Phát biểu tại cuộc họp của các Ngoại trưởng nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS ở Nizhny Novgorod, Nga, ông Lavrov cho biết khối đang "tích cực làm việc để thực hiện các quyết định được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Johannesburg năm 2023, đặc biệt là việc cải thiện hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế, phát triển một nền tảng thanh toán bằng đồng nội tệ của các quốc gia trong thương mại song phương".
"Chương trình nghị sự của chúng tôi rất rộng lớn, bao gồm các vấn đề sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự thế giới trong tương lai dựa trên cơ sở công bằng", ông Lavrov nói.
Hồi tháng 1/2024, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina lưu ý rằng tỷ lệ giao dịch của Nga bằng đồng nội tệ với các nước BRICS đã tăng từ 26% lên 85% trong 2 năm qua. Bà cũng tiết lộ rằng nhiều quốc gia đang tỏ ra hoài nghi về SWIFT, sau khi nhiều ngân hàng của Nga bị loại bỏ khỏi hệ thống tài chính này từ năm 2022 do Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
BRICS là nhóm các nền kinh tế mới nổi với 5 thành viên ban đầu là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và khoảng 1/4 GDP thế giới. Kể từ đầu năm 2024, BRICS đã kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE). Đến nay, hàng chục quốc gia khác đã bày tỏ ý định muốn gia nhập khối kinh tế này.
BRICS, được thành lập vào năm 2009, đã thể hiện mình như một khối kinh tế có thể thay thế các thể chế quốc tế do phương Tây kiểm soát. Theo công ty phân tích Statista, BRICS đã vượt qua tỷ trọng của các nước G7 trong tổng GDP toàn cầu về sức mua tương đương vào năm 2020. Tính đến năm 2023, BRICS chiếm tổng cộng 32% GDP toàn cầu.