngăn nắp. Đa số các loài đều hoạt động vào ban đêm. Con trưởng thành có cánh và thích ánh sáng nên thường bay vào đèn. Con cái sẽ tìm bắt cặp với con đực, rồi chọn chỗ để đẻ trứng thành từng đám độ vài chục trứng. Con non (ấu trùng) nở ra sống tập thể và đi săn mồi xung quanh để ăn và lớn dần lên với kích thước và bộ cánh phát triển. Nếu có con mồi nhiều thì chúng lớn nhanh và có tỉ lệ trưởng thành cao, nếu ít thì chúng phải phân tán đi xa nên dễ bị thất thoát và trưởng thành ít. Vòng đời của mỗi lứa độ 4-5 tháng nên mỗi năm có thể đến hai lứa.

Hiện nay chúng được phát hiện rộ ở nhiều nơi trong thành phố có lẽ vì bị quyến rũ bởi ánh sáng đèn vào mùa mưa khi chúng có điều kiện thích hợp để trưởng thành và đi tìm nơi cư trú mới để sinh sản. Có thể môi trường tự nhiên của chúng bị xáo trộn do con người xâm nhập vào để sinh sống và làm chuồng trại chăn nuôi gia súc tràn lan một cách thiếu quy hoạch. Nguy cơ hơn nữa là tình trạng này có thể làm cho một số loài có kích thước lớn trở thành quen và thích nghi với việc tấn công gia súc để hút máu, rồi lăm le xâm nhập vào khu gia cư của con người chớ ít khi nào thấy chúng làm tổ trong nhà. Do đó nên có quy hoạch tốt để bảo vệ vùng sinh thái tự nhiên của chúng, phân biệt với khu chuồng trại và gia cư. Nên sắp xếp chỗ ở cho gọn gàng và ngăn nắp, thường xuyên làm vệ sinh và kiểm tra để phát hiện kịp thời, nhằm ngăn ngừa hữu hiệu sự thích nghi để sinh sống và phát triển mật số của chúng.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.