Những cánh đồng trồng hoa màu ở xã Đại Thắng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) trước đây nông dân thường canh tác các loại cây chủ yếu như lạc, đậu cove, ngô thương phẩm… nhưng năng suất, sản lượng thất thường, giá cả rất bấp bênh. Hiệu quả những loại cây này thường rất thấp, nhiều vụ chỉ đủ bù chi phí sản xuất.
Trước thực tế đó, vụ đông xuân 2021 – 2022, HTX Nông nghiệp Đại Thắng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) phối hợp với Công ty TNHH ThaiBinh Seed – Miền Trung Tây Nguyên triển khai liên kết sản xuất hạt lai F1 giống ngô nếp TBM18 tại thôn Phú Long và thôn Giảng Hòa trên diện tích 2ha với 17 hộ dân tham gia.
Ông Huỳnh Sáu (trú thôn Thuận Hòa, xã Đại Thắng) cho biết, vụ vừa qua, ông tham gia mô hình sản xuất hạt lai F1 giống ngô nếp TBM18 với diện tích 6 sào (sào 500m2). Thời điểm bắt đầu xuống giống mẹ và bố, thời tiết không thuận lợi khi mưa liên tục, trong khi đó đất trong vườn khó thoát nước nên cây phát triển không đều. Tuy nhiên, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc được hướng dẫn nên sau đó vườn ngô đã xanh tốt, khỏe mạnh.
“Qua theo dõi, tôi nhận thấy vườn ngô nhà tôi cũng có biểu hiện của bệnh khô vằn. Tuy nhiên, nếu như những giống ngô trước đó khi mắc bệnh này thường dẫn đến hiện tượng chết cây thì giống TBM18 chỉ bị ảnh hưởng trên lá, nhờ đã có kinh nghiệm và can thiệt kịp thời nên có thể xử lý được, không có vấn đề gì”, ông Sáu chia sẻ.
Cũng theo ông Sáu, điều khiến ông rất hài lòng chính là giá trị kinh tế của giống ngô này mang lại. Dù ruộng ngô của ông chăm sóc chỉ ở mức độ trung bình, chân đất không được tốt nhưng năng suất vẫn đạt khoảng 150 – 170 kg/sào. Với giá Công ty TNHH ThaiBinh Seed – Miền Trung Tây Nguyên thu mua hiện nay là 37.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi khoảng 5 triệu đồng mỗi sào.
"Trồng ngô thương phẩm, mặc dù năng suất cao (đạt khoảng 350 kg/sào), nhưng giá bán chỉ từ 7.000 – 8.000 đồng/kg, trong khi sản xuất hạt ngô lai F1 giống TBM18 có lợi nhuận gấp đôi. Ngoài ra, so sánh với các loại cây trồng khác mà người dân địa phương thường trồng ở vùng đất này như đậu cô ve hay lạc thì hiệu quả từ sản xuất hạt lai F1 cao gấp 2 – 3 lần”, ông Sáu nói thêm.
Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc đánh giá cao mô hình liên kết sản xuất hạt lai F1, giống ngô TBM18 cũng như những giống cây trồng khác mà Công ty TNHH ThaiBinh Seed – Miền Trung Tây Nguyên đã thực hiện ở địa phương. Đối với giống ngô lai TBM18, ông Mẫn đánh giá đây là giống có chất lượng tốt so với các giống ngô truyền thống ở địa phương, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
“Qua mô hình đã thực hiện trong vụ đông xuân trên địa bàn xã Đại Thắng cho thấy, hiệu quả của mô hình sản xuất hạt lai F1 giống ngô TBM18 tương đối cao. Qua mô hình này, sẽ rút ra kinh nghiệm để xây dựng quy trình chặt chẽ hơn, đồng thời nhân rộng mô hình trên nhiều chân đất nhằm đánh giá thêm hiệu quả trong thời gian tới. Từ đó, sẽ quy hoạch thành vùng chuyên sản xuất giống ngô lai F1 trên địa bàn huyện”, ông Mẫn nói.
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết, giống ngô nếp TBM18 là giống ngắn ngày, cho năng suất cao, chất lượng rất thơm ngon. Ở các tỉnh phía Bắc, ngô TBM18 đã cho thấy hiệu quả rất cao, mang lại lợi nhuận lớn cho nông dân. Điển hình như ở tỉnh Hải Dương, với 1ha chỉ sau 65 ngày trồng ở vụ đông đã giúp nông dân lãi đến 100 triệu đồng/ha.
“Tôi nhận thấy, đem quy trình sản xuất giống TBM18 ở các tỉnh phía Bắc vào áp dụng tại đây chưa phù hợp nên chưa phát huy được hiệu quả tối đa. Do đó, tôi đề nghị bộ phận kỹ thuật của Tập đoàn ThaiBinh Seed cùng cán bộ kỹ thuật của ThaiBinh Seed chi nhánh miền Trung - Tây Nguyên cùng đội ngũ cán bộ, HTX và bà con nông dân tổng kết lại một cách chi tiết và xây dựng thành quy trình hoàn chỉnh cho sản xuất tại địa phương”, ông Báo nói.