| Hotline: 0983.970.780

'Bốn nhà' cùng giải bài toán nông sản dư thừa

Thứ Ba 15/08/2023 , 16:50 (GMT+7)

Nhà nông, nhà quản lý, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp cùng giải bài toán nông sản ế tại diễn đàn Khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Nhà nông than làm ra cái gì cũng khó bán

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì phải khẳng định nông nghiệp cũng đỡ hơn nhiều ngành khác vì nó liên quan đến cái ăn, cái uống hàng ngày, bắt buộc phải tiêu dùng. Tuy nhiên, nông dân trước đây vốn chỉ quen lam lũ, bới đất, lật cỏ để sản xuất chứ chưa quen với chuyện nâng tầm giá trị, quảng bá, bán sản phẩm nên điệp khúc "được mùa, mất giá" cứ lặp đi lặp lại. Bởi thế, mới đây Sở NN- PTNT thành phố Hà Nội đã phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Đây là một dịp tốt cho "bốn nhà" gồm: nhà nông, nhà quản lý, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp có thể cùng bàn luận, tháo gỡ khó khăn này. Câu chuyện ế thừa sản phẩm lan từ ngoài hành lang trưng bày sản phẩm đến trong hội trường với hàng loạt những câu than thở, bất lực: “Nhãn của tôi ngon nhất nhì huyện mà bán có 8.000đ/kg còn ế”. “Gạo Nhật của tôi chất lượng cao nhưng giá mua thóc tươi vẫn chỉ hơn 6.000đ/kg”…

Anh Nguyễn Quang Hùng, chủ trang trại rộng tới 12 ha trồng rau, dưa chuột, cà chua, dưa lưới ở xã Lê Thanh cho biết mình là người hiếm hoi trong vùng có chứng nhận GlobalGAP. Sản phẩm trang trại của anh làm ra tiêu thụ không khó nhưng giá bán chưa đúng với giá trị thực, thường chỉ được cỡ 30.000đ/kg, chưa thực sự khuyến khích được người sản xuất đã đầu tư tới 7 tỉ đồng vào đây: “Tiêu chuẩn GlobalGAP còn khó gấp 5 lần tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam bởi nó có 260 chỉ tiêu đánh giá, trong khi đó tiêu chuẩn hữu cơ chỉ hơn 30 chỉ tiêu đánh giá. Bởi vậy, tôi rất mong muốn kết nối được trực tiếp với khách hàng để bán được sản phẩm với giá cao hơn”.

Các đại biểu tham quan hàng nông sản của huyện Mỹ Đức. Ảnh: Dương Đình Tường.

Các đại biểu tham quan hàng nông sản của huyện Mỹ Đức. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Văn Hợi, chủ trang trại ở xã Xuy Xá băn khoăn chuyện nếu làm đúng quy trình VietGAP thì phải mua vật tư ở đâu, sản phẩm bán ra giá cả như thế nào. Thêm vào đó, các chủ trang trại trước đây được địa phương ký hợp đồng cho thuê đất 15 năm, họ trả sản đầy đủ nhưng đã hết hạn vào năm 2019, hiện bị treo lơ lửng về pháp lý, luôn lo lắng vì sợ bị giải tỏa trắng, sợ bị mang đất ra đấu thầu tiếp mà không trúng. Một số chủ trang trại đang lâm vào tình trạng nợ nần ngập đầu, nhiều người khác vì sản xuất không hiệu quả mà bỏ trắng.

Anh Nguyễn Văn Sinh, chủ trang trại ở xã Hương Sơn cho biết: Địa phương đã lập ra HTX để nông dân cùng nhau sản xuất nhưng nông sản làm ra vẫn không có nơi tiêu thụ. Mấy chục tấn vải vụ rồi bán trôi nổi, giá thấp, bản thân trang trại nhà anh đang có mấy chục tấn nhãn cũng chỉ được tư thương mua ở mức 8.000đ/kg dù rằng rất ngon.

Anh Nguyễn Bá Tiến, chủ trang trại ở xã An Phú thông tin: Quê mình có diện tích sen lớn nhất miền Bắc, với 178 ha loại hồng cánh đơn lấy hạt nhưng thị trường bấp bênh nên đang trồng thử nghiệm vài mẫu giống mới bách diệp; có 91 ha thủy sản, cá sạch mà vẫn bí đầu ra, chỉ biết bán cho thương lái nên đang thử nghiệm làm chả cá với sản lượng 50-70 kg/ngày và chưa biết cách nào để vào được siêu thị. Rất mong được Nhà nước hỗ trợ trong việc xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc cho nông sản.

Bà Phan Thị Thuận, giám đốc Cty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức ở xã Phùng Xá là chủ nhân của sản phẩm OCOP 5 sao chăn tơ tằm tự dệt nổi tiếng khắp Thủ đô. Bà mong được Nhà nước hỗ trợ để bản thân có thể dạy nghề cho nhiều người dân trong huyện, đặc biệt là phụ nữ; để tạo được thương hiệu riêng về tơ lụa cho Mỹ Đức, tránh tình trạng nhiều khách đến đặt hàng bà làm nhưng lại đòi ghi tên thương hiệu của họ.

Bà Phan Thị Thuận - Giám đốc Cty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức giới thiệu về các sản phẩm lụa sen, lụa tằm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Phan Thị Thuận - Giám đốc Cty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức giới thiệu về các sản phẩm lụa sen, lụa tằm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lời khuyên của chuyên gia

Mỹ Đức được quy hoạch là vành đai xanh của Thủ đô với định hướng sản xuất nông nghiệp là nền tảng, du lịch - dịch vụ là mũi nhọn. Đến nay huyện đã quy hoạch được 7 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 314 ha; vùng lúa chất lượng trên 4.500 ha; vùng rau an toàn trên 135 ha; vùng cây ăn quả 150 ha; vùng nuôi thuỷ sản tập trung 750 ha; vùng trồng hoa sen trên 500 ha...

Thời gian qua, các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Mỹ Đức cũng bước đầu được quan tâm. Hiện huyện có một số nông sản có thương hiệu, có thị trường tiêu thụ khá ổn định như rau sắng Chùa Hương (xã Hương Sơn); cao cà gai leo của Công ty Dược Tuệ Linh (xã Phù Lưu Tế); nấm kim châm của Công ty Kinoko Thanh Cao (xã Đốc Tín); rau an toàn (xã Lê Thanh)... Tuy nhiên bức tranh chung vẫn là một nền sản xuất mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra tiêu thụ phụ thuộc chính vào thương lái, giá cả bấp bênh. Vậy phải giải bài toán này thế nào?

Theo ông Nguyễn Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chứng nhận sản phẩm nông nghiệp Hà Nội: Hiện tỷ lệ nông sản có chứng nhận của Thủ đô chỉ chiếm khoảng 7%, trong khi đó muốn các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tiêu thụ sản phẩm tươi sống đều phải có chứng nhận VietGAP, hữu cơ, còn sản phẩm chế biến thì phải có chứng nhận HACCP, có đóng gói, tem mác.

Bởi vậy để nâng cao giá trị cho nông sản, không còn con đường nào khác phải làm chứng nhận, minh bạch nguồn gốc xuất xứ. Vấn đề đối với đa số các chủ trang trại, nông hộ hiện nay là họ mới chỉ quan tâm đến việc sản xuất, chạy theo năng suất, còn ít để ý đến nâng cao chất lượng, có chứng nhận, đóng gói, tem mác nên mới xảy ra tình trạng ứ thừa sản phẩm, giá bán rẻ mạt.

Ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước những tâm tư của nông dân, ông Đỗ Hoàng Thạch - Tổng Giám đốc An Việt Group chia sẻ, bản thân mình cũng là người làm trang trại 19 năm nay, trước khi đến với hội nghị, 5 giờ sáng hôm nay vẫn còn lọ mọ với cây cối. Ông trồng đủ thứ từ rau, cây ăn quả đến cây cảnh nhưng 10 năm lỗ liên tục, đến khi chuyển dịch sang hướng mới kết hợp giữa nông nghiệp hữu cơ và du lịch trải nghiệm mới đạt kết quả khả quan. Có thời điểm trang trại của ông đón 700 học sinh, với mức vé 30-40.000đ/người đó là một nguồn thu không nhỏ. Có khách du lịch, sản phẩm của trang trại làm ra cũng không bao giờ bị ế thừa, giá bán luôn cao.

Tuy nhiên không phải trang trại nào cũng làm được du lịch như thế mà cần có những điều kiện nhất định về đường giao thông, về cảnh quan. Dù làm theo cách nào thì các trang trại cũng phải tạo ra sự khác biệt trong chất lượng nông sản và mở rộng các kênh bán hàng trên các nền tảng marketing như tik tok, facebook, zalo. Nếu ai đã sản xuất theo chuẩn hữu cơ thì kết nối với An Việt Group để bao tiêu sản phẩm.  

Ông Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả nhận định Mỹ Đức là một trong những nơi thích hợp nhất của Hà Nội để làm nông nghiệp an toàn bởi có nước sạch, đất sạch. Huyện có một số xã rất phù hợp với cây hoa sen, hoa súng, có sẵn thị trường là mỗi năm cả triệu du khách đến chùa Hương. Vấn đề bây giờ phải đưa vào trồng các giống sen đa dạng với các mục đích như lấy hoa, lấy lá, lấy củ, lấy hạt.

“Huyện Mỹ Đức định hướng trong thời gian tới sẽ phát triển mô hình khuyến nông với 20 ha sen sản xuất theo chuỗi giá trị. Nguồn lực hiện đã có rồi, giờ chỉ còn chờ những ai đam mê, đêm nằm mơ ngủ cũng thấy sen thì kết nối với tôi”, ông hào hứng. Cũng ngay tại hội nghị, các địa phương, doanh nghiệp đã ký biên bản ghi nhớ việc kết nối tiêu thụ nông sản.

Ông Đoàn Đức Dân - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội nhận định, thời gian qua các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn đã được đẩy mạnh. Đây được coi là “chìa khoá” để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp một cách bền vững, gia tăng giá trị cho nông sản.

Xem thêm
Trại lợn đầu độc kênh mương

Tiền Giang Đang mùa khô hạn, thiếu nước sản xuất nhưng tại một số nơi dòng nước kênh bị ô nhiễm bởi chất thải do một bộ phận người chăn nuôi kém ý thức xả xuống.

Vĩnh Long tiêm miễn phí 60 ngàn liều vacxin phòng bệnh dại

Vĩnh Long Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong năm 2024, tỉnh sẽ tiêm miễn phí 60 ngàn liều vacxin phòng bệnh dại cho đàn chó trên địa bàn.

Huyện có 115 mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng

HÀ TĨNH Từ 5 hộ sản xuất thử nghiệm với diện tích 2.000m2 năm 2018, hiện huyện Thạch Hà đã có 115 mô hình chuyên sản xuất dưa lưới trong nhà màng với tổng diện tích 73.000m2.

Lãi gấp đôi khi chuyển sang trồng rau thủy canh

HẢI PHÒNG Mạnh dạn chuyển sang ứng dụng công nghệ mới trong trồng rau, Hợp tác xã nông nghiệp Thái Sơn đã thu được lợi nhuận gấp đôi bình thường ngay trong vụ đầu tiên.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm