| Hotline: 0983.970.780

Đại ngàn Tây Nguyên & nỗi đau của đất

Các giải pháp ngắn hạn, dài hạn theo hướng bền vững, thuận tự nhiên

Thứ Hai 04/04/2022 , 14:17 (GMT+7)

Tiếp loạt bài 'Đại ngàn Tây Nguyên & nỗi đau của đất', Tiến sĩ Phan Việt Hà - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên có những chia sẻ.

LTS: Tiếp loạt bài "Đại ngàn Tây Nguyên & nỗi đau của đất", Tiến sĩ Phan Việt Hà - Phó viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã có những chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về vấn đề thời sự này.

Tây Nguyên có một nguồn tài nguyên đất rộng lớn, màu mỡ, kết hợp với yếu tố khí hậu, có nhiều tiềm năng cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây công nghiệp cho giá trị cao như cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, cây ăn quả…

Tuy nhiên, theo các nghiên cứu thuộc Chương trình Tây Nguyên 3 năm 2016, khu vực hiện có hơn một triệu ha đất bị thoái hóa nặng và rất nặng, chiếm 20,5% diện tích tự nhiên của vùng. Đây là những diện tích thoái hóa đất đã thể hiện rõ đến mức khó có thể canh tác nông nghiệp bình thường như hoang mạc đá, hoang mạc đất khô cằn, hoang mạc sỏi sạn.

Sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học quá mức là một trong những nguyên nhân khiến đất tại Tây Nguyên chai cứng. Ảnh: Quang Yên.

Sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học quá mức là một trong những nguyên nhân khiến đất tại Tây Nguyên chai cứng. Ảnh: Quang Yên.

Trong thực tiễn vài năm gần đây, diện tích đất biểu hiện thoái hóa có thể cao hơn nhiều so với con số trên. Theo đánh giá của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, phần lớn đất đai đang sản xuất nông nghiệp hiện nay, đặc biệt là các vùng chuyên canh cà phê, hồ tiêu lâu đời ở các tỉnh Tây Nguyên, đang có sự biến động lớn về lý, hóa tính và cả sinh học theo hướng tiêu cực và ảnh hưởng xấu cho việc canh tác nông nghiệp. Cụ thể đất chuyển từ mức độ chua nhẹ sang chua và rất chua, đất ngày càng chai cứng về vật lý, hệ vi sinh vật có hại trong đất phát triển mạnh.

Thoái hóa đất ở Tây Nguyên được gắn với các nguyên nhân do phá rừng, loại bỏ thảm thực vật tự nhiên, canh tác nông nghiệp chưa hợp lý, thiếu các biện pháp bảo vệ đất, độc canh nhiều diện tích cây công nghiệp dài ngày, sử dụng quá mức các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, do biến đổi khí hậu hạn hán kéo dài…

Để hạn chế tình trạng thoái hóa đất, tiến tới phục hồi tài nguyên đất đai ở Tây Nguyên, cần có các biện pháp vừa ngắn hạn và dài hạn đan xen trên cơ sở phát huy kỹ thuật nông nghiệp bền vững, thuận tự nhiên. Người dân cần áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chính xác, theo định hướng quy hoạch phát triển và liên kết vùng sản xuất hợp lý.

Cụ thể về lâu dài, cơ quan chức năng cần định hướng phát triển và quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp theo cách tiếp cận cảnh quan trên nguyên tắc: đa dạng sinh học, các thành phần tự nhiên và nhân văn trong vùng có khả năng tương hỗ về sinh thái và kinh tế trong sản xuất. Trong quy hoạch, thay vì tập trung vào các địa danh hành chính, cần phải tập trung vào các vùng sản xuất lớn và các vùng lưu vực.

Phá rừng, loại bỏ thảm thực vật tự nhiên khiến đất tại Tây Nguyên bạc màu. Ảnh: Quang Yên.

Phá rừng, loại bỏ thảm thực vật tự nhiên khiến đất tại Tây Nguyên bạc màu. Ảnh: Quang Yên.

Mỗi vùng như vậy cần phải được đánh giá toàn diện về độ phì đất, các điều kiện sinh thái, tính ổn định về mặt môi trường, hiện trạng cơ sở hạ tầng cứng và mềm phục vụ sản xuất, để từ đó đề xuất rõ loại cây trồng/nhóm cây trồng (xen canh) và biện pháp canh tác tương ứng với từng loại đất.

Trong yêu cầu kỹ thuật đi kèm, cần nêu rõ các biện pháp bảo vệ đất, chống xói mòn như làm mô đất, mương, băng cây phân xanh, bậc thang, bố trí hệ thống cây trồng và luân canh cây trồng phù hợp. Đối với những nơi nguy cơ xói mòn cao như đất quá dốc, đỉnh dốc cần quy hoạch vùng tái sinh rừng, trồng rừng. Ngoài ra, cần quy hoạch tất cả cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như hồ đập, xưởng chế biến, kho bãi và các hệ thống cung cấp vật tư đầu vào, hệ thống mua bán tiêu thụ sản phẩm…

Đặc biệt, Tây Nguyên cần một cơ sở hạ tầng mềm là các chính sách, quy định với sự tham gia của các bên để đảm bảo quy hoạch sẽ được thực hiện đúng. Hiện nay, Bộ NN- PTNT đã có đề án phát triển cà phê theo cách tiếp cận cảnh quan cho các tỉnh vùng Tây Nguyên. Đây là bước đi rất quan trọng để các địa phương, phối hợp với các cơ quan chuyên môn các cấp và người sản xuất xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, từ đó, có thể nhân rộng và mở rộng hướng khai thác sử dụng đất theo hướng này ra toàn vùng.

Về ngắn hạn, người dân cần áp dụng các quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), ưu tiên các kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp.

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã đưa ra sản xuất các quy trình ICM cho 2 loại cây trồng chính là cà phê và hồ tiêu. Thêm vào đó, các quy trình khác, đặc biệt là quy trình trồng xen, cũng đã được nghiên cứu và phổ biến.

Đây là những nền tảng căn bản để sản xuất có thể dựa vào để phát triển một cách hợp lý, uyển chuyển cho từng loại hình sử dụng đất phù hợp với điều kiện địa phương và vị trí trong vùng cảnh quan trên cơ sở cân bằng các khía cạnh sản xuất và bảo tồn. Hiện nay, có rất nhiều các tiến bộ kỹ thuật đã được nghiên cứu và đưa vào sản xuất theo hướng bảo tổn và phục hồi hệ sinh thái đất, nước.

Người dân cần được hướng dẫn các quy trình canh tác đúng để giúp đất Tây Nguyên hồi phục. Ảnh: Quang Yên.

Người dân cần được hướng dẫn các quy trình canh tác đúng để giúp đất Tây Nguyên hồi phục. Ảnh: Quang Yên.

Trong đó, nông dân cần thực hiện quy trình tưới nước tiến tiến, tiết kiệm theo công nghệ tưới nước nhỏ giọt hay phun mưa cục bộ kết hợp bón phân qua nước; kỹ thuật bón phân theo độ phì đất và năng suất thực; sử dụng các chế phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật công nghệ sinh học, các loại chế phẩm nano trong sản xuất…

Các biện pháp nông nghiệp thuận tự nhiên cũng đang được nghiên cứu, đánh giá nhằm hỗ trợ cho việc phục hồi đất như làm cỏ tối giản; sử dụng biochar để cải tạo pH đất; tưới nước chính xác dựa trên lượng bốc thoát hơi nước của vườn cây…

Để các biện pháp trên có thể khả thi và bền vững, việc tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu các tiến bộ kỹ thuật, công tác khuyến nông, việc ban hành các chính sách về quản lý và tổ chức sản xuất cần được nghiên cứu và thúc đẩy với sự tham gia của nhiều bên và tầm nhìn dài hạn hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững cho vùng Tây Nguyên.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.