| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng nên làm sao để Thủ tướng bớt giật mình

Thứ Sáu 30/05/2008 , 13:32 (GMT+7)

Sáng nay 30/5, Quốc hội bước vào phiên chất vấn đầu tiên với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh. Các câu hỏi của đại biểu đều xoay quanh vấn đề nóng bỏng hiện nay: lạm phát, giá cả tăng cao và hiệu quả đầu tư của các tập đoàn kinh tế.

1551 ý kiến cử tri gửi Quốc hội

Trước khi chất vấn các thành viên Chính phủ, Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc VN, ông Vũ Trọng Kim trình bày báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri. 1551 ý kiến đã được MTTQ tổng hợp. Các ý kiến tập trung vào các vấn đề lạm phát, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng quá cao, lương cơ bản có tăng nhưng không đáp ứng được khiến đời sống nhân dân bị ảnh hưởng, giãn cách khoảng cách giàu nghèo; Tình trạng lãng phí, tham ô, tham nhũng vẫn còn nhiều; Bất hợp lý, thiên lệch trong đầu tư, sử dụng đất nông nghiệp; Tình trạng các cán bộ bậc cao bỏ việc nhà nước; Số lượng học sinh bỏ học tăng cao...

Đặc biệt, các cử tri cũng rất bức xúc trước những sự việc mới xảy ra gần đây về diễn biến xử lý vụ PMU18, việc bắt hai nhà báo đã đưa tin về PMU18.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc

Lạm phát và hiệu quả đầu tư với Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư

Mở đầu, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc trình bày về một vấn đề mấu chốt là điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng: Tình trạng suy thoái kinh tế tòan cầu cuối 2007 - đầu 2008 khiến các nền kinh tế lớn trên thế giới đều phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng. Giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực đều tăng dẫn đến cuộc khủng hoảng giá toàn cầu.

Tất cả những vấn đề đó đều ảnh hưởng đến Việt Nam, khiến lạm phát tăng cao. Công nghiệp, dịch vụ bị ảnh hưởng bởi tăng giá toàn cầu, các dịch bệnh, thiên tai xảy ra ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp... Thủ tướng chính phủ đã họp với các ban ngành và thống nhất đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát lên hàng đầu, sau đó mới tới mục tiêu tăng trưởng. Từ đó Chính phủ đã quyết định điều chỉnh chỉ số tăng trưởng xuống khoảng 7% và đề ra các nhóm giải pháp để kiềm chế lạm phát.

Các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn (ngày 30-31/5):

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Các ý kiến chất vấn gửi đến bộ trưởng đa số tập trung vào các sự mất cân đối trong kinh tế vĩ mô như tiền - hàng, xuất - nhập, đầu tư sản xuất - phi sản xuất... Các đại biểu tỏ ra bức xúc và lo lắng về trách nhiệm của bộ trong giám sát đầu tư và điều hành cơ chế vì mô hình tập đoàn kinh tế thì việc đầu tư vốn là do Hội đồng quản trị quyết định. Một số trường hợp cụ thể được đại biểu nêu ra như việc đầu tư sân golf tràn lan, lấn đất nông nghiệp, các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư lớn vào ngân hàng, chứng khoán, còn trường học, giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng, sản xuất thì ít...

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc công nhận là có sự mất cân đối và thiếu hiệu quả, dàn trải trong đầu tư. Vấn đề này có nguyên nhân cơ bản là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục thì hiệu quả về kinh tế, cụ thể là lợi nhuận ít và chậm hơn. Ở VN, HĐQT quyết định việc đầu tư cho DN mình chịu trách nhiệm vì thế gây khó khăn trong việc quản lý của nhà nước. Bộ đã có nhiều biện pháp để điều chỉnh, thuyết phục các doanh nghiệp theo hướng đầu tư đảm bảo cho phát triển bền vững. Bộ cũng đã trình Quốc hội quy chế hoạt động của các tập đoàn nhà nước để thúc đẩy kinh doanh đa ngành đang nghề và đa sở hữu.

Chính phủ không chủ trương lấy đất nông nghiệp, đặc biệt là vùng trọng điểm trồng lúa để đầu tư sân golf. Sân golf chỉ xây dựng trên đất bạc màu. Hiện mới chỉ cấp phép cho 77 sân golf và đồng ý về chủ trương cho 64 sân golf khác. Chính phủ cũng khuyến cáo các nhà đầu tư không nên kinh doanh ngân hàng vì đây là bộ lọc của nhà nước.

Về đầu tư giao thông, cơ sở hạ tầng cho miền núi đã có rất nhiều dự án ODA, ADB được thực hiên, ở Lạng Sơn cũng như miền Trung bình đẳng như nhau.

Nói thêm về việc chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, Bộ trưởng cho biết Bộ Kế họach - đầu tư đã có những cảnh báo từ giữa năm 2007 và các biện pháp kiềm chế đã thực hiện tốt trong quí 3-2007, nhưng đến ba tháng cuối năm lại bị buông lỏng, dẫn đến chỉ số tăng tới 5% trong 3 tháng khiến cả Thủ tướng chính phủ cũng phải giật mình. Hướng khắc phục của Bộ là đẩy mạnh công tác dự báo kinh tế và thắt chặt quản lý ở các khâu, và trên hết là cần sự nỗ lực, phối hợp nhịp nhàng từ các bộ khác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Bộ trưởng nên làm sao để Thủ tướng bớt giật mình đi

Sau giờ giải lao, các đại biểu lại quay lại với vấn đề lạm phát. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Chúng ta đang đặt ra tỉ lệ khống chế lạm phát là bao nhiêu? Các chỉ tiêu khác ngoài chỉ tiêu tăng trưởng, như chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo có phải điều chỉnh không? Việc Bộ trưởng nói các bộ khác đã không phối hợp tốt trong kiềm chế tăng giá tiêu dùng có xác đáng không? Tại sao Bộ KH-ĐT lại tham mưu để Chính phủ cắt giảm 25% vốn đầu tư hạ tầng từ trái phiếu chính phủ, trong khi đây là nguồn vốn chủ yếu cho cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế?...

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Về chỉ tiêu lạm phát: Chúng ta đặt đây là mục tiêu hàng đầu và cố gắng kìm hãm ở mức thấp nhất, con số cụ thể thì rất khó xác định vì tình hình còn đang diễn biến rất phức tạp. các chỉ tiêu của từng ngành, từng nghề thì phụ thuộc vào thực trạng cụ thể.

Riêng về chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo: Sau khi tình toán trong tình hình lạm phát, trượt giá, Bộ tính toán số hộ trong diện XĐGN năm nay dao động từ 14,2% - 14,4%, không đạt được mục tiêu 11-12%.

Về việc cắt giảm 25% vốn trái phiếu chính phủ: Chúng tôi đề xuất trên cơ sở có nhiều các dự án chưa thực hiện được, còn đang kẹt ở khâu giải tỏa, đền bù. Nhưng về đầu tư giáo dục thì nhất định không thể giảm, mà còn tăng xây dựng lại các trường học bị dột nát. Các dự án đầu tư y tế cũng đang thực hiện...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Thời gian sắp tới đề nghị bộ trưởng tập trung vào triển khai các biện pháp chống lạm phát. Các bộ khác cũng phải hết sức nỗ lực, chúng ta là người một nhà, không nên để xảy ra nhiều việc khiến Thủ tướng cứ phải giật mình luôn luôn. Bộ KH-ĐT phải đặc biệt chú ý quản lý chặt hơn việc cấp phép đầu tư, xem xét năng lực các nhà đầu tư, không để xảy ra việc dàn trải, không hiệu quả, dự án không triển khai được. Về vấn đề sân golf: Phải triệt để tuân thủ chủ trương là không sử dụng đất nông nghiệp, đất trồng lúa. 

Ngân sách, thuế và chứng khoán với Bộ trưởng Tài chính

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh

Bộ trưởng Bộ tài chính Vũ Văn Ninh báo cáo: Trong năm qua Bộ đã bãi bỏ 79 khoản phí lệ phí, 27 khoản huy động đóng góp của nhân dân. Miễn thủy lợi phí cho nông dân 641 tỷ đồng. Kế hoạch triển khai 5 triệu ha rừng đạt tỷ lệ thấp. Tăng khoản cho SVHS vay từ 300.000 đ/tháng lên 800.000đ/tháng. Tăng hỗ trợ ngân sách trung ương cho địa phương: Tây nguyên từ 30% lên 80%, Trung du Bắc bộ 30% lên 70%, các tỉnh còn lại từ 30% lên 60%.

Về thị trường chứng khoán: TTCK đã giảm 50% so với 2007. Chúng tôi đang cố gắng điều hòa cung cầu, tập trung vào các giải pháp như: quản lý OTC, tăng cường thanh tra, giám sát các công ty đại chúng chưa niêm yết...

Việc làm đường đến trung tâm xã nằm trong chương trình phát hành trái phiếu chính phủ để huy động vốn. Việc này đã thực hiện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, còn có một số tuyến đường còn lại chưa làm được do nhiều nguyên nhân, Bộ sẽ thực hiện tiếp việc này bằng cách tăng thêm tổng mức đầu tư 10.000 tỷ của năm 2003 lên nhiều hơn. Dự kiến kéo dài đến 2012 đảm bảo nguồn vốn trong 3 năm phải hoàn thành, còn việc làm được hay không phụ thuộc vào từng địa phương cụ thể.

ĐB Nguyễn Đình Xuân - Tây Ninh: Chính phủ có chủ trương giảm thuế nhâp hkẩu ô tô theo lộ trình, nhưng trong năm qua tăng nhiều lần thuế nhập khẩu, khiến giá ôtô ở VN cao hơn nước ngòai rất nhiều, ai được hưởng lợi từ chính sách này?

- Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Chính phủ có chủ trương từ 2010 đến 2020 VN phải xây dựng được ngành công nghiệp sản xuất ô-tô nên các chính sách của chúng ta nhằm để hạn chế nhập từ bên ngoài, tránh nhập siêu, bảo hộ sản xuất trong nước. Từ đó mà ta đánh thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt cao. Tuy nhiên, theo qui luật của WTO thì thuế lại phải giảm, nên chúng ta sẽ có chính sách phù hợp theo lộ trình. Giá ô-tô ở VN cáo, nhưng phí vận hành ở các nước lại cao hơn, nên để có xe ô-tô lăn bánh được thì các nước vẫn cao hơn VN. Vả lại, ở VN chỉ có 1% dân số sử dụng ô-tô, không phải mặt hàng thiết yếu.

* ĐB Nguyễn Đình Xuân: Tôi không đồng ý. Với các doanh nghiệp, các chủ trang trại, phí ô tô là phí đầu vào chứ không phải để đi chơi, du lịch. Đồng ý là phí vận hành ở các nước cao, nhưng đó là phí nhà nước thu được. Còn tiền mua ô-tô ở VN thì phần lớn lại rơi vào túi các doanh nghiệp nhập khầu hay công ty mẹ.

- Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Tôi đồng ý với đại biểu. Về lâu dài chúng ta nên điều chỉnh theo hướng giá vừa phải, Bộ Tài chính sẽ có kế hoạch báo cáo với Thủ tướng. Không điều chỉnh xe tải và bán tải, chỉ điều chỉnh xe từ 4-12 chỗ ngồi.

* ĐB Nguyễn Văn Ba - Khánh Hòa, ĐB Nguyễn Lân Dũng - Đăk Lăk: Việc các tập đoàn kinh tế đầu tư tràn lan ra bên ngoài khắc phục như thế nào? Việc cổ phần hóa các công ty nhà nước quá chậm. Quản lý tài chính trong lĩnh vực khoa học vừa lỏng lẻo, vừa chặt chẽ, kinh phí cho nghiên cứu khoa học eo hẹp, thủ tục rườm rà khiến nhiều nhà khoa học không còn muốn nghiên cứu nữa...

- Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Các tập đòan kinh tế hoạt động theo mô hình mẹ - con, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực. Đến nay, các tập đoàn đầu tư ra bên ngoài có một số là theo chỉ đao của Chính phủ (như Petrolimex đâu tư bên ngoài 14.000 tỷ)...

Với các lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản có độ rủi ro khác nhau. Nghị định 199 qui định DNNN đầu tư có mức độ, ngoài ra cần xin phép chủ sở hữu; khống chế đầu tư NH, CK, BĐS, quỹ mạo hiểm...

Chúng ta đang đa dạng hóa các hình thức sở hữu, nên cổ phần hóa là cần thiết để đạt hiệu quả cao nhất. CPH phải gắn với việc đấu giá trên TTCK. Tuy nhiên gần đây thị trường biến động, nên phải giãn tiến độ cổ phần hóa cho phù hợp, vừa đảm bảo vốn cho nhà nước và không gây biến động trên thị trường.

Về quản lý tài chính trong khoa học còn khó khăn, chúng tôi xin ghi nhận. các khung chính sách gần đây đã có những đổi mới nhất định. Có những cơ sở khoa học đã chuyển sang doanh nghiệp, Bộ cũng đã nghiên cứu mô hình đề án cho vay không lãi để làm khoa học.

* ĐB Mai Ánh Tuyết - An Giang: điều hành thị trường không nhịp nhàng giữa các bộ ngành, việc kiềm chế lạm phát ra sao?

- Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Việc kiềm chế lạm phát do giá lương thực thực phẩm tăng cao, cần huy động cả hệ thống chính trị xắn tay vào làm chứ không riêng gì Bộ Tài Chính.

Nhận xét về phần chất vấn của Bộ trưởng Phúc

ĐB Lê Như Tiến:  Tôi chưa thoả mãn hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng. Vì  Bộ trưởng vẫn chưa trả lời thẳng vào câu  tôi và một số ĐB hỏi những giải pháp nào để hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng. ĐB muốn nhấn vào giải pháp xử lý tình trạng đầu tư kém hiệu quả, chôn vốn. Tôi kỳ vọng bộ trưởng có thể nói rõ là đến thời điểm nào có thể hoàn toàn ngăn chặn được tình trạng này. Danh mục dự án cắt giảm như Thủ tướng yêu cầu, Bộ đang làm nên chắc là chưa thể đưa ra. Tôi sẽ tiếp tục theo dõi tiến trình thực hiện và có thể sẽ chất vấn tiếp.

DDB Nguyễn Minh Thuyết, đoàn Lạng SơnĐB Nguyễn Minh Thuyết:  Khi trả lời Bộ trưởng đã nhận hai khuyết điểm tôi cho là rất rõ ràng. Thứ nhất là mô hình tập đoàn chưa rõ ràng, hai là nhà nước không kiểm soát được tình trạng đầu tư tràn lan của các tập đoàn. Nêu được 2 khuyết điểm như vậy là rất quan trọng. 

Nhưng về trách nhiệm tôi thấy Bộ trưởng chưa nhận trách nhiệm rõ ràng. Vì Chính phủ đã giao cho anh nhiệm vụ thì anh  phải có trách nhiệm kiểm soát chuyện đầu tư dàn trải này. Anh phát hiện ra thì anh phải có biện pháp chống.

ĐB Trần Du Lịch:  Điều ĐB quan tâm là  muốn nhìn thấy làm sao đánh giá được thực chất tình hình, rõ nét điều chúng ta sẽ làm để bảo đảm quyết định điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế là thực hiện được. Chẳng hạn, ưu tiên giảm tăng trưởng không phải giảm tăng trưởng để chống lạm phát. Mà, phải hiểu ngược lại, vì giảm lạm phát sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng. Sáng nay trong phần trả lời của Bộ trưởng Bộ KHĐT chưa làm rõ vấn đề này.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm