| Hotline: 0983.970.780

Đại ngàn Tây Nguyên & Nỗi đau của đất

Canh tác đúng cách giúp giải bài toán lạm dụng phân thuốc hóa học

Thứ Ba 05/04/2022 , 10:00 (GMT+7)

Trồng cây, phòng trị bệnh đúng cách là những giải pháp quan trọng giúp nông dân Tây Nguyên kiểm soát sâu bệnh trên cây trồng, không lạm dụng phân thuốc hóa học.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu.

Đó là những nội dung đáng chú ý trong buổi trao đổi giữa Báo Nông nghiệp Việt Nam với PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam về tình trạng lạm dụng phân thuốc hóa học trong canh tác ở Tây Nguyên.

Bài liên quan

Thưa ông, tình trạng lạm dụng phân thuốc hóa học của nông dân Tây Nguyên trong nhiều năm qua đang ảnh hưởng xấu, phá hủy môi trường, tới đất đai. Do quá lạm dụng hóa chất, nhiều vườn tiêu đã đổ bệnh, chết hàng loạt. Nhiều diện tích cây ăn quả như sầu riêng cũng đang có nguy cơ này. Tình trạng này có giống với việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất cây có múi nói riêng, cây ăn trái nói chung từng xảy ra ở nhiều địa phương thuộc ĐBSCL?

Việc cây tiêu ở Tây Nguyên chết hàng loạt, cây sầu riêng đang đứng trước nguy cơ tương tự, đúng là có nguyên nhân do sử dụng quá nhiều phân, thuốc hóa học. Nhưng trước hết là do nông dân trồng sai kỹ thuật.

Nguyên tắc cơ bản để xử lý dịch hại trên cây trồng không phải là trị mà là phòng ngừa. Theo đó, phòng ngừa là giải pháp hàng đầu, còn trị bệnh chỉ là khi chẳng đặng đừng. Mà muốn phòng ngừa về bệnh nào thì phải hiểu rõ bệnh đó.

Bệnh xì mủ là một trong những bệnh nguy hiểm đang gây hại trên diện rộng đối với cây tiêu, cây sầu riêng, cây bơ ở Tây Nguyên. Một nguyên tắc phòng ngừa quan trọng đối với bệnh này là phải thoát thủy, tức là không để cho gốc cây bị đọng nước.

Các nghiên cứu khoa học đã khẳng định, cây bị xì mủ thì không được trồng thấp dưới mặt đất mà phải trồng trên mô hoặc trên luống dài để đảm bảo thoát nước. Thoát nước chính là biện pháp căn cơ nhất để phòng ngừa bệnh xì mủ.

Thế nhưng, nhiều nông dân Tây Nguyên lại trồng tiêu, sầu riêng, bơ dưới hố, khiến cho gốc cây dễ bị đọng nước những khi trời mưa to, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh xuất hiện. Như vậy, về kỹ thuật canh tác, đã sai ngay từ đầu.

Trồng sai kỹ thuật khiến cho bệnh trên cây trồng xuất hiện nhiều, nông dân phải sử dụng nhiều thuốc hóa học để xử lý, qua đó để lại hậu quả tới môi trường.

Cây bơ ở Mỹ được trồng trên luống cao nhằm hạn chế bệnh xì mủ. Ảnh: Nguyễn Minh Châu.

Cây bơ ở Mỹ được trồng trên luống cao nhằm hạn chế bệnh xì mủ. Ảnh: Nguyễn Minh Châu.

Ở ĐBSCL, cây có múi, nhất là cam sành, cũng đã lâm vào tình trạng này do nông dân trồng không đúng cách. Trước đây, khi sản lượng cam sành chưa nhiều, loại cam này có giá rất cao. Thị trường, nhất là thị trường Hà Nội rất thích loại cam này.

Do nhu cầu cao từ thị trường, cộng với giá cao, cam sành lại dễ trồng, nên nông dân ĐBSCL đã đẩy mạnh gia tăng diện tích, gia tăng năng suất, sản lượng bằng cách trồng thật dầy. Bên cạnh đó, nông dân sử dụng rất nhiều phân bón lá để năng suất cao hơn, trái đẹp hơn. Những điều này đã khiến cho sâu bệnh xuất hiện nhiều hơn, làm cho nông dân phải sử dụng thuốc hóa học nhiều hơn.

Như vậy, có thể thấy một sai lầm chung của nông dân trồng tiêu, sầu riêng, bơ ở Tây Nguyên và nông dân trồng cây có múi ở ĐBSCL là trồng sai kỹ thuật, làm gia tăng sâu bệnh trên cây trồng dẫn đến lạm dụng quá nhiều thuốc hóa chất để xử lý.

Sầu riêng trồng mới trên luống cao thoát nước tốt. Mô hình hợp tác giữa Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên và Cty Phước Lạc Tây Nguyên, xã Hòa Thắng, TP Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk. Ảnh: Trần Minh Quý.

Sầu riêng trồng mới trên luống cao thoát nước tốt. Mô hình hợp tác giữa Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên và Cty Phước Lạc Tây Nguyên, xã Hòa Thắng, TP Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk. Ảnh: Trần Minh Quý.

Nông dân trồng cây ăn trái, trồng tiêu ở Tây Nguyên phun quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật với lý do những loại cây này rất nhiều bệnh, không phun không được. Thưa ông, dịch hại xuất hiện nhiều trên cây sầu riêng, cây tiêu ở Tây Nguyên còn do những loài cây này vốn có nhiều sâu bệnh, hay chỉ do nông dân canh tác không đúng cách?

Ngoài việc trồng sai kỹ thuật, thì những loại cây như tiêu, sầu riêng… vốn cũng có nhiều sâu bệnh. Như ở cây sầu riêng, ngoài bệnh xì mủ còn có rất nhiều sâu. Ngay khi cây sầu riêng vừa ra lá non, đã xuất hiện con rầy phấn chuyên ăn những cái lá này.

Chính vì vậy, ngoài việc phải trồng đúng kỹ thuật đối với những loại cây này, nông dân còn phải biết phòng ngừa sâu bệnh đúng cách. Chẳng hạn, khi sầu riêng ra lá non, nông dân phải biết xịt thuốc ngay để bảo vệ lá, không nên để đến khi cây xuất hiện rầy phấn thì mới phun thuốc để diệt.

Trồng cây không đúng kỹ thuật, không biết phòng ngừa sâu bệnh ngay từ đầu, khiến cho bệnh xuất hiện nhiều thì nông dân lại càng sử dụng nhiều thuốc hóa học hơn để trị bệnh. Cứ như vậy đến một ngày nào đó sẽ làm hỏng đất, ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Nông dân chạy theo năng suất, lạm dụng quá nhiều phân bón hóa học đang khiến cho đất ngày càng chua. Mà khi đất càng chua, cây càng khó hấp thụ phân bón đưa vào đất, dẫn tới năng suất giảm. Để đưa năng suất lên nông dân lại càng bón phân nhiều hơn nữa, khiến cho cây ngày càng yếu, đất ngày càng bị thoái hóa, sâu bệnh xuất hiện nhiều hơn.

Sầu riêng 4 năm tuổi trồng trên luống cao, sạch bệnh. Mô hình hợp tác giữa Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên và Cty Phước Lạc Tây Nguyên, xã Hòa Thắng, TP Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk. Ảnh: Trần Minh Quý.

Sầu riêng 4 năm tuổi trồng trên luống cao, sạch bệnh. Mô hình hợp tác giữa Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên và Cty Phước Lạc Tây Nguyên, xã Hòa Thắng, TP Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk. Ảnh: Trần Minh Quý.

Việc nông dân Tây Nguyên sử dụng quá nhiều phân thuốc hóa học đang mang lại hậu quả cho chính gia đình họ và lớn hơn là hủy hoại đất đai, môi trường. Chúng ta phải làm gì để nông dân và nông nghiệp Tây Nguyên thay đổi, từ bỏ những tập quán canh tác đang ảnh hưởng xấu tới đất đai, môi trường, sức khỏe con người, làm suy kiệt các vườn cây?

