| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT: 'Xác định lại tư duy hội, đoàn để hợp lực'

Thứ Năm 31/08/2023 , 14:58 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan mượn lời một nhà lãnh đạo Hàn Quốc nói: 'Mọi sự hỗ trợ của Nhà nước đều là vô nghĩa nếu người dân không thay đổi'.

4 kiến nghị thúc đẩy sản xuất thủy sản

Sáng 31/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan có buổi gặp gỡ và làm việc với Hội Nghề cá Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói: Thời gian tới, Bộ NN-PTNT tiếp tục kêu gọi sự đồng cảm, đồng lòng, đồng hành của Hội Nghề cá Việt Nam và các hội, hiệp hội liên quan. Ảnh: Quang Dũng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói: Thời gian tới, Bộ NN-PTNT tiếp tục kêu gọi sự đồng cảm, đồng lòng, đồng hành của Hội Nghề cá Việt Nam và các hội, hiệp hội liên quan. Ảnh: Quang Dũng.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, hiện nay ngành thủy sản đang đối mặt với nhiều khó khăn cả trong sản xuất và xuất khẩu.

Về khai thác và bảo vệ nguồn lợi, công tác quản lý Nhà nước chưa đáp ứng kịp với thực tiễn sản xuất. Nguồn lợi thủy sản, nhất là nguồn lợi ven bờ suy giảm, diễn biến thời tiết có nhiều phức tạp, chi phí sản xuất tăng, hiệu quả sản xuất còn thấp, trong khi sản lượng khai thác hàng năm vượt khả năng nguồn lợi cho phép khai thác. Việc Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam đã tác động không nhỏ đến hoạt động khai thác hải sản. Nhiều tàu khai thác hải sản xa bờ phải nằm bờ. Sự hiện diện dân sự của ngư dân và tàu cá trên các vùng biển, đảo không được duy trì thường xuyên.

Về nuôi trồng thủy sản, giá cả thức ăn, nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng cao, chi phí logistic cao, trong khi nhu cầu tiêu thụ chững lại gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, sản xuất tôm đang gặp khó khăn. Giá thành sản xuất tôm cao hơn so với các đối tác cạnh tranh, đặc biệt so với Ấn Độ và Ecuador.

Về chế biến, tiêu thụ thủy sản, do kinh tế thế giới phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm mạnh, trong đó có sản phẩm thủy sản. Thị trường bị thu hẹp, một số thị trường truyền thống gặp khó khăn, dẫn đến xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh…

Chia sẻ thêm về những khó khăn, ông Nguyễn Trần Nghiêm Cung, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Tiêu chuẩn Sinh học Vĩnh Thịnh, cho biết, hiện nay người nuôi ao đất có tỷ lệ thành công rất thấp, chỉ 30%, dẫn đến việc đẩy chi phí giá thành lên cao, thua lỗ cũng nhiều hơn, mà thua lỗ ngay ở giai đoạn đầu (giai đoạn 30 ngày đầu trong thả nuôi tôm). Hiện nay đã có giải pháp cho vấn đề này, nhưng chi phí khá nhiều. Chính vì thế, nếu có chính sách hỗ trợ để người nuôi ao đất có 50 - 100 triệu đồng cho giai đoạn ương tôm trong thời gian 30 ngày đầu hiệu quả sẽ tốt hơn, bền vững hơn.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, hiện nay ngành thủy sản đang đối mặt với nhiều khó khăn cả trong sản xuất và xuất khẩu. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, hiện nay ngành thủy sản đang đối mặt với nhiều khó khăn cả trong sản xuất và xuất khẩu. Ảnh: Hồng Thắm.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh thủy sản, ông Thắng đề xuất 4 kiến nghị: Bộ NN-PTNT sớm xây dựng chính sách hỗ trợ lao động khai thác hải sản xa bờ, trong đó có hỗ trợ lưu trú trên biển, bảo hiểm y tế cho ngư dân nhằm tạo điều kiện để ngư dân yên tâm khi hoạt động trên biển, ổn định sinh kế, duy trì sự hiện diện dân sự của tàu cá trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Bộ NN-PTNT giao cho các đơn vị chức năng thực hiện điều tra đánh giá thực trạng lực lượng lao động trong khai thác thủy sản, trong đó có điều tra về lao động kỹ thuật, lao động có bằng cấp, độ tuổi trong lao động khai thác hải sản… Xây dựng cơ chế hỗ trợ đào tạo thuyền, máy trưởng, thủy thủ để nâng cao chất lượng lao động trong khai thác thủy sản. Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong khai thác thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau khai thác.

Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giảm thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp sản xuất thủy sản từ 10% xuống còn 8% cho tất cả nguyên liệu, sản phẩm phục vụ thủy sản. Cùng đó, hoãn 6 tháng việc thực hiện các quy định định kỳ về hợp chuẩn, hợp quy để giảm chi phí tạm thời. Hoãn 1 năm hoặc giảm 50% chi phí công đoàn, bảo hiểm xã hội hàng tháng cho doanh nghiệp để dồn lực cho sản xuất.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh giảm thêm lãi suất cho vay đối với tổ chức và cá nhân sản xuất thuộc lĩnh vực thủy sản, vì mức lãi suất hiện đã giảm nhưng còn ở mức rất cao. Cùng đó, nới rộng biên độ cấp tín dụng thêm 15 - 20% so với mức tín dụng đang cấp hiện nay đối với doanh nghiệp thủy sản đang có tài sản đảm bảo cho ngân hàng; sớm giải ngân gói tín dụng 15.000 tỷ đồng trong Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung đối tượng được hỗ trợ trong gói tín dụng này là người nuôi trồng thủy sản. Thêm nữa, kéo giãn thời gian đáo hạn thêm 6 tháng cho doanh nghiệp, đây là vấn đề căn cơ của các doanh nghiệp và người nuôi.

Cần sớm có chính sách "tam ngư"

Theo ông Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, vấn đề "tam ngư", ngư dân - ngư nghiệp - ngư trường, đã bắt đầu được hiện thực hóa, sắp tới nên bắt đầu bằng các mô hình thực tiễn để thể chế hóa bằng chính sách.

“Chúng ta nói đến vấn đề nghề cá thì phải giải quyết "tam ngư". Bộ NN-PTNT nên đề nghị Trung ương ra một nghị quyết tương tự như nông nghiệp, chắc chắn vị thế nghề cá sẽ khác hẳn. Hội Nghề cá sẽ cơ cấu lại tổ chức để tham gia nhiều hơn, cùng xây dựng và phát triển nghề cá bền vững”, ông Hồi đề xuất.

Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị Bộ NN-PTNT đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong khai thác thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau khai thác. Ảnh: Hồng Thắm.

Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị Bộ NN-PTNT đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong khai thác thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau khai thác. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Hoàng Đình Yên, Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, nói: “Vấn đề về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã qua 6 năm rồi nhưng hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Trước đây một thời gian dài, gần như việc quản lý bị buông lỏng nên nghề cá phát triển tự phát, dẫn đến việc phát triển không cân đối, sản lượng khai thác vượt xa nguồn lợi”.

“Hơn nữa, việc tuyên truyền tuy nhiều nhưng đối tượng tuyên truyền chưa đúng, phải làm sao để các thuyền trưởng tham gia nhiều hơn. Đồng thời cũng cần nghiên cứu tăng cường công tác dự báo nguồn lợi. Trước đây chúng ta đã làm nhưng hiệu quả chưa cao cho ngư dân, cần có những giải pháp thực chất hơn”, ông Yên nói thêm.

Còn theo ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam: “Hiện nay, lĩnh vực cá ngừ của Việt Nam vẫn mang tính thủ công từ khai thác đến bảo quản, chưa có nhiều sự thay đổi. Mặc dù chúng ta đã có nhiều đề tài khoa học, cũng từng mời các chuyên gia nước ngoài đến trao đổi kỹ thuật nhưng không thể đến với ngư dân, do hầu hết ngư dân không qua đào tạo nên khá bảo thủ. Vấn đề nữa là do bảo quản không tốt nên khó nâng cao giá trị cá ngừ Việt Nam”.

Ông Đáp cho hay: “Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam và các doanh nghiệp phấn đấu 7 năm xây dựng nhãn hiệu sinh thái cho cá ngừ Việt Nam. Khả năng cao cuối năm nay sẽ được công nhận, từ đó có thể gia tăng giá trị cho con cá ngừ Việt Nam, tuy nhiên nhìn chung ngành cá ngừ nước ta còn phát triển hơi chậm”.

Tư duy nhà nước cùng tư duy thị trường

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ: Thời gian qua, Hội Nghề cá Việt Nam đã có những đóng góp rất thiết thực cho ngành thủy sản, như: Vẽ được bản đồ nghề cá cho ngư dân đi biển; tích cực góp ý trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật... Chúng tôi mong muốn Hội Nghề cá Việt Nam có sự gắn kết hơn nữa với ngành thủy sản trong thời gian sắp tới”.

Khả năng cao cuối năm nay cá ngừ Việt Nam sẽ được công nhận 'nhãn hiệu sinh thái', từ đó có thể gia tăng giá trị cho con cá ngừ Việt Nam. Ảnh: Kim Sơ.

Khả năng cao cuối năm nay cá ngừ Việt Nam sẽ được công nhận "nhãn hiệu sinh thái", từ đó có thể gia tăng giá trị cho con cá ngừ Việt Nam. Ảnh: Kim Sơ.

Tuy nhiên ông Luân cũng cho rằng: “Chúng ta không thể lấy nguồn tài nguyên thiên nhiên về rồi cứ bắt Nhà nước lại phải hỗ trợ. Như vậy là tiếp cận sai, đi ngược với thế giới”.

Cũng theo ông Luân, thời gian tới sẽ thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử ở các cảng cá, lấy chuỗi cá ngừ ở Bình Định làm thí điểm. Việc triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử đối với nghề cá giúp tăng tính chính xác và minh bạch hóa thông tin về sản phẩm.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói: "Tôi rất tâm huyết với các hội, hiệp hội ngành hàng. Không có hội, hiệp hội ngàng hàng thì không có Nhà nước. Trong cấu trúc ngành hàng, vai trò của các hội, hiệp hội ngành hàng là vô cùng lớn".

"Thời gian tới, Bộ NN-PTNT tiếp tục kêu gọi sự đồng cảm, đồng lòng, đồng hành của Hội Nghề cá Việt Nam và các hội, hiệp hội liên quan. Giao Cục Thủy sản viết đề án "tam ngư". Chúng ta cùng làm đề án này, có như vậy thì mới thoát khỏi được tư duy nhà nước, thay vào đó sẽ có sự kết hợp giữa tư duy nhà nước và tư duy thị trường”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói: “Chúng ta phải dũng cảm nhìn nhận rằng tư duy hội, đoàn, tư duy cộng đồng còn rất yếu, kể cả trong doanh nghiệp và người nông dân. Cách tiếp cận của Nhà nước đối với hội, đoàn cũng chưa nhất quán. Đã đến lúc chúng ta phải xác định lại tư duy hội, đoàn để hợp lực lại”.

Xem thêm
Ứng dụng AI kiểm soát 90% rủi ro dịch bệnh trên tôm nuôi

TRÀ VINH Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng bù lại người nuôi tôm tiết kiệm được chi phí, tăng mật độ nuôi, đặc biệt kiểm soát được 90% rủi ro dịch bệnh.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.