Bài 2: Bón phân trên vùng đất phù sa và đất mặn
Ở tiểu vùng đất phù sa không nhiễm mặn, ngập sâu với cơ cấu hai vụ lúa ĐX-HT bao gồm vùng đất phù sa không bị nhiễm mặn của các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ. Hàng năm nơi đây chịu ảnh hưởng của lũ lụt trong mùa mưa với mức ngập sâu trên 1m và thời gian ngập kéo dài. Công thức phân bón khuyến cáo cho vụ HT mức cao là 80-60-50, mức trung bình 60-30-25 và mức thấp 40-30-25.
Tiểu vùng đất phù sa không nhiễm mặn, ngập trung bình với cơ cấu hai vụ lúa ĐX-HT phân bố tập trung gần các sông lớn thuộc tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, TP Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang. Hàng năm tiểu vùng này chịu ảnh hưởng của lũ với mức nước ngập trung bình từ 1m đến 1,5 m, tưới tiêu thuận lợi. Liều lượng chất dinh dưỡng khuyến cáo trong vụ HT ở mức cao là 90-60-50, mức trung bình 70-30-25 và mức thấp 50-30-25.
Tiểu vùng đất phù sa, không nhiễm mặn, ngập cạn với cơ cấu ba vụ lúa trong năm ĐX-XH-HT hoặc ĐX-HT-TĐ thuộc vùng đất phù sa ven sông tại các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, TP Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Hàng năm, tiểu vùng này ít chịu ảnh hưởng ngập lũ, mức nước ngập dưới 0,5 m hoặc không ngập, tưới tiêu thuận lợi. Mức phân bón cho vụ HT và TĐ tương tự nhau. Phân bón khuyến cáo cho lúa HT cũng như TĐ mức cao là 100-60-50, mức trung bình 80-40-30 và mức thấp 50-40-30.
Riêng đất phù sa có ba tiểu vùng sinh thái. Bình quân lượng phân khuyến cáo cho HT cũng như TĐ ở mức cao 90-60-50, mức trung bình 70-33,3-26,7 và mức thấp 46,7-33,3-26,7 kg N- P2O5-K2O/ha.
Vùng đất mặn:
Tiểu vùng đất mặn ven biển, ngập nông với cơ cấu hai vụ lúa HT-lúa mùa, đất bị nhiễm mặn trên 3 tháng trong mùa khô và bị ngập cạn trong mùa lũ thuộc các tỉnh Hậu Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang và Long An. Tiểu vùng này không có nước ngọt trong mùa khô nên lúa chỉ trồng được trong mùa mưa chủ yếu là HT-lúa mùa. Do đó, liều lượng phân bón khuyến cáo cho vụ HT ở mức cao là: 100-60-60, mức trung bình 80-30-30 và mức thấp 60-30-30. Đối với lúa mùa, mức cao là 70-40-00, mức trung bình 50-20-00, mức thấp 30-20-00.
Tiểu vùng đất phù sa, nhiễm mặn, ngập trung bình với cơ cấu hai vụ lúa ĐX–HT thuộc vùng đất phù sa ven biển của các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Kiên Giang. Vào mùa khô, hầu hết các sông rạch trong tiểu vùng bị mặn xâm nhập trong khoảng thời gian dưới 3 tháng (từ tháng 3-5). Mực nước ngập mùa lũ từ trung bình đến cạn. Lượng phân bón khuyến cáo cho vụ HT ở mức cao là 100-60-60, trung bình 80-30-30 và mức thấp 60-30-30.
Tiểu vùng đất phù sa, nhiễm mặn, ngập cạn đến không ngập với cơ cấu hai vụ lúa ĐX-HT thuộc vùng đất phù sa cao ven biển tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Kiên Giang, bị nhiễm mặn vào mùa khô từ tháng 2-5 và không bị ngập trong mùa lũ. Ở tiểu vùng này, tưới nước cho vụ ĐX gặp nhiều khó khăn, do đó vụ ĐX thường bắt đầu sớm và kết thúc trước khi các sông rạch bị nhiễm mặn. Do vậy vụ HT phải bắt đầu trễ hơn các vùng khác chờ khi có mưa nhiều và nước trên sông rạch không còn bị mặn xâm nhập. Vùng này lúa HT thường cho năng suất cao hơn vụ ĐX. Lượng phân khuyến cáo vụ HT ở mức cao là 110-60-30, mức trung bình 90-30-30 và mức thấp 70-30-30.
Riêng vùng đất mặn có ba tiểu vùng sinh thái, bình quân mức phân khuyến cáo cho lúa HT cũng như TĐ mức cao là 103,3-60-50; mức trung bình 83,3-30-30 và mức thấp 63,3-30-30. Lúa mùa vùng mặn khuyến cáo mức cao là 70-40-00; mức trung bình 50-20-00 và mức thấp là 30-20-00 kg N- P2O5- K2O kg/ha. (Còn nữa)
---------------
>> Bón phân hợp lý cho lúa hè thu và thu đông ở ĐBSCL
>> Áp lực phân bón ''đè'' nặng nông dân
>> Vụ hè thu ở ĐBSCL: Thay đổi ngay cách sử dụng phân bón
>> Sử dụng phân bón hiệu quả cho sản xuất lúa ĐX 2008
>> Tiền Giang: 400 nông dân được hướng dẫn sử dụng phân bón hợp lý
>> Sức ép phân bón chưa từng có...
>> Phân bón vi sinh biogro trong SX lúa ở Việt Nam