Theo tôi, Nhà nước phải giúp đỡ nông dân trong việc tiếp cận, sử dụng các giống gốc ghép kháng, chống chịu bệnh xì mủ trên cây tiêu, sầu riêng, bơ… Hiện đã có giống gốc ghép kháng ở những loại cây này, nhưng nhìn chung nông dân không biết hoặc có biết nhưng không quan tâm. Bằng chứng là các giống cũ, không kháng bệnh vẫn đang được bán rất nhiều.

Bên cạnh đó, phải xây dựng những mô hình trồng tiêu, trồng sầu riêng, trồng bơ… sử dụng giống kháng, trồng đúng kỹ thuật, phòng bệnh đúng cách, sử dụng phân hữu cơ...

Giúp nông dân phòng bệnh đúng cách là rất quan trọng vì cho dù có trồng đúng cách, thì những loại cây này vẫn có thể xuất hiện bệnh, nhất là vào đầu mùa mưa. Do đó, nông dân cần được trang bị đầy đủ những kiến thức cần thiết để khi bắt đầu mùa mưa, họ biết dùng các loại thuốc phòng bệnh theo nguyên tắc đúng thuốc (bệnh xì mủ phải dùng thuốc đặc trị gốc metalaxyl, không được dùng thuốc trừ nấm không có gốc metalaxyl), đúng liều lượng, phun đúng cách. Khi nông dân được trang bị đầy đủ những kiến thức như vậy thì họ cũng sẽ không còn phụ thuộc vào đại lý nữa.

Ngoài ra, Nhà nước cần quản lý chặt chẽ hơn thị trường phân, thuốc, mạnh tay loại bỏ những sản phẩm không an toàn, không cho phép các sản phẩm trong danh mục cấm vẫn được các đại lý bán cho nông dân.

Sầu riêng trồng không đúng cách ở Tây Nguyên, dễ xuất hiện bệnh xì mủ. Ảnh: Nguyễn Minh Châu.

Sầu riêng trồng không đúng cách ở Tây Nguyên, dễ xuất hiện bệnh xì mủ. Ảnh: Nguyễn Minh Châu.

Nông dân làm ăn nhỏ lẻ thường bị chi phối bởi các đại lý vật tư nông nghiệp trong vùng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nông dân sử dụng quá nhiều phân thuốc hóa học, và sử dụng cả những hóa chất cấm, phân thuốc giả, nhái nhãn hiệu. Nếu đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế hợp tác ở Tây Nguyên thì có giúp giảm thiểu được tình trạng này không, thưa ông?

Nếu đẩy mạnh mô hình hợp tác xã ở Tây Nguyên, tôi tin rằng sẽ giảm mạnh được tình trạng lạm dụng phân thuốc hóa học như hiện nay.

Các hợp tác xã nên ghi rõ tiêu chí hoạt động ngay trong tên gọi, giống như các hợp tác xã ở Đài Loan. Chẳng hạn, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sầu riêng A, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ hồ tiêu B… Bởi khi đã ghi rõ như vậy, các hợp tác xã sẽ phải có trách nhiệm với nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ.

Khi giúp nông dân sản xuất, hợp tác xã sẽ phải có bộ phận kỹ thuật. Bộ phận kỹ thuật của hợp tác xã sẽ sát sao với nông dân, hướng dẫn nông dân canh tác đúng kỹ thuật, qua đó vừa giúp phòng ngừa sâu bệnh, vừa tạo cho sản phẩm được đồng đều hơn, chất lượng hơn nên tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn. Hợp tác xã giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, khiến cho việc làm nông nghiệp của nông dân cũng trở nên nhẹ nhàng hơn, có hiệu quả và ổn định hơn.

Như vậy, không có gì tuyệt vời hơn đối với nông dân là sản xuất theo mô hình hợp tác xã.

Xin cảm ơn ông!

Thực tế cho thấy những nơi có nền nông nghiệp phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Israel… đều nhờ phát triển mạnh các hợp tác xã. Trong những nước nói trên, mô hình hợp tác xã của Đài Loan rất phù hợp để chúng ta học hỏi vì không quá cao so với trình độ sản xuất ở Việt Nam và diện tích đất đai của từng hộ nông dân cũng tương đương với nông dân ở nước ta.

(thực hiện)

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